Các tỉnh Pattani, Narathiwat, Songkhla và Yala là tâm điểm của một cuộc nổi dậy đòi ly khai đã gây tử vong cho hơn 4.600 người từ năm 2004.
Trong vài tháng qua, những vụ tấn công của các phần tử chủ chiến đã trở nên táo bạo hơn, với những vụ nổ bom tại các trại lính và các tiền đồn và những vụ nổ súng bắn giết các giới chức chính quyền. Quân đội Thái Lan và chính phủ nước này đang chật vật ứng phó với tình hình bạo động, mặc dù đã bố trí thêm các lực lượng chống nổi dậy và siết chặt các biện pháp an ninh.
Ông Imtiyaz Yusuf, một vị giáo sư Hồi giáo học tại Đại học Assumption, cho biết tình hình bạo động đã làm cho nhiều người lên tiếng hô hào cho việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho khu vực này.
Ông Yusuf nói: "Cộng đồng chính trị Thái Lan đang có một cuộc thảo luận có tính chất khái quát về việc này. Họ cho rằng cách thức duy nhất để giải quyết các vấn đề ở miền nam là thực hiện những biện pháp tiến tới tự trị. Điều đó sẽ giống như một cái van thông hơi để giải tỏa những sự bất mãn và những đòi hỏi ở miền nam. Điều đó sẽ có ích, nhưng không có hiệu quả trong dài hạn."
Tuy đại đa số dân chúng Thái Lan theo đạo Phật, phần lớn cư dân ở 4 tỉnh miền nam là người Hồi giáo gốc Mã Lai. Dân chúng ở đây cảm thấy bị chính phủ trung ương ở Bangkok bỏ lơ. Các nhóm nổi dậy ở miền nam không hề cho biết họ là ai và mục tiêu của họ là gì. Tuy nhiên, họ thường nhắm tấn công những người được xem là biểu tượng của nhà nước theo Phật giáo hoặc những người cộng tác với nhà nước.
Khu vực này tiếp tục nằm dưới sự cai trị theo luật khẩn cấp, với hơn 30 ngàn binh sĩ cộng thêm với khoảng 20.000 nhân viên cảnh sát và địa phương quân trú đóng trên khắp 4 tỉnh. Những người chỉ trích tố cáo rằng quân đội sử dụng những chiến thuật nặng tay đối với người dân địa phương.
Tuy nhiên, trong lúc bầu cử quốc hội sắp diễn ra vào ngày 3 tháng 7, cả đảng Dân chủ đương quyền lẫn đảng Puea Thai đối lập đều hy vọng tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong khu vực này.
Tuần trước, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh tụ đảng Dân chủ, đã đề ra những chính sách để phát triển các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, ông Panitan Wattanayagorn, nói rằng những kế hoạch này loại bỏ khả năng dành quyền tự trị cho các tỉnh miền nam.
Ông Panitan nói: "Có nhiều nhóm nghiên cứu đang xem xét các vấn đề này song song với việc thành lập một đặc khu để thỏa mãn nhu cầu của người dân địa phương dựa theo hiến pháp hiện hành. Hiến pháp không cho phép tách riêng những khu vực theo một cung cách làm giảm đi chủ quyền hay sự thống nhất của quốc gia."
Trong một nỗ lực nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn của cử tri trong khu vực lâu nay vẫn do đảng Dân chủ chế ngự, đảng Puea Thai đối lập bày tỏ ủng hộ cho một hình thức tản quyền, nhưng không phải là tự trị hoàn toàn như đòi hỏi của các nhóm nổi dậy. Ông Kudeb Saikrajang là một người ủng hộ đảng Puea Thai và là cựu phát ngôn viên của đảng này.
Ông Kudeb cho biết như sau: "Chúng tôi tin vào hình thức tự trị để các tỉnh hoạt động theo cách đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải có quyền hành tuyệt đối để điều hành các tỉnh. Chúng tôi có thể dành thêm sự tản quyền cho dân chúng ở đó. Và tôi nghĩ rằng đó là mô hình thích hợp cho miền nam. Tôi tin rằng đó là chính sách mà đảng Puea Thái đang theo đuổi."
Quân đội Thái Lan chống lại những hành động của chính phủ nhằm dành thêm quyền hành cho phe dân sự trong khu vực vẫn còn được cai trị theo luật khẩn cấp. Theo các nhà phân tích, quân đội Thái Lan e rằng việc dành quyền tự trị sẽ làm gia tăng sự đòi hỏi của phe nổi dậy là tách khỏi Thái Lan để được hoàn toàn độc lập.
Một vụ nổ mìn tại tỉnh Yala ở miền nam Thái Lan có nhiều biến động đã giết chết 2 vị sư Phật giáo sáng sớm hôm nay. Khu vực này là nơi có cuộc nổi dậy từ năm 2004, gây tử vong cho hàng ngàn người. Và bạo động đã gia tăng trong những tháng gần đây. Trong lúc Thái Lan chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội, trong đó các phe phái đang tranh đua với nhau rất gay gắt, các nhà hoạt động chính trị đang xem tới những cách thức để giảm thiểu căng thẳng ở miền nam đồng thời giúp cho họ chiếm phiếu của các cử tri.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1