Những người còn trong tuổi làm việc ở khu vực miền bắc và đông bắc thiên về nông nghiệp từ trước đến nay vẫn đến các trung tâm thị tứ để kiếm tiền trong mùa khô.
Nhưng trong những năm gần đây, nhu cầu ngày càng lớn về nhân công của các xưởng máy đã biến chuyện chỉ đi ra thành phố kiếm việc làm trong mùa khô thành chuyện di cư vĩnh viễn, và trong lúc giới trẻ muốn kiếm đồng lương cao hơn do các công việc ở thành phố đem lại thì người già và trẻ em bị bỏ lại ở làng quê.
Giáo sư đại học Khon Kaen, bà Dusadee Ayuwat là người đã nghiên cứu về vấn đề di cư trong vùng đông bắc từ hơn 20 năm nay, cho biết:
”Hầu hết họ là những công nhân trẻ tuổi hơn, khoảng 15 tuổi. Sau khi học xong trung học cấp hai họ muốn ra khỏi làng đi tìm việc, và họ có thể tiếp tục làm việc cho đến 40 tuổi.”
Giờ đây vườn tược, đồng ruộng từ trước đến nay vẫn nhờ vào sức lao động tay chân đang chuyển sang sử dụng máy móc để trồng tỉa và gặt hái hoa màu. Các nông trại được cơ giới hóa có nghĩa là những người lớn tuổi hơn khó có cơ hội tìm được việc làm.
Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Singapore cũng đang gặp thử thách như vậy.
Thái Lan dự kiến con số người lớn tuổi của họ sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 20 năm vì các chính sách kiểm soát sinh sản.
Theo chuyên viên phân tích Sopon Thangphet, dân số tại các tỉnh phía bắc và đông bắc Thái lại còn già đi nhanh chóng hơn là phần còn lại của nước này. Ông là người chuyên nghiên cứu về xu hướng dân số cho tổ chức Lao động Quốc tế.
Ông nói: "Chúng ta chỉ có một thời gian rất ngắn để chuẩn bị, hiểu theo nghĩa cung cấp an sinh cho nhóm dân số này."
Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva nói rằng còn phải làm nhiều hơn nữa để giúp cho giới người lớn tuổi. Ông nói rằng chính phủ ông sẽ hỗ trợ cho những sáng kiến, các chương trình để giúp cho chính quyền địa phương điều hành hệ thống an sinh của họ.
Một thí dụ điển hình là một cặp vợ chồng sống với hai người con tại Khon Kaen. Cả hai ông bà nhận được trợ giúp 500 baht, tương đương với 18 đô la một tháng của chính phủ. Hai người con làm việc ở thành phố gần đó cũng đem về chút đỉnh để góp tiền chợ nhưng không đủ. Cha mẹ của họ vẫn phải làm việc để đắp đổi qua ngày.
Ông bố đã lớn tuổi, nói rằng 400 baht hay 13 đô la trong số tiền chính phủ trợ cấp được dùng để trả tiền bảo hiểm. Ông nói cả hai ông bà phải làm việc để sao kiếm được ít nhất 100 baht, tức 3 đô la một ngày mới tạm đủ sống.
Theo giáo sư Sopong Thangphet, thuộc đại học Chiangmai, thì những người lớn tuổi muốn làm việc vì ”họ không muốn là một gánh nặng, và họ vẫn muốn được gia đình hoặc cộng đồng coi trọng.”
Một người lớn tuổi khác ở bắc Thái cho biết ông phải làm việc vì con cái không phụ giúp được gì cho ông.
Theo giáo sư Sopon Thangphet thì vấn đề chính là tạo công ăn việc làm cho người lớn tuổi trong các khu vực nông thôn. Và theo ông thì công nghiệp cộng đồng có thể là giải pháp cho vấn đề.
Với con số những người lớn tuổi bị bỏ lại ở làng quê ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng các cộng đồng địa phương cần phải đóng một vai trò lớn hơn để giúp cho những người cao niên có thể đủ sống.
Trong những thập niên gần đây, mức tăng trưởng kinh tế vượt bực của các quốc gia châu Á một phần nhờ nơi số lượng nhân công dồi dào thuộc giới trẻ. Nhưng khi các nước này giàu có hơn, nhiều quốc gia theo đuổi chính sách cổ vũ cho việc hạ giảm sinh suất và kéo dài tuổi thọ, nhanh chóng đưa tới một lực lượng nhân công già nua. Để chứng kiến tận mắt xem các cộng đồng chuẩn bị ra sao trước hiện trạng dân số ngày càng già nua, Thông tín viên Pros Laput đã tới Thái Lan và gửi về bài tường trình từ Khon Kaen, nơi giới lớn tuổi thường bị bỏ lại nhà trong lúc những người trẻ đi tìm việc tại các thành phố.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1