Tại sao và tại sao không?

Tại sao và tại sao không?

Trên blog của mình, mới đây Trịnh Hội đặt một câu hỏi khá hay: “Tại sao không?” Đó là một câu hỏi của đứa cháu mới năm tuổi hỏi Trịnh Hội khi Trịnh Hội bảo bé không nên nói “Xin chào các người đẹp” trước mặt ba cô gái xa lạ ngoài đường.

Ừ, tại sao không?

Độc giả của blog Trịnh Hội sẽ góp ý kiến về cách trả lời câu hỏi do đứa cháu anh nêu lên. Ở đây, tôi xin bàn chút ít về ý nghĩa của câu hỏi “Tại sao?” và “Tại sao không?”.

Trước hết là “tại sao?”. Đó là một trong ba câu hỏi phổ biến và quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: tại sao, như thế nào, và là gì. Không có ba câu hỏi ấy chắc chắn sẽ không có kiến thức. Không có kiến thức sẽ không có khoa học, và từ đó, kỹ thuật. Không có khoa học kỹ thuật sẽ không có tiến bộ. Không có tiến bộ sẽ không có văn minh. Không có văn minh sẽ không có lịch sử. Không có lịch sử, nhân loại sẽ không có quá khứ. Không có quá khứ sẽ không có ý niệm về bản sắc hay căn cước, nghĩa là con người sẽ không là gì cả. Sẽ không có gì khác với các loài động vật khác.

Trong lịch sử, câu hỏi “tại sao?” có lẽ ra đời muộn hơn câu hỏi “là gì?”. Triết học, nhất là triết học cổ đại vốn được xây dựng trên ba nền tảng chính: siêu hình học, đạo đức học và nhận thức luận; cả ba đều gắn liền chủ yếu với câu hỏi “là gì?”: Bản chất của vũ trụ là gì? Hiện thực là gì? Ý nghĩa cuộc sống là gì? Cái tốt là gì? Cái xấu là gì? Cái thiện là gì? Cái ác là gì? Chân lý là gì? Nghệ thuật là gì? Con người có thể biết được gì? Tiêu chuẩn để phân biệt đúng/sai là gì? Vấn đề mà Socrates cho là quan trọng nhất, “biết mình” (know thyself), cũng gắn liền với câu hỏi “là gì?”: Bản thể con người là gì? Những định nghĩa phổ quát (universal definition) làm tiêu chuẩn cho Sự thực và sự Công chính là gì? Khi Descartes chủ trương hoài nghi tất cả, ông cũng băn khoăn, trước hết, với câu hỏi hiện hữu là gì? Và cái thực là gì? Có thể nói câu hỏi “là gì?”, vốn mang tính bản thể luận, xuất phát từ nhu cầu và tham vọng định nghĩa bản thân mình cũng như thế giới bên ngoài và bên trong mình. Lịch sử tự nhận thức của nhân loại, ở một mặt nào đó, có thể nói là lịch sử những cuộc truy tầm mải miết những câu hỏi “là gì?” ấy. Hỏi rồi lại hỏi. Chấp nhận rồi lại hoài nghi. Cứ thế, liên tục. Đời này sang đời khác.

Khoa học thì khác. Trong khoa học, câu hỏi “là gì?” cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn có lẽ là câu hỏi “tại sao”: sau khi nhận diện vấn đề hay sự kiện, các nhà khoa học nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân chủ yếu qua con đường duy lý (rationalism) hoặc con đường thực nghiệm (empiricism). Tại sao con người sinh ra? Tại sao con người bị bệnh? Tại sao con người chết? Tại sao mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi tối? Tại sao mặt trăng có lúc tròn lúc khuyết? Tại sao nắng? Tại sao mưa? Tại sao trái táo lại rơi xuống đất? Tại sao chim bay được? Tại sao nước sôi khi được đun nóng? Tại sao nước chảy xuôi? v.v… Trả lời những câu hỏi tại sao ấy, chúng ta nắm bắt được cấu tạo, quy luật và nguyên tắc vận hành của tự nhiên, những điều làm nên cái chúng ta gọi là kiến thức. Trên cơ sở các kiến thức thu nhận được ấy, người ta đặt ra những câu hỏi khác xoay quanh mấy chữ “như thế nào?”, từ đó, kỹ thuật được ra đời và phát triển.

Câu hỏi “tại sao không?” chắc chắn ra đời muộn hơn. Nó được đặt trên ba tiền đề chính: một, sự hiện hữu của một cái gì đó đã được công nhận; hai, sự hiện hữu của cái quyền được nói không; và ba, sự hiện hữu của một cái gì khác có khả năng thay thế cái hiện đang có. Ba tiền đề ấy đều có tính lịch sử: chúng được hình thành trong một giai đoạn nào đó với những điều kiện nhất định. Về phương diện nhận thức, số không là một phát hiện cuối cùng, sau các con số khác, từ 1 đến 9. Về phương diện văn hoá, quyền nói “không” gắn liền với quyền được từ chối và được lựa chọn, nghĩa là gắn liền với ý niệm dân chủ. Bởi vậy, nếu câu hỏi “là gì?” có tính bản thể luận (ontological), câu hỏi “tại sao?” có tính chất nhận thức luận (epistemological), câu hỏi “như thế nào?” có tính kỹ thuật, câu hỏi “tại sao không” có ý nghĩa chính trị rõ rệt. Nó nảy sinh từ ý thức về tự do và, ngược lại, nó có chức năng nuôi dưỡng và phát huy tự do.

Chúng ta là những cây sậy biết tư tưởng nếu chúng ta biết đặt những câu hỏi “là gì?”; chúng ta là những con người hiện đại nếu chúng ta biết đặt câu hỏi “tại sao? “ và “như thế nào?”, nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người tự do nếu chúng ta biết và được quyền đặt câu hỏi “tại sao không?”.

Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, những câu hỏi “tại sao không?” như vậy nhiều vô cùng. Và câu hỏi nào cũng khẩn thiết và cũng đầy day dứt. Tại sao Việt Nam không thể đa đảng? Tại sao người Việt Nam không được quyền phản biện và góp ý kiến về những vấn đề lớn lao liên quan đến vận mệnh của đất nước? Tại sao người Việt Nam không thể từ chối những chính sách độc tài và sai lầm của chính phủ? Tại sao người Việt Nam không được đi bên lề trái? Tại sao người Việt Nam không được phép phê phán và chống đối những hành vi lấn chiếm ngang ngược của Trung Quốc? Tại sao người Việt Nam không được phép hỏi “Tại sao không”?

V.v…

Tôi tin tình hình Việt Nam sẽ đổi khác nếu mọi người dân đều không ngừng trăn trở với những câu hỏi “tại sao không?” như thế.

Ừ, tại sao lại không chứ?

Một đứa con nít mới có năm tuổi đầu như cháu của Trịnh Hội còn biết hỏi “Tại sao không?”. Huống gì là chúng ta. Toàn là những người lớn cả.