Trong bài “Giáo dục: nạn bạo động trong học đường”, tôi giải thích nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng thượng cẳng chân hạ cẳng tay giữa học sinh với nhau hay giữa người này với người nọ trong xã hội là sự mất niềm tin vào lý lẽ. Nói một cách tóm tắt, ở đây, thay vì dùng lý lẽ để giải quyết tranh chấp, người ta lại dùng tay chân; không tự tin vào tay chân, người ta dùng cả vũ khí, từ gậy gộc đến dao kiếm hay súng ống. Bởi vậy, tôi đề nghị cần phải xây dựng một thứ văn hoá thảo luận càng sớm và càng rộng chừng nào càng tốt chừng ấy.
Văn hoá thảo luận là thứ văn hoá gắn liền với niềm tin và quyết tâm giải quyết các bất đồng và xung động bằng cách dùng lý lẽ để thuyết phục và chinh phục người khác. Vợ chồng bất hoà với nhau? Thì ngồi xuống nói chuyện. Hàng xóm hục hặc với nhau? Thì cũng ngồi xuống nói chuyện. Các thế lực xã hội hay chính trị tranh chấp với nhau? Thì cũng lại ngồi xuống nói chuyện.
Ở các nước Tây phương, văn hoá thảo luận như vậy được ứng dụng khắp nơi, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Cha mẹ bất bình với con cái chuyện gì đó, thay vì nạt nộ hay bợp tai, người ta lại ngồi xuống phân tích cho con cái nghe các sai lầm mà chúng vấp phải. Con cái có quyền cãi lại. Cha mẹ lại tiếp tục phân tích cho đến lúc chúng hiểu. Bạn bè mâu thuẫn với nhau, người ta lại cũng thường tổ chức các buổi gặp gỡ để giai quyết vấn đề một cách hoà bình bằng lý lẽ. Ở bình diện quốc gia, chính phủ và các lực lượng đối lập cũng thường xuyên tranh luận với nhau, một cách công khai, ở giữa Quốc Hội hay Thượng Viện, về mọi vấn đề.
Một thứ văn hoá thảo luận và tranh luận như thế, ở Việt Nam, hầu như chưa bao giờ có. Trong gia đình: không. Trong trường học: cũng không. Trong trường học, thầy cô hiện diện như một thứ quyền lực tuyệt đối. Học sinh, kể cả học sinh đại học, chỉ cắm cúi lắng nghe và ghi chép. Mọi nỗ lực thảo luận và tranh luận, từ phía người dưới, đều bị xem là bất kính.
Trong sinh hoạt chính trị, cũng không có thảo luận và tranh luận. Trong Quốc hội, thỉnh thoảng các đại biểu hỏi giới lãnh đạo chính quyền về việc này việc nọ. Nhưng chỉ hỏi chứ không tranh luận. Thủ tướng hay Bộ trưởng có trả lời qua loa hay lẩn thẩn thì cũng qua chuyện. Không ai bắt bẻ hay hạch hỏi tiếp. Giới truyền thông cũng không bao giờ tranh cãi với giới chính trị gia. Thường chỉ hỏi. Hỏi như học trò hỏi thầy cô giáo.
Một xã hội thiếu văn hoá thảo luận và tranh luận như vậy làm người trên, từ trong gia đình và lớp học đến ngoài xã hội, dễ trở thành độc đoán, thậm chí, thô bạo; và làm người dưới, từ con cháu và học trò đến dân chúng, dễ trở thành thụ động, và khi không thể thụ động được nữa, trở thành bạo động. Quan trọng nhất, nó không phát triển niềm tin vào lý lẽ. Chính ở chỗ trống vắng của niềm tin vào lý lẽ ấy, óc nô lệ và tính bạo động rất dễ nảy nở.
Nhưng muốn xây dựng được văn hoá thảo luận và tranh luận thì cần phải có ít nhất ba điều kiện căn bản: tinh thần duy lý, tự do ngôn luận và sự nghiêm minh trong pháp luật.
Tinh thần duy lý là nền tảng của thảo luận và tranh luận. Thảo luận và tranh luận là để biện biệt đúng sai. Vấn đề đúng/sai thuộc phạm trù nhận thức chứ không phải là tình cảm hay quán tính. Nhưng để làm rõ chuyện đúng/sai, người ta cần phải được tự do phát biểu. Trong gia đình và học đường, trẻ em cần được khuyến khích phát biểu thẳng thắn những gì mình nghĩ và được khuyến khích chỉ chấp nhận là đúng những gì chúng được thuyết phục là đúng chứ không phải chỉ vì sự khiếp nhược. Trên bình diện chính trị cũng vậy. Chính phủ phải lãnh đạo và quản lý bằng cách thuyết phục dân chúng chứ không phải chỉ bằng mệnh lệnh.
Bên cạnh tinh thần duy lý và tự do ngôn luận, muốn phát huy văn hoá thảo luận và tranh luận, cần có thêm điều kiện này nữa: luật pháp phải phân minh.
Luật pháp không phân minh, ranh giới giữa cái đúng và cái sai – về phương diện xã hội – sẽ không bao giờ rõ ràng. Khi ranh giới ấy không rõ ràng thì không ai hoài công đâu mà thảo luận hay tranh luận. Người ta sẽ dùng những biện pháp khác: luồn lách hay bạo động.
Tôi chỉ xin nêu một ví dụ nhỏ: tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, bất cứ khi nào có một tai nạn xe cộ xảy ra, người ta phản ứng ra sao? Thường, trước hết là chửi. Và, cũng thường, sau đó là đánh nhau. Cả đường phố cứ nháo nhào, người thì xúm vào coi, còn xe cộ thì bị dồn ứ lại.
Tại sao người ta phải làm như thế? Thứ nhất, vì luật giao thông không rõ ràng nên người ta phải cãi cọ, thậm chí, dùng tay chân để củng cố thêm sức mạnh cho việc cãi cọ ấy. Thứ hai, người ta không tin vào pháp luật nên muốn tự mình giải quyết để đòi hỏi được đền bù.
Ở Tây phương thì khác.
Nhớ, cách đây đã lâu, một lần, tôi lái xe đến ngã tư, gặp đèn đỏ, bèn dừng lại. Chiếc xe đi sau, không biết lơ đễnh thế nào, không thắng kịp, húc vào đít xe tôi cái rầm. Tôi còn bàng hoàng, chưa biết phản ứng thế nào, anh thanh niên lái xe phía sau đã chạy đến hỏi thăm. Đại khái: có sao không? Tôi lắc đầu. Rồi anh và tôi cùng lái xe dạt vào lề đường để khỏi cản trở lưu thông. Dừng xe lại, chúng tôi xem vết móp sau xe, rồi ghi số xe và số bằng lái xe của nhau. Vậy thôi. Sau đó, mỗi người lên xe, lái đi. Tất cả diễn ra chỉ trong vòng vài phút. Không một tiếng cãi cọ.
Hầu hết các vụ đụng xe khác cũng đều thế. Sống ở Úc gần 20 năm, chưa bao giờ tôi bắt gặp cảnh cãi cọ, đừng nói gì đến ẩu đả, do các vụ đụng xe gây ra. Tất cả đều dừng xe lại, trao đổi số xe và chi tiết trên bằng lái. Rồi đi. Chỉ khi nào có người bị thương tích hay xe bị hư hại đến mức không thể chạy được nữa mới gọi cảnh sát.
Tại sao, cũng đụng xe mà ở Tây phương, người ta giải quyết một cách hoà bình và nhanh chóng đến vậy?
Lý do đơn giản: Thường, sau tai nạn, người ta biết ngay là phần lỗi thuộc về bên nào. Do đó, không cần phải cãi. Mà cãi cũng không được. Thứ hai, người bị đụng biết là mình sẽ được đền bù; và người gây ra tai nạn biết là hãng bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí đền bù ấy. Không ai quá lo lắng. Ai cũng biết việc giải quyết các vấn đề do tai nạn gây ra là nhiệm vụ của các hãng bảo hiểm. Do đó, việc nổi nóng không có ích gì cả. Hơn nữa, nó chỉ có hại. Hoàn toàn có hại.
Chính vì có được niềm tin và sự an tâm ấy, mọi người có thể dễ dàng hoà nhã với nhau. Ngay cả khi chiếc xe của mình bị đụng bẹp dí.
Tóm lại, để giảm thiểu các hành vi bạo động, cần khuyến khích mọi người giải quyết mọi bất đồng và xung đột bằng lý lẽ. Khuyến khích không, chưa đủ. Cần bảo đảm cho lý lẽ được tồn tại và chiến thắng bằng quyền tự do ngôn luận và sự phân minh của luật pháp.
Nói thì đơn giản, nhưng tôi biết, và có lẽ ai cũng biết, đó là điều chính quyền Việt Nam tuyệt đối không muốn.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1