Đường dẫn truy cập

Thiên tai, chiến tranh và độc tài


Nhà độc tài Joseph Stalin
Nhà độc tài Joseph Stalin

Loài người sinh đẻ nhiều nhưng chết cũng nhiều. Ngoài những cái chết tự nhiên như tuổi già và bệnh tật, còn có những cái chết hàng loạt và thảm khốc, đến từ ba nguyên nhân chính: thiên tai, chiến tranh và độc tài.

Thiên tai, bao gồm động đất, bão, lũ lụt, hạn hán, sóng thần, núi lửa, đất trùi, và các loại bệnh dịch, v.v… đã có từ lâu và có lẽ còn đeo đẳng theo nhân loại mãi. Trong các loại thiên tai vừa kể, có lẽ khoa học và kỹ thuật chỉ giúp khống chế được các bệnh dịch. Không còn, và trong tương lai, có lẽ ít có khả năng có những trận dịch giết chết cả hàng mấy chục triệu người như dịch cúm ở châu Âu vào năm 1918 và 1919; hay giết cả khoảng gần bốn triệu người như dịch cúm ở châu Á năm 1957. Những bệnh dịch làm thế giới xôn xao mấy năm gần đây như cúm gà và cúm heo đều được dập tắt nhanh chóng với số tử vong rất thấp, có lẽ thấp hơn hẳn các trận cúm thông thường hàng năm.

Nhưng những thiên tai khác thì không giảm chút nào cả.

Riêng năm 2008, trên thế giới có đến 354 thiên tai giết chết 236.000 người và gây ảnh hưởng nặng nề đến khoảng trên 200 triệu người khác. Tốc độ và mức độ thiên tai, như vậy, so với những năm trước, có chiều gia tăng. Ví dụ, từ năm 2000 đến 2007, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 397 thiên tai với khoảng hơn 66 ngàn người chết và khoảng trên 200 triệu người bị ảnh hưởng.

Theo tổng kết của Liên Hiệp Quốc, trong hơn mười năm qua, động đất là thủ phạm chính của hơn 60% số người chết do thiên tai gây ra. Kế tiếp là bão (22%) và khí hậu khắc nghiệt (11%). Trong các trận động đất gần đây, dữ dội nhất là trận động đất ở vùng Sumatra dẫn đến hiện tượng sóng thần dọc theo bờ Ấn Độ Dương năm 2004 giết chết 226.408 người; trận động đất ở Kashmir, Pakistan năm 2005 giết chết 73.338 người; ở Sichuan, Trung Quốc vào năm 2008 giết chết 87.476 người; và gần đây nhất, ở Haiti với trên 230 ngàn người bị giết chết. Trước thế kỷ 21, Trung Quốc được xem là một trong những nơi có những trận động đất gây chết người nhiều nhất, trong đó, đáng kể nhất là trận động đất vào năm 1976 với số người tử vong được ước tính là từ 255 ngàn đến 655 ngàn người. Trước đó nữa, trận động đất vào năm 1556 ở Shaanxi cũng vô cùng khủng khiếp. Giới nghiên cứu ước tính số tử vong có thể lên đến khoảng trên 800 ngàn người. (1)

Tuy sự phát triển của khoa học kỹ thuật không khống chế được các tai hoạ đến từ thiên nhiên như đã khống chế được các loại bệnh dịch, nhưng ít nhất nó cũng giảm thiểu được tầm tác hại của các tai hoạ ấy. Cũng là động đất, cũng là sóng thần với những cường độ giống nhau, nhưng con số tử vong ở các quốc gia phát triển rõ ràng là ít hơn hẳn ở các nước nghèo và lạc hậu. Như vậy, tuy con người không ngăn chận được động đất hay bão lụt, nhưng với khoa học và kỹ thuật, người ta có thể xây dựng cơ sở vật chất, từ nhà cửa đến đường xá và cầu cống, an toàn hơn, hoặc cảnh báo sớm và di tản sớm hơn, chẳng hạn.

Nếu khoa học giảm thiểu tác hại của thiên tai thì lại tăng cường tác hại của chiến tranh. Ngày xưa, đánh nhau, một mũi tên may lắm chỉ có thể giết hại được một người. Sau này, vũ khí không ngừng được “cải tiến”, tầm sát thương tăng vọt từ vài chục đến vài ngàn, thậm chí, vài trăm ngàn hay vài triệu. Bởi vậy, càng về sau chiến tranh càng giết nhiều người. Đứng đầu danh sách chắc chắn là hai cuộc chiến tranh thế giới: Lần thứ nhất, bắt đầu vào năm 1914 với khoảng 10 triệu binh sĩ bị sát hại; lần thứ hai, bắt đầu từ năm 1939, với khoảng 15 triệu binh sĩ bị giết chết. Dĩ nhiên đó không phải là tất cả. Còn thường dân nữa. Đối với thường dân, chiến tranh không chỉ giết họ bằng súng đạn mà còn bằng cả sự đói khát và bệnh tật. Tổng kết con số nạn nhân trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, chẳng hạn, không thể không kể đến hơn một triệu người Việt Nam bị chết đói vào đầu năm 1945, một hậu quả trực tiếp từ các chính sách tàn bạo của Nhật Bản. Nhìn tổng quát như vậy, số người bị giết chết ở hai cuộc chiến tranh thế giới tăng vọt: lần thứ nhất, khoảng 16 triệu; lần thứ hai khoảng từ 50 triệu đến 70 triệu.

Các sử gia không thống nhất với nhau về con số tử vong trong hai cuộc thế chiến vì nhiều lý do. Thứ nhất, nó mang tầm vóc quá rộng, bao trùm toàn thế giới, do đó, rất khó thu thập số liệu. Thứ hai, vì những động cơ chính trị khác nhau, nhiều khi các số liệu ấy bị giảm thiểu hoặc được phóng đại quá mức. Ví dụ, liên quan đến Việt Nam, trước đây, người ta thường cho số người bị chết đói vào năm 1945 là khoảng hai triệu, trong khi, theo các nhiều học giả uy tín, thực sự nó chỉ có khoảng trên dưới một triệu mà thôi. Lý do thứ ba là tuỳ theo cách tính: có người chỉ giới hạn trong những người trực tiếp bị sát hại bằng bom đạn; có người tính luôn cả thường dân với những cái chết đến từ đói khát, bệnh tật hoặc lao tù, v.v… Hơn nữa, nhiều khi rất khó phân biệt được nguyên nhân thực sự của những cái chết tập thể: có thể vì chiến tranh nhưng cũng có thể vì, nhân chiến tranh, các chính phủ độc tài tìm cách tiêu diệt các thành phần đối lập hoặc thù nghịch không những về chính trị mà còn vì kinh tế hay sắc tộc.

Dù tính theo cách nào thì hầu hết các học giả đều nhìn nhận: chiến tranh giết người còn ít hơn một nguyên nhân khác: độc tài. R.J. Rummel có một bài viết mang nhan đề rất rõ ràng và tiêu biểu: “Chiến tranh không phải là tên sát thủ lớn nhất thế kỷ này” (War isn’t this century’s biggest killer”), xuất bản lần đầu trên tờ The Wall Street Journal vào ngày 7 tháng 7 năm 1986. “Thế kỷ này” mà ông nói chính là thế kỷ 20 vừa qua. Theo ông, tổng số người bị giết chết trong tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới trong suốt thế kỷ 20, từ chiến tranh thế giới đến chiến tranh khu vực cũng như chiến tranh trong nội bộ một nước, chỉ khoảng trên 35 triệu. Con số đó tuy khủng khiếp nhưng còn quá nhỏ bé so với số nạn nhân bị các nhà cầm quyền trực tiếp gây ra: Tổng cộng, con số này lên đến gần 120 triệu người.

Bảng tóm tắt do R.J. Rummel biên soạn dưới đây cho thấy:

Killed or death by caused
Killed or death by caused

Theo bảng trên, trong thế kỷ 20, tổng số tử vong do chiến tranh là 35 triệu người, trong đó có 29 triệu bị giết trong chiến tranh thế giới và gần 6 triệu trong các cuộc nội chiến. Ngược lại số người bị các chính phủ giết chết dưới những hình thức khác nhau là trên 119 triệu. Rummel phân biệt ba loại chính phủ: Chính phủ độc tài cộng sản giết chết 115 triệu; chính phủ độc tài không phải cộng sản giết chết 20 triệu; chính phủ hơi có phần tự do giết chết 3 triệu và các chính phủ tự do (bao gồm các quốc Tây phương thời đế quốc) giết chết khoảng trên 800 ngàn.

Như vậy, tên sát thủ lớn nhất trong thế kỷ 20 vừa qua chính là các chế độ độc tài. Trong các chế độ độc tài ấy, các chế độ cộng sản đứng đầu. Theo Rummel, trong bài “Cộng sản giết hại bao nhiêu người?” (How many did Communist regimes murder?), các chế độ cộng sản giết chết khoảng 110 triệu người, tức gần hai phần ba tổng số người bị chết bởi chính phủ hoặc các lực lượng du kích từ năm 1900 đến 1997.

Genocide statistic
Genocide statistic

Trong các chế độ cộng sản, đứng đầu danh sách sát thủ là Liên xô với khoảng gần 61 triệu người bị giết chết, trong đó, riêng Stalin chịu trách nhiệm về cái chết của gần 43 triệu người. Nhà nghiên cứu về nạn diệt chủng nổi tiếng Richard Rubenstein nhận định: “Không có chính phủ nào trong lịch sử đưa ra nhiều sáng kiến để tiêu diệt công dân của họ như là chế độ Xô Viết” (2). Rummel gọi chế độ Xô Viết là tên đệ nhất siêu sát thủ (the greatest megamurderer) trên thế giới. (3)

Còn số người bị giết chết, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp dưới tay Mao Trạch Đông là bao nhiêu?

Theo Jean-Louis Margolin, trong bài “Mao’s China: The Worst Non-genocidal Regime?”, số người chết do các chính sách độc tài và tàn bạo của Mao Trạch Đông là vào khoảng từ 44 đến 72 triệu người. Cũng theo Margolin, khác với ý kiến của các học giả dẫn trên, về phương diện giết người hàng loạt, Mao còn tàn bạo hơn cả Stalin và Hitler! (4).

Riêng tại Campuchia, trong số khoảng 3 triệu 3 trăm ngàn người Khmer bị giết chết từ thập niên 1970 đến 1980, chỉ có khoảng một triệu là chết vì chiến tranh, còn hơn hai triệu là bị giết chết vì Pol Pot. (5)

Nhà cầm quyền Việt Nam không đến nổi tàn bạo như Stalin, Mao Trạch Đông hay Pol Pot. Nhưng nhiều sai lầm gây khốc hại cũng đã từng diễn ra. Việc điều tra để có những số liệu cụ thể về những người đã bị giết chết trong các đợt cải cách ruộng đất vào nửa đầu thập niên 1950, trong các đợt khủng bố dưới danh nghĩa “diệt tề”, “giết nguỵ” kéo dài từ kháng chiến chống Pháp đến chiến tranh Nam Bắc thời kỳ 1954-75, trong biến cố Mậu Thân ở Huế năm 1968, cũng như trong các trại cải tạo rải rác từ Nam chí Bắc sau năm 1975, v.v… là một thử thách lớn, cực lớn, dành cho giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Chú thích:

1.Các số liệu này lấy từ các bản tin rải rác trên báo chí và internet, đặc biệt các trang mạng sau đây:

http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=33613&Cr=earthquake&Cr1=; http://www.unisdr.org/news/v.php?id=12470; http://www.eas.slu.edu/hazards.html

2.Dẫn theo Adam Jones (2006), Genocide, A Comprehensive Introduction, London: Routledge, tr. 124.

3.Xem bài “How many did Communist regimes murder?” trên http://www.hawaii.edu/powerkills/COM.ART.HTM

4.In trong cuốn The Historiography of Genocide do Dan Stone biên tập và được Plagrave Macmillan xuất bản tại New York năm 2008, tr. 438.

5.http://www.hawaii.edu/powerkills/SOD.CHAP4.HTM

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG