Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: “Một hôm gầu guộc gầm ghì”


Đọc thơ: “Một hôm gầu guộc gầm ghì”
Đọc thơ: “Một hôm gầu guộc gầm ghì”

Trong bài “Tôi đọc Trên vỉa hè Sài Gòn – Phần Hai: thi ca trí tuệ” đăng trên Da Màu, bác sĩ Trần Văn Tích có dẫn mấy câu thơ sau đây của Bùi Giáng:

Một hôm gầu guộc gầm ghì
Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm

Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen
(Ngẫu hứng)

Ngay sau đó, ông bình luận: “Những dòng thơ như thế không thể xem là thông thái, càng không phải là trí tuệ.”

Bác sĩ Trần Văn Tích không ghi chú thích, tuy nhiên, tôi nghĩ, bạn đọc nên biết thêm chi tiết này: Mấy câu thơ ấy được trích từ cuốn “Thơ điên (…thứ thiệt)” do Thái Bình Điên Quốc xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. Gọi là “Thơ điên…thứ thiệt” vì tất cả các tác giả có bài trong đó đều là những “người đã và đang điên”, đã từng là bệnh nhân tại dưỡng trí viện B.s. Nguyễn Văn Hoài tại Biên Hoà. Trong lời nói đầu, Bác sĩ Tô Dương Hiệp nhấn mạnh: “Những bài thơ trong tuyển tập này là sáng tác của những người có tâm bệnh thật chứ không phải những người giả bệnh để tìm sự độc đáo. Chúng tôi rất quý những bài thơ này vì nó giúp chúng tôi hiểu được tâm trạng của người bệnh nhiều hơn và đồng thời nó cũng giúp cho người bệnh tự tháo cũi sổ lòng cho trạng thái lo âu, cho mặc cảm của tâm tư của họ.” (tr. VI).

Trong tập “Thơ điên (…thứ thiệt)”, ở dưới ba bài thơ của Bùi Giáng, có một lời “chú giải” (không rõ do ai viết) như sau:

“Ba bài ‘Marylin Brigitte’, ‘Trong bàn chân đi’, ‘Ngẫu hứng’ được chúng tôi chọn, vì chúng để lộ một triệu chứng của một loại bệnh tâm trí, chứ không phải vì chúng tôi cho đó là ba bài thơ hay nhất của tác giả ‘Mưa nguồn’.

Triệu chứng nói trên là một con bệnh thích chơi chữ, thích nói lái, và để cho một số âm thanh nào đó chúng lôi cuốn quấn quít lấy nhau. Và ở trường hợp này, không phải ý hay tình gợi cảm hứng tác giả, mà là âm thanh, nhạc điệu.”

Sau đó, tác giả lời “chú giải” trích bốn câu thơ dẫn trên ra làm ví dụ. Rồi tác giả kết luận:

“Có lẽ đối với ba bài thơ này, ta không cần tìm hiểu ý nghĩa của chúng.” Tại sao không cần? Tác giả trả lời bằng cách tự hỏi: “mà ngoài tác giả, có ai hiểu được cho chăng?” (tr. 90-1).

Riêng tôi, tôi không nghĩ những câu thơ ấy là vô nghĩa hay có nghĩa mà lại bí ẩn đến độ ngoài tác giả, không ai hiểu được.

Không những không vô nghĩa, những câu thơ ấy còn lột tả được cảnh sống khốn khó, đầy nguy hiểm và bế tắc ở Việt Nam thời còn chiến tranh; quan trọng hơn, chúng còn thể hiện một cái nhìn ít nhiều mang màu sắc hư vô chủ nghĩa tuy mới chớm nhưng lại khá tiêu biểu cho tâm trạng của nhiều trí thức thời ấy. Cuối cùng, chúng rất gần với quan điểm của... Jacques Derrida.

Cách đây đã khá lâu, trong bài “Bùi Giáng càng điên… càng tỉnh…”, in trong cuốn Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (Văn Nghệ xuất bản tại California, 2000), tôi đã có dịp phân tích mấy câu thơ ấy. Xin trích lại mấy điểm chính để tặng bác sĩ Trần Văn Tích và bạn đọc.

“Cần nói ngay, dạo ấy có lẽ Bùi Giáng chưa đọc Jacques Derrida, triết gia hàng đầu trong trào lưu hậu cấu trúc luận (post-structuralism) và giải cơ cấu (desconstruction), người bắt đầu nổi tiếng tại châu Âu và Mỹ trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1972, nhưng mãi đến năm 1975, tôi chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ là được biết đến nhiều tại Việt Nam.

Trong lý thuyết của Derrida, có một luận điểm quan trọng: nếu ngôn ngữ, nói theo Ferdinand de Saussure là một hệ thống bao gồm một chuỗi những sự khác biệt về âm kết hợp với một chuỗi những sự khác biệt về khái niệm thì, theo Derrida, mối quan hệ giữa âm và khái niệm, hay nói theo thuật ngữ ngôn ngữ học, giữa cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified) không phải là một thứ quan hệ ổn định. Derrida đặt ra từ différance để chỉ bản chất bất định của các ký hiệu ngôn ngữ: động từ "différer" trong tiếng Pháp vừa có nghĩa là hoãn vừa có nghĩa là khác. "Khác" là một ý niệm về không gian: ký hiệu này được phân biệt với các ký hiệu khác. "Hoãn", ngược lại, là một ý niệm về thời gian: một cái biểu đạt ám chỉ một cái được biểu đạt nhưng đến lượt nó, cái được biểu đạt đó lại trở thành cái biểu đạt để ám chỉ một cái được biểu đạt khác, rồi đến lượt nó nữa, cái được biểu đạt ấy lại trở thành cái biểu đạt. Các mối quan hệ, cứ thế, lan rộng ra mãi. Điều đó một mặt làm cho mỗi từ không những chỉ có quan hệ với các từ khác trong văn cảnh của nó mà còn có những quan hệ vô tận với những từ khác ở ngoài văn cảnh, và mặt khác, quan trọng hơn, làm cho cái gọi là ý nghĩa cứ triển hạn mãi mãi.

Bài thơ trên của Bùi Giáng là một đoạn trong chuỗi liên hệ vô tận trong ngôn ngữ: chữ "gầu guộc" làm Bùi Giáng liên tưởng đến chữ "gầm ghì" và "gần gũi", tất cả đều bắt đầu bằng phụ âm [g]; chữ "một hôm" làm ông liên tưởng đến "hai hôm" rồi "ba hôm"; chữ "ba hôm" làm ông liên tưởng đến cách nói lái "bôm ha"; trong "bôm ha", từ tố "bôm" khiến ông liên tưởng đến "đạn"; từ âm tố "gao", ông liên tưởng đến "gạo"; từ "gạo đỏ", ông liên tưởng đến một điều không hề có: "gạo đen", v.v...

Thành ra, chữ "một hôm" mở đầu đoạn thơ trên không phải chỉ là ý niệm về một đơn vị thời gian mà còn bao hàm ý niệm về sự tranh chấp ("gầu guộc gầm ghì"), về súng đạn (và từ đó, chết chóc), là cơm gạo (và phía sau của nó, sự cùng cực, khốn quẫn), cuối cùng, là may rủi trong sự thành, bại và cả trong sự sống, chết. Xin mở một dấu ngoặc: bài thơ này được Bùi Giáng sáng tác trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khốc liệt. Thời ấy, với rất nhiều người, thời gian được đo lường bằng khả năng chịu đựng những đe doạ từ chiến tranh và từ sinh kế, tuỳ thuộc vào những sự đỏ đen của số mệnh.

Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ chỉ là một chuỗi những liên hệ bất tận như vậy thì, như các nhà hậu cấu trúc luận sau này đã chỉ rõ, ngôn ngữ không còn khả năng quy chiếu về hiện thực và do đó, cũng không còn khả năng phát hiện chân lý được nữa. Bùi Giáng hoàn toàn hiểu điều đó. Trong bài "Phố phường cỏ mọc" in trong tập Mùa thu trong thi ca, ông mỉa mai: "người ta tưởng chừng như tin rằng ngôn ngữ có thể nói ra được sự thật." Ai tưởng thì cứ tưởng, riêng ông, ông rất bi quan:

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây.
("Lẫn lộn lung tung”)

Nên lưu ý là những cách đổi tên gọi như vậy xuất hiện không phải một lần trong thơ Bùi Giáng. Trong bài "Trường giang lục tỉnh", ông lại viết:

Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở
Cần Thở muôn đời là Gió Việt đêm nay
...

Tôi gọi Bình Dương là Bình Dưỡng
Dượng dì ơi thương nhớ cháu nhiều không...”

Phân tích những câu vừa dẫn là một công việc thú vị.

Nhưng...thôi, xin hẹn dịp khác.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG