Trong khu vực gian hàng rộng lớn tại hội nghị về khí hậu của Liên hiệp quốc, nơi các quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty công nghệ sử dụng những bảng hiệu lớn, bắt mắt để thu hút sự chú ý của hàng ngàn người qua lại, những lon bia màu xanh-tím nằm nổi bật trên quầy trưng bày của gian hàng Singapore.
Đó là những lon bia NEWBrew miễn phí. Có điều không phải ai cũng phát hiện khi uống thử: loại bia này được làm từ nước thải đã qua xử lý.
“Tôi không biết. Tôi thực sự ngạc nhiên”, anh Ignace Urchil Lokouako Mbouamboua, một sinh viên quan hệ quốc tế đến từ Congo, người vừa nhấp thử một ngụm trong lúc nghỉ giải lao sau hội nghị, nói.
“Tôi thậm chí còn muốn đề nghị họ nên sản xuất nhiều loại bia như thế này hơn nữa”, anh Mbouamboua mỉm cười nói thêm, chia sẻ rằng đây là ngày thứ ba liên tiếp anh dừng lại đây để lấy một lon.
NEWBrew được sản xuất tại Singapore bằng NEWater, tên của nước thải đã qua xử lý, một phần của chiến dịch quốc gia nhằm bảo tồn từng giọt nước ở một trong những nơi thiếu nước nhất thế giới.
Thứ đồ uống mà một số người tham dự gọi đùa là “bia nước thải”, là một trong nhiều ví dụ về những cải tiến liên quan đến khí hậu và môi trường được trưng bày trong các cuộc đàm phán về khí hậu năm nay, COP29, diễn ra tại Azerbaijan. Sử dụng nước thải đã qua xử lý nhấn mạnh một trong những vấn đề cấp bách nhất của thế giới khi biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn: cung cấp nước uống cho nền dân số ngày càng tăng.
Trong nhiều năm, Singapore đã đi đầu trong quản lý và đổi mới về nước. Đảo quốc với 6 triệu dân ở Đông Nam Á, một trong những quốc gia đông dân nhất, không có nguồn nước tự nhiên. Ngoài việc nhập khẩu nước từ Malaysia, các trụ cột khác trong chiến lược quốc gia của nước này là thu gom, khử muối và tái chế. Chính quyền cho biết họ cần tăng cường tất cả các nguồn nước, vì nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2065.
Trong khi uống nước thải đã qua xử lý là điều mới lạ đối với nhiều người tại hội nghị về khí hậu, thì đối với người dân Singapore đây không phải là điều gì mới mẻ. Các chiến dịch quốc gia — từ lời kêu gọi bảo tồn nước đến việc trình bày quy trình tái chế nước thải — đã có từ nhiều thập niên trước. Năm 2002, Thủ tướng khi đó là Goh Chok Tong đã chụp ảnh đang uống một chai NEWater sau một trận đấu quần vợt, nhằm mục đích bình thường hóa việc sử dụng bia này.
Ông Ong Tze-Ch’in, giám đốc điều hành của Ban Tiện ích Công cộng, cơ quan nước quốc gia của Singapore, cho biết NEWBrew được một nhà máy bia địa phương phát triển vào năm 2018. Mục tiêu là giới thiệu nước thải đã qua xử lý tại Tuần lễ Nước quốc tế hai năm một lần của đất nước. Loại bia này tiếp theo được sản xuất vào năm 2022, 2023, sau đó là năm nay.
“Đây là một phần của việc chấp nhận sử dụng nước tái chế, nhìn chung đây là một chủ đề khó khăn”, ông Ong nói. “Chúng tôi đã làm nhiều việc để thúc đẩy điều đó”.
Và ông có hài lòng với kết quả đạt được không?
“Tôi đã chọn hương vị này”, ông Ong nói, đồng thời cho biết ông là một phần của nhóm làm việc với nhà máy bia cho phiên bản năm nay.
Sau khi tham dự một hội thảo về quản lý nước tại gian hàng Singapore, ông Peter Rummel, giám đốc phát triển chính sách cơ sở hạ tầng tại Bentley Systems, công ty tạo ra phần mềm kỹ thuật cơ sở hạ tầng, đã bước đến quầy và lấy một cốc bia. Ông Rummel nói với những người chứng kiến rằng ông có đủ khả năng để đánh giá bia, vì ông đến từ Munich, Đức, nơi có lễ hội bia Oktoberfest.
“Tươi, nhẹ, mát. Bia có hương vị tuyệt vời”, ông Rummel nói trong khi nhìn vào lon bia.
Ông Wee-Tuck Tan, giám đốc điều hành của nhà máy bia địa phương, The Brewerkz Group, cho biết họ đã sản xuất khoảng 5.000 lít, hay khoảng 15.000 lon, cho mỗi phiên bản NewBrew. Ông nói họ sử dụng cùng một quy trình như với các loại bia khác và giá thành cũng tương tự, khoảng 7 đô la Singapore (khoảng 5 đô la Mỹ) cho một lon khi mua ở siêu thị.
Ông Wee-Tuck cho biết ông tin rằng loại bia này đã thay đổi cách một số người ở Singapore nhìn nhận về NEWater.
“Họ nghĩ rằng nó có vị lạ”, ông nói. “Khi làm thành bia, nó sẽ thay đổi tư duy. Hầu hết mọi người không thể nhận ra sự khác biệt”.
Khi các vấn đề về tình trạng thiếu nước gia tăng, việc sử dụng nước thải đã qua xử lý ngày càng được chấp nhận, ông Saroj Kumar Jha, giám đốc bộ phận quản lý nước toàn cầu của Nhóm Ngân hàng Thế giới, người đã tham gia hội thảo quản lý nước tại gian hàng Singapore, nói. Khi đi du lịch đến hơn 50 quốc gia trong hai năm qua, ông cho biết các nhà lãnh đạo thường nói với ông rằng điều quan trọng là không nên sử dụng thuật ngữ “nước thải” và thay vào đó hãy gọi là “nước đã qua sử dụng”.
Sau khi hội thảo kết thúc, ông Jha và những người tham dự khác đã khui bia NEWBrews và nâng ly chúc mừng.
“Thật là ngon”, ông Jha nói. “Đây là lần thứ tư tôi uống”.
“Năm nay,” ông nói thêm với một tiếng cười. “Không phải hôm nay.”