Phan Khôi, Một Nửa Cuốn Sách

Phan Khôi năm 1956

Là một tên tuổi lớn, nhưng Phan Khôi (1887-1959) không phải là một nhà thơ lớn, không phải là một nhà văn lớn, không phải là một học giả lớn; ông cũng không phải là một nhà báo lớn. Viết phê bình văn học, chỉ tập trung vào những ngọn đỉnh cao nhất của từng thể loại, người ta có thể bỏ qua Phan Khôi, tuy nhiên, nếu viết lịch sử văn học, nhằm tái hiện diện mạo nền văn học Việt Nam hiện đại trong quá trình vận động của nó qua những thời kỳ, những biến thái, những trào lưu và những khuynh hướng khác nhau, người ta lại không thể không nhắc đến Phan Khôi, hơn nữa, không thể không nhắc đến ông một cách trọng vọng.

Phan Khôi là người tò mò, hay hoài nghi, thích đặt lại vấn đề, thích gây gổ, thường băn khoăn tìm tòi cái mới. Cuộc đời cầm bút của Phan Khôi là một chuỗi thử nghiệm liên tục. Trước năm 1930, trong giới cầm bút Việt Nam, đặc biệt giới biên khảo, hiếm, nếu không nói là không có ai độc đáo bằng ông. Sau năm 1930, có lẽ chỉ có một người đi con đường giống ông: Trương Tửu.

Cả Phan Khôi lẫn Trương Tửu đều thông minh, ưa lý sự, giỏi biện bác. Cả hai đều thích phiêu lưu: một người phiêu lưu vào cách nhận định, cách đánh giá từng sự việc cụ thể; một người phiêu lưu vào các phương pháp luận. Cả hai đều có cá tính mạnh: thích in dấu ấn cá nhân của mình lên từng trang viết. Và cả hai đều nhẹ dạ: một người bị mê hoặc bởi luận lý học; một người bị choáng váng bởi phân tâm học và rồi, biện chứng pháp.

Dù sao, giữa hai người, tôi vẫn thích Phan Khôi hơn. Không hiểu sao, đọc Trương Tửu, tôi có cảm tưởng ông giống như một nhà chính trị: chưa chắc ông đã tin những gì ông viết. Phan Khôi thì như một nhà cách mạng: lúc nào cũng nhiệt tình, đầy tâm huyết, ngay cả khi bênh vực một luận điểm sai lầm. Trương Tửu có cái nhẹ dạ của một thiếu nữ đứng trước thời trang; Phan Khôi có cái nhẹ dạ của một tín đồ đối diện với thần quyền. Thiếu thành kính, Trương Tửu hay liều lĩnh: ông thường vấp phải cái tật lộng ngôn, đôi khi nói chỉ để cho đã miệng; Phan Khôi vẫn giữ ít nhiều cốt cách nhà nho: lý, có thể đi đến tận cùng, nhưng lời thì vẫn chừng mực. Phan Khôi có cái mà Trương Tửu, nếu có, chỉ có thật ít: sự chân thành. Cái mới, với Trương Tửu, chỉ là cái mới; với Phan Khôi, là chân lý.

Mải mê theo đuổi chân lý, Phan Khôi quan tâm đến rất nhiều khía cạnh khác nhau: đề tài của ông, ngoài chuyện thơ văn, còn là chuyện chính trị, chuyện xã hội, chuyện triết học và ngôn ngữ học. Tự bản chất, ông là một nhà báo hơn là một nhà văn. Là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng ông lại không quan tâm đến thời sự mà chỉ quan tâm đến cái lý đằng sau các biến động, các sự việc của thời sự. Văn chương báo chí của ông, bởi vậy, nặng tính chất lý luận hơn là tường thuật. Lý luận của ông, do gắn liền với thực tế, xuất phát từ thực tế, thường xuyên va chạm với các thành kiến, thiên kiến của xã hội, do đó, mang nhiều yếu tố luận chiến.

Mỗi bài viết của Phan Khôi thường là một sự gây hấn. Đọc ông, người đọc buộc phải có một thái độ dứt khoát: hoặc theo hoặc chống. Độc giả của ông hoặc yêu ông hoặc ghét ông, chứ không thể dửng dưng trước ông. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các cuộc bút chiến giữa hai cuộc thế chiến đều dấy lên từ Phan Khôi hoặc nhắm vào Phan Khôi.

Trải qua nhiều cuộc bút chiến như vậy, tự nhiên Phan Khôi trở thành một tay bút chiến chuyên nghiệp và lão luyện. Chúng ta có thể gọi Phan Khôi là một nhà bút chiến (polemicist), một danh hiệu, đến nay, có lẽ chỉ có một người nữa là có thể chia xẻ được với ông: Hải Triều. Cả hai đều xây dựng phần lớn sự nghiệp của mình bằng các cuộc bút chiến. Hải Triều có hai điều mà Phan Khôi không có: lòng sùng tín đối với một chủ nghĩa và lòng trung thành đối với một tổ chức chính trị. Nhưng Phan Khôi có hai điều mà Hải Triều không có: sự uyên bác và tài hoa. Những bài bút chiến của Phan Khôi là những tác phẩm văn chương, của Hải Triều, chỉ là những bài viết tuyên truyền.

Bút chiến là để đánh đổ một lập luận cũ hơn là để chứng minh cho một luận điểm mới. Bút chiến thích hợp với tính cách của Phan Khôi: ưa lý luận và thường xuyên phản kháng. Nhờ hai tính cách ấy, Phan Khôi đã đi tiên phong trong rất nhiều lãnh vực khi Việt Nam đang cố gắng chuyển mình từ một xã hội trung đại sang hiện đại.

Rất lâu trước khi Hoàng Đạo viết cuốn Mười điều tâm niệm làm cương lĩnh lý thuyết cho nhóm Tự Lực văn đoàn cũng như cho phong trào Âu hoá ào ạt vào đầu thập niên 1930, Phan Khôi đã đi đầu trong việc đả kích kịch liệt Nho giáo, đặc biệt Tống Nho, trong việc hô hào mọi người học tập tinh thần duy lý của Tây phương.

Đi trước Nhất Linh trong cuốn Đoạn tuyệt và Khái Hưng trong cuốn Nửa chừng xuân, ngay từ năm 1931, Phan Khôi đã đả kích chế độ đại gia đình, nguyên nhân của những quan hệ thù nghịch hay hục hặc bất hoà giữa mẹ chồng và nàng dâu, đã quyết liệt chống lại việc cưỡng bức hôn nhân. (1)

Sớm hơn bất cứ người nào khác, ngay từ năm 1929, Phan Khôi đã đặt ra vấn đề nam nữ bình quyền và vấn đề nữ quyền (feminism) trong văn học. (2)

Phan Khôi đi tiên phong trong rất nhiều lãnh vực. Điều này khiến rất nhiều người yêu quý và khâm phục ông. Trong bộ Nhà văn hiện đại, trước năm 1945, Vũ Ngọc Phan cho “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái nho học.” (3) Ba mươi năm sau, Thanh Lãng cũng tiếp tục ca ngợi Phan Khôi một cách nồng nhiệt: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh tuý nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc chiết của Tây phương.” (4)

Tuy nhiên, cái mới, cái lớn của Phan Khôi lại hiếm khi kết tinh vào trong tác phẩm. Tác phẩm của Phan Khôi thường chỉ là các bài báo, rải rác và tản mạn, nổi bật giữa cơ man các bài báo khác ở những cách nhìn và cách viết sắc sảo, độc đáo, nhưng, dù sao, chúng vẫn là những bài báo, gắn liền với những thời điểm, những biến cố cụ thể, nhất định. (5) Chúng khó mà đứng vững với thời gian. Bởi vậy, tuy Phan Khôi đi tiên phong nhưng ít khi ông cắm được lá cờ của mình trên vùng đất mình khai phá được.

Ngay cả khi ông cắm được cờ, ông cũng không ở lại lâu với ngọn cờ ấy để khẳng định chủ quyền của mình trên vùng đất ấy. Ở Việt Nam, ông là người đầu tiên bàn đến luận lý học, tu từ học, là một trong vài người hiếm hoi có được một tư duy duy lý cao, ông lại không chịu đi sâu để có được một công trình hoàn chỉnh nào trong các lãnh vực này. Là người có nhiều suy nghĩ táo bạo và độc đáo về ngữ pháp tiếng Việt, vượt hẳn những người cùng thời, (6) ông lại không tập trung đủ để trở thành một nhà ngôn ngữ học cự phách, điều ông có thể làm được nếu ông quyết tâm. Ông được nhiều người khen là có khả năng cảm thụ thơ nhạy bén, “nói chuyện về thơ ý nhị và đậm đà”, (7) nhưng tập Chương Dân thi thoại của ông lại đầy tính chất ngẫu hứng, quá tản mạn, quá sơ sài, để với nó, ông có thể được xem là một nhà phê bình văn học.

Nhưng không đâu rõ bằng trong lãnh vực thơ. Ai cũng biết và ai cũng thừa nhận là, với bài “Tình già” đăng trên báo Phụ nữ tân văn số 122 ra ngày 10.3.1932 tại Sài Gòn, Phan Khôi là người khởi xướng ra phong trào Thơ Mới, đánh dấu một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam: thời kỳ 1932-45. Không có bài “Tình già”, không ai biết được là diện mạo của nền thơ Việt Nam hiện đại sẽ ra sao. Chắc chắn nó sẽ khác rất nhiều. Có phần chắc là nó sẽ phát triển chậm hơn, nghèo nàn hơn. Tuy nhiên, có điều rất đáng ngạc nhiên là: khi phong trào Thơ Mới bộc phát mạnh mẽ với thật nhiều hương sắc, Phan Khôi lại không làm được bài thơ nào mang phong cách của Thơ Mới cả. Một số bài thơ ông sáng tác sau năm 1932, cũng hoạ hoằn thôi, đều khá cổ kính. Cho nên ở đây có một nghịch lý: người cắm ngọn cờ đầu cho Thơ Mới lại không phải là một nhà thơ mới.

Sự nghiệp của Phan Khôi, bởi vậy, có cái gì cứ như dở dang. Ông là một khuôn mặt lớn, một phong cách lớn mà lại không có tác phẩm lớn tương xứng. Ông là thứ cây chỉ ra mỗi một đợt trái đầu mùa, rồi thôi. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, ông là người phát bóng cực giỏi nhưng bản thân ông thì lại ít khi ghi được bàn thắng. Đọc ông, có cảm giác như mới đọc một nửa cuốn sách. Tuyệt hay, nhưng chỉ có một nửa.

Nửa kia, nằm ở cuộc đời của ông.

Chú thích:

1. Tiêu biểu nhất là trong bài “Một cái hại của chế độ đại gia đình: Bà già với nàng dâu” đăng trên Phụ Nữ tân văn số 96 ra ngày 20.8.1931; in lại trong cuốn 13 năm tranh luận văn học, tập 3, của Thanh Lãng, nxb Văn Học và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh in năm 1995, tr. 72-80.
2. Tiêu biểu nhất là bài “Văn học và nữ tánh” đăng trên Phụ Nữ tân văn số 2, ngày 9.5.1929; bài “Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thịnh” trên Phụ Nữ tân văn số 3, ngày 16.5.1929; và loạt bài “Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta”, đăng trên Phụ Nữ tân văn từ số 5 (30.5.1929) đến số 18 (29.8.1929); tất cả các bài trên đều được in lại trong 13 năm tranh luận văn học, tập 2, tr. 382-462.
3. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, tập 1, Nhà xuất bản Văn Học và Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh in lại, 1994, tr. 238.
4. Thanh Lãng (1973), Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hoá, Sàigòn, tr. 252.
5. Trừ cuốn tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra in trên Phổ thông bán nguyệt san số 41 (16.8.1939), hầu hết các tác phẩm của Phan Khôi đều là các bài báo. Chỉ có một số ít được tập hợp in trong hai cuốn sách: Chương Dân thi thoại (1936) và Việt ngữ nghiên cứu (1955). Còn lại đều nằm rải rác trên báo chí. Có thể tìm đọc các bài ấy trong bộ 13 năm tranh luận văn học do Thanh Lãng sưu tầm và biên soạn, gồm 3 tập do nhà xuất bản Văn Học và Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh in năm 1995. Gần đây, Lại Nguyên Ân bỏ công sưu tầm rất nhiều bài báo của Phan Khôi va công bố trong “Hồ sơ Phan Khôi” trên http://www.viet-studies.info/Phankhoi/index.htm.
6. Xem tập Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi, nxb Văn Nghệ, Hà Nội, 1955. Trong tập này, có nhiều bài Phan Khôi viết từ những năm 1948, 1949. Sớm hơn nữa, trên Phụ nữ tân văn từ năm 1930, Phan Khôi đã có loạt bài “Phép làm văn” trong đó chủ yếu ông bàn về ngữ pháp, như cách dùng quán từ (article), đại danh từ (pronoun), v.v... (Một số được in lại trong bộ 13 năm tranh luận văn học của Thanh Lãng, dẫn trên).
7. Vũ Ngọc Phan, sđd., tr. 242