Đường dẫn truy cập

Văn hoá chú thích


Văn hoá chú thích
Văn hoá chú thích

Trong mấy tuần vừa qua, trên hai tờ báo mạng Tiền Vệ (tienve.org) và Talawas (talawas.org) có cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa Nguyễn Tôn Hiệt và Ngô Tự Lập về vấn đề đạo văn.

Nội dung chủ yếu của cuộc tranh luận là Nguyễn Tôn Hiệt kết tội Ngô Tự Lập đạo văn (plagiarism) trong hai bài viết “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” (2010) và “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” (2005). Theo Nguyễn Tôn Hiệt, một số luận điểm chính của Ngô Tự Lập trong hai bài viết ấy đều lấy ý từ bài “The shadow of shadows” của Hayes Edwards vốn đã được đăng trên tập san Positions: East Asia Cultures Critique, số 11 ra vào mùa xuân 2003. (1)

Một vấn đề tương tự như vậy, theo tôi, có thể được nhìn và đánh giá từ ba góc độ và với ba mức độ khác nhau. Một, thuộc phạm trù đạo đức: cố ý đạo văn. Hai, thuộc phạm trù tâm lý: do muốn nhấn mạnh một ý mà mình tâm đắc, tác giả bị trượt bút dẫn đến việc làm mờ ranh giới giữa sự vay mượn và việc phát hiện. Và ba, thuộc phạm trù kỹ thuật: tác giả không cố ý đạo văn và cũng không phải vì trượt bút, tất cả vấn đề chỉ là do không biết hoặc sơ sót trong cách ghi chú thích.

Trường hợp Ngô Tự Lập, trong hai vừa viết nêu trên, thuộc khả năng nào? Và nên được nhìn từ góc độ và mức độ nào? Tôi không có ý kiến. Tôi không muốn tham dự vào cuộc tranh luận đã khá ồn ào này. Tôi chỉ muốn nhân dịp này nói một ít về vấn đề chú thích trong các bài nghiên cứu.

Nói đến chú thích, không thể không nhớ đến một số chuyện khác.

Trong cuộc tranh luận về đề tài trí thức và phản trí thức, thoạt đầu, giữa tôi và Hoàng Ngọc Hiến trên tạp chí Hợp Lưu (California) vào năm 2000, Hoàng Ngọc Hiến có trích dẫn một tài liệu nói là từ CD Bách khoa Encarta 99. Hoàng Ngọc-Tuấn bỏ công lục tìm trong cuốn CD ấy, nhưng không hề tìm thấy câu Hoàng Ngọc Hiến trích dẫn, bèn tri hô lên là Hoàng Ngọc Hiến “sáng chế tài liệu giả”. Hoàng Ngọc Hiến, sau đó, đính chính lại, té ra, ông trích dẫn đúng nhưng lại ghi xuất xứ nhầm: Tài liệu ông dẫn là từ Encyclopedia Encarta Deluxe Edition 1999 chứ không phải là Encyclopedia Encarta 1999.(2)

Nếu Hoàng Ngọc Hiến nhầm trong việc ghi xuất xứ thì Đỗ Lai Thuý lại thường rất lơ đễnh trong việc ghi nhận các tư liệu mà ông sử dụng. Lơ đễnh đến độ ông thường bị buộc tội là “đạo văn” hay “luộc văn”. Nổi tiếng và tai tiếng nhất là vụ ông lấy nhiều đoạn của Lê Huy Oanh trong cuốn Con mắt thơ, nhiều ý của Nguyễn Văn Trung và, hình như, của bản thân tôi nữa, trong nhiều bài viết về phê bình và lý thuyết văn học.(3)

Xin nói ngay, tôi không hề có chút ác ý nào khi nhắc lại trường hợp của Hoàng Ngọc Hiến và Đỗ Lai Thuý ở trên. Theo tôi, cả hai người đều là những cây bút thông minh, uyên bác và tài hoa nhất trong thế hệ của họ ở trong nước; cả hai đều có những đóng góp nhất định trong sinh hoạt phê bình và lý luận văn học Việt Nam. Vấn đề của họ, tôi có cảm tưởng, gắn liền với một cái gì sâu rộng hơn, trong đó, điều này không chừng là quan trọng nhất: văn hoá học thuật mà trọng tâm là văn hoá trích dẫn (culture of quotation/citation/reference), một điều hình như chưa bao giờ được lưu ý ở trong nước, ngay cả ở môi trường nó cần được lưu ý nhất: giáo dục.

Tôi nhớ, trong suốt thời gian học đại học cũng như sau đại học ở Việt Nam, sau năm 1975, chưa bao giờ tôi nghe bất cứ ai nhắc đến các nguyên tắc trích dẫn cũng như cách ghi chú trích dẫn. Tuyệt đối không. Cái chuyện ở Tây phương mọi học sinh trung học đều được học, học một cách kỹ lưỡng, và mọi sinh viên đại học, ngay từ năm thứ nhất, học một cách hệ thống và thường xuyên được nhắc nhở hầu như trong mỗi bài tập, ở Việt Nam, không ai đề cập đến cả.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi, ở Việt Nam, có vô số người, kể cả trong giới cầm bút, không hề biết cách trích dẫn và ghi chú trích dẫn, thậm chí, không hề hiểu ý nghĩa của việc trích dẫn. Hơn nữa, còn khinh thường việc trích dẫn. Họ xem đó như dấu hiệu của sự cóp nhặt, và cùng với nó, bằng chứng của sự thiếu sáng tạo. Hoặc, ít nhất, thiếu tự tin. Với cách suy nghĩ như vậy, khi cầm bút, ai cũng thích viết vung lên, như từ trong bụng trào ra thành chữ. Ngay cả khi biết rõ mười mươi ý đó do người khác dày công tìm kiếm, họ vẫn cứ lờ đi. Cũng với cách suy nghĩ như vậy, nhiều người gay gắt lên án người khác nếu, trong bài viết, họ trích dẫn quá nhiều.

Tôi cho đó là một sai lầm nguy hiểm. Nó có nhiều cái hại. Hại về phương diện đạo đức: nó làm cho người ta trở thành thiếu trung thực và thiếu lương thiện. Hại về phương diện nhận thức: nó làm lẫn lộn giữa những vấn đề vốn tự bản chất, rất khác nhau, như giữa tiếp nhận và bắt chước, giữa sáng tạo và nói liều, giữa nghiên cứu và nói leo, v.v… Hại về phương diện học thuật: nó nuôi dưỡng sự lười biếng và thói nói càn.

Không phải ngẫu nhiên mà ở Tây phương, người ta xem việc đọc, trích dẫn và ghi chú các trích dẫn là những điều tối cần thiết. Có người còn khẳng định một cách dứt khoát với sinh viên: “Tài liệu trích dẫn là phần quan trọng nhất trong bài luận văn” (Essay references is the most important part of your essay). (4) Tôi biết nhiều giáo sư nổi tiếng, khi chấm các luận án thạc sĩ cũng như tiến sĩ, ngoài bản tóm tắt, đã đọc rất kỹ phần tài liệu tham khảo và các chú thích. Theo họ, chỉ cần đọc qua những mục ấy, người ta đã có thể hình dung một cách nhanh chóng và chính xác kiến thức cũng như kỹ năng nghiên cứu của người viết. Bản thân tôi, khi chấm các luận văn hay luận án, dĩ nhiên tôi vẫn đọc kỹ toàn bộ, nhưng phần tài liệu tham khảo và chú thích thường vẫn là phần được tôi lưu ý đầu tiên.

Phần tài liệu tham khảo quan trọng. Đã đành. Vì nó cho thấy tầm đọc, kiến thức và kỹ năng nghiên cứu của tác giả. Phần trích dẫn và ghi chú các trích dẫn cũng quan trọng không kém vì nó cho thấy:

Về đạo đức nghề nghiệp, tác giả a) biết trân trọng đóng góp của người khác; b) biết quý trọng tính chính xác của các tài liệu mình sử dụng; c) biết tôn trọng độc giả qua việc cung cấp xuất xứ các tài liệu để độc giả có thể kiểm tra, nếu muốn và nếu cần; và d) thành thực, ngay thẳng và sòng phẳng.

Về trình độ nghề nghiệp, tác giả a) nắm vững các nguyên tắc nghiên cứu; b) chịu khó tìm tòi và ghi chép; và c) biết cách làm nổi bật các phát hiện riêng của mình.

Tất cả những điều ghi ở trên, ở Tây phương, mọi sinh viên đều được học, học đi học lại, hầu như ở mỗi môn học; đều được tập, tập đi tập lại, hầu như ở mỗi bài luận văn. Có thể nói, ở Tây phương, nền văn hoá học thuật, trong đó có văn hoá trích dẫn, được vun trồng và củng cố từ một nền tảng ban đầu: giáo dục.

Bởi vậy, trước nạn đạo văn dường như lan tràn như một thứ bệnh dịch tại Việt Nam hiện nay, nơi cần được chẩn bệnh và trị bệnh đầu tiên có lẽ chính là giáo dục. Lý do đơn giản: Người ta không thể biết điều họ không hề được học. Bởi vậy, cần để ý đến chương trình và cách thức giảng dạy từ những điều căn bản nhất: tìm tài liệu, trích dẫn tài liệu và ghi chú tài liệu.

Những điều cực kỳ căn bản.

Chú thích:

1. Cuộc tranh luận bao gồm nhiều bài. Các bài chính là:
a. Nguyễn Tôn Hiệt: Đạo văn: Lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập http://www.talawas.org/?p=22247
b. Ngô Tự Lập: “Lần thứ ba và lần cuối với Nguyễn Tôn Hiệt” http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=10954
c. Nguyễn Tôn Hiệt: “Ngô Tự Lập không thể tự bào chữa về việc đạo văn” http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=10955
d. Nguyễn Tôn Hiệt: “Ngô Tự Lập không chỉ ‘kín đáo’ đạo văn của Brent Hayes Edwards, mà còn công khai đoạt văn của Alain Guillemin!” http://www.talawas.org/?p=22404
e. Nguyễn Tôn Hiệt: “Những câu hỏi về cái ‘uẩn khúc’ của Ngô Tự Lập trong vụ Guillemin” http://www.talawas.org/?p=22512 http://www.talawas.org/?p=22512
Danh sách đầy đủ các bài liên hệ được Talawas ghi chép trên http://www.talawas.org/?p=22344
2. Xem tạp chí Hợp Lưu các số 52 (tháng 4&5,2000), số 53 (tháng 6&7, 2000), 54 (tháng 8&9, 2000), và 55 (tháng 10&11, 2000); và bài “Một lối nghiên cứu đáng ngờ, và một lối phản biện đáng chê trách” của Hoàng Ngọc-Tuấn trên Talawas ngày 31.10.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14626&rb=0106.
3. Xem bài “Khắc vía tiến sĩ giấy: Nhà phê bình lừng danh Nguyễn Hòa!” trên Vietimes ngày 26/11/2007, http://www.vietimes.vietnamnet.vn/default.aspx?tabid=427&ID=4066&CateID=255; bài “Đỗ Lai Thuý và trường phái luộc văn” của Nguyễn Tôn Hiệt trên Talawas ngày 9.10.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14440&rb=0106; bài “Cũng chuyện vay mượn” của Trần Đình Hoà trên Talawas ngày 3.10.2008 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14381&rb=0106.
4. http://fastessays.co.uk/blog/coursework-writing/essay-references-is-the-most-important-part-of-your-essay/1040

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG