Đường dẫn truy cập

Lịch đại và đồng đại


Tháng 5 năm 1968, lúc chiến tranh Việt Nam đang cực kỳ khốc liệt, nhà văn Susan Sontag của Mỹ được mời sang thăm Hà Nội trong thời gian hai tuần. Về lại Mỹ, bà viết và cho xuất bản cuốn “Trip to Hanoi” (Farrar, Straus and Giroux, New York, 1968) gây nhiều tiếng vang. Đến bây giờ vẫn thường được nhắc nhở.

Sinh năm 1933 và mất năm 2004, Sontag được xem là một trong những gương mặt xuất sắc và nổi bật nhất của trí thức Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20. Đó là một trí thức cực kỳ thông minh. Jonathan Miller gọi bà là “người phụ nữ thông minh nhất nước Mỹ”, một nhận định được nhiều người đồng ý. Không những thông minh, bà còn là một cây bút đa năng và đa tài, tung hoành trong nhiều thể loại khác nhau, từ truyện ngắn đến truyện dài, từ phê bình đến lý luận; bao quát nhiều lãnh vực khác nhau, từ văn học đến triết học, nhiếp ảnh, điện ảnh và xã hội; có khả năng gây ấn tượng mạnh ở người đọc không những ở những ý tưởng sâu sắc mà còn ở giọng văn độc đáo và quyến rũ.

Đó cũng là một trí thức dấn thân, sẵn sàng tham gia các cuộc tranh luận về mọi vấn đề liên quan đến đời sống, và sẵn sàng xuống đường biểu tình để bênh vực cho những điều mình tin tưởng, nhờ vậy, bà trở thành một thứ “sao” (celebrity), một trong vài trí thức hiếm hoi trở thành “sao” trong thời hiện đại, qua đó, làm mờ nhạt ranh giới giữa văn hoá đặc tuyển và văn hoá đại chúng, giữa nghệ thuật và truyền thông.

Cuối cùng, đó là một trí thức độc lập, lúc nào cũng gây hấn với mọi thứ quyền lực, từ quyền lực chính trị đến quyền lực văn hoá; lúc nào cũng thách thức với mọi thành kiến, từ thành kiến của xã hội đến thành kiến của chính mình; không ngại thay đổi cách nhìn nếu bà tin là sự thay đổi ấy đúng đắn. Một trong những sự thay đổi ấy là về thái độ chính trị: Nếu trong thời chiến tranh Việt Nam, Sontag được xem là một trí thức khuynh tả, ủng hộ Việt Nam và Trung Hoa, thì sau này, khi phát hiện ra bộ mặt thật của chủ nghĩa cộng sản, bà không ngần ngại lên án nó, xem đó chỉ là một thứ “chủ nghĩa phát xít mang mặt người” (fascism with a human face), như lời bà tuyên bố trong cuộc biểu tình tại Manhattan vào năm 1982 để ủng hộ phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan.

Hiểu rõ nhiệt tình và ảnh hưởng của Sontag, đầu năm 1968, Hà Nội mời bà sang thăm Bắc Việt. Bà là một trong những trí thức đầu tiên của Mỹ sang thăm Bắc Việt thời ấy. Cuốn “Trip to Hanoi”, xuất bản năm 1968, đúc kết những quan sát lẫn những suy nghĩ của bà trong thời gian ở Hà Nội. Dĩ nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng quá nhiều ở những quan sát và suy nghĩ trong vòng hai tuần lễ như thế. Đó là một thời gian quá ngắn. Tuy vậy, vốn sắc sảo, Sontag cũng nhận ra một số điểm rất thú vị, trong đó, có một điểm liên quan đến văn hoá Việt Nam. Trong bài này, tôi chỉ xin tập trung vào điểm ấy mà thôi.

Sontag kể, lúc ở Hà Nội, bà gặp được khá nhiều trí thức, kể cả những trí thức hàng đầu và đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Bắc, như Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Giáo dục, và Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế. Dù rất có cảm tình và ủng hộ họ, bà cũng nhận ra một điều: hầu như không thể đối thoại với họ được. Không phải vì lý do ngôn ngữ: từng học ở Paris, Sontag nói tiếng Pháp rất giỏi; hầu hết các trí thức Việt Nam thời ấy cũng đều nói tiếng Pháp giỏi. Cũng không phải vì chính trị: thời ấy, Sontag là một người khuynh tả và ủng hộ Việt Nam chống lại Mỹ, quê hương của bà.

Lý do chủ yếu là vì văn hoá.

Khi hỏi về tình hình Việt Nam, từ giáo dục đến y tế, bao giờ Sontag cũng xuất phát từ sự so sánh có tính liên văn hoá (cross-cultural comparison), chẳng hạn, những thành tựu của Việt Nam có gì khác biệt với các nước khác trong khu vực hoặc trên thế giới, hoặc, đơn giản hơn: nền y tế Việt Nam phát triển theo hướng Tây phương hoá hay kết hợp giữa Tây y và Đông y. Rất hiếm khi bà được trả lời. Thậm chí những người được hỏi còn thấy khó chịu. Tất cả đều lờ đi và trả lời theo một nếp quen thuộc giống nhau như từ một khuôn: họ cho bà một bài giảng tóm lược những sự thay đổi của Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến lúc ấy. Đại khái: thời Pháp thuộc, có bao nhiêu trường học và bao nhiêu bệnh viện, còn bây giờ thì…. V.v… Bao giờ cũng thế. Cũng so sánh hiện tại với quá khứ. Và chỉ là quá khứ của Việt Nam.

Bà viết:

“Chúng tôi để ý thấy khi chúng tôi thảo luận hay hỏi về đất nước ngày nay, mọi câu trả lời đều xoay quanh một thời điểm quan trọng nào đó: thường, hoặc là tháng Tám 1945 (ngày cách mạng Việt Nam chiến thắng và là ngày Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nhà nước độc lập) hoặc là năm 1954 (ngày đánh đuổi thực dân Pháp) hoặc năm 1965 (Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, theo cách nói của họ). Mọi thứ đều hoặc là trước hoặc là sau một cái gì khác.”

Sontag tóm tắt sự khác biệt giữa bà và các trí thức Hà Nội thời ấy: “Khung nhận thức của họ mang tính lịch đại (chronological). Còn khung nhận thức của tôi lại vừa lịch đại vừa địa lý (geographical).” (trang 23-25)

“Địa lý”, thật ra, chỉ là cách gọi khác của khái niệm đồng đại (synchronical).

Thế nào là lịch đại và thế nào là đồng đại?

Cả hai thuật ngữ đều xuất phát, trước hết, từ lãnh vực ngôn ngữ học. Lịch đại là cái nhìn theo chiều dọc, mang tính lịch sử, theo đó, mọi thứ đều đặt trong quan hệ với những gì trước và sau đó. Đồng đại, ngược lại, là cái nhìn theo chiều ngang, theo đó, mọi thứ đều đặt trong tương quan với những thứ khác ở những nơi khác, cùng thời. Cuộc cách mạng trong lãnh vực ngôn ngữ học nảy sinh chủ yếu từ việc thay đổi cách nhìn: thay vì nhìn theo chiều lịch đại như ngày xưa, người ta chỉ tập trung ở khía cạnh đồng đại.

Bài học từ lãnh vực ngôn ngữ học được ứng dụng khắp nơi: Người ta không thể đánh giá bất cứ một sự kiện hay một hiện tượng nào nếu bỏ qua chiều kích đồng đại. Đặc biệt trong thời toàn cầu hoá hiện nay.

Kinh tế và đời sống của người dân Việt Nam hiện nay khá hơn hẳn. Nhưng hơn hẳn so với cái gì? Ở Việt Nam, người ta chỉ có một cách trả lời duy nhất: so với thời bao cấp, hay so với thời còn chiến tranh, hoặc, xa hơn nữa, so với thời Pháp thuộc. Đành là đúng. Nhưng cái đúng ấy còn rất què quặt nếu người ta không thấy một tươnq quan so sánh khác: Nhưng so với các nước khác trên thế giới, hoặc ít nhất, trong khu vực, thì sao? Kinh tế và đời sống Việt Nam hiện nay như thế nào nếu so sánh với Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc, chẳng hạn?

Về phương diện dân chủ hay nhân quyền cũng thế. Người ta chỉ chăm chăm so sánh với thời Pháp thuộc. Nhưng còn so với thế giới thì sao?

Bỏ đi chiều kích đồng đại, cái gì cũng chỉ so sánh với trước năm 1986 hay trước năm 1975, 1954, 1945, người ta tự đặt ở cái thế từ lừa dối mình.

Và lừa dối người khác.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG