Đường dẫn truy cập

Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam


Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam
Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam

Trong bài “Văn hoá blog (2): Cuộc chiến chống độc tài” đăng ngày 22/4/2010, tôi nêu lên quan điểm cho các cuộc thảo luận trên blog như một cuộc khởi nghĩa của đám đông và là một cuộc diễn tập của tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, ở đó, tôi chỉ nhắm đến những độc giả thuần tuý là độc giả, những độc giả lên tiếng với tư cách độc giả. Trên thực tế, thế giới blog không đơn giản và đơn điệu như thế. Trong thế giới blog, không những bằng tiếng Việt mà bằng mọi thứ tiếng khác, độc giả không tự giới hạn mình ở tư cách độc giả. Họ còn tự mình mở blog, tự mình viết và đăng bài trên blog, tự mình biến thành blogger, nghĩa là... thành tác giả. Tác giả thực thụ.

Số lượng những người như vậy nhiều vô cùng.

Nhiều là bao nhiêu? Vào Google, tôi không tìm ra một số liệu nào thật cụ thể và thật cập nhật cả. Có nhiều lý do cho tình trạng này, trong đó, lý do quan trọng nhất là blog được cung cấp bởi nhiều dịch vụ kỹ thuật truyền thông khác nhau và bằng rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Các dịch vụ ấy không phải lúc nào cũng hợp tác với nhau. Và không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng công khai hoá số lượng blog. Đó là chưa kể nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để hạn chế, thậm chí, bóp chết các blog. Ngoài ra, cũng còn lý do khác nữa là tốc độ phát triển của blog cực nhanh. Không phải nhanh mà là cực nhanh.

Nhớ, trong thập niên 1990, blog chỉ mới thập thò ra mắt. Lúc đầu, nó không có cả tên gọi. Chữ weblog chỉ mới ra đời từ năm 1997 và chữ blog chỉ xuất hiện từ năm 1999. Vậy mà đến tháng 9 năm 2002, tờ New York Times đã báo cáo là có gần 700,000 người sử dụng blog, và, ở vào thời điểm ấy, mỗi ngày có thêm hơn 1000 blogger mới. Chưa tới một năm sau, tháng 6 năm 2003, Blogcount ước tính là trên khắp thế giới có khoảng từ 2,4 triệu đến 2,9 triệu blog đang hoạt động. Con số này, thật ra, bị chê là thấp hơn thực tế. Persus, căn cứ trên các số liệu thu thập được từ tám dịch vụ cung cấp blog chính thời ấy (Blog-City, BlogSpot, Diaryland, LiveJournal, Pitas, TypePage, Weblogger và Xanga), cho là con số blog thực sự vào tháng 10 năm 2003 là trên 4 triệu.

Theo Technorati, vào đầu năm 2007, trên thế giới có trên 70 triệu blog. Trung bình mỗi ngày có 120,000 blog mới ra đời. Tốc độ ấy sẽ càng ngày càng tăng. Technorati cũng ước tính là trong vòng một năm, số lượng blog mới sẽ tăng lên từ 35 lến 75 triệu.

Đồ biểu phát triển của blog từ tháng 3/2003 đến tháng 3/2007:

Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam
Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam


http://www.sifry.com/alerts/archives/000493.html

Trong các blog, lượng bài được đăng tải nhiều nhất là bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, sau đó là tiếng Hoa và các ngôn ngữ khác.

Đồ biểu các bài được đăng tải trên blog tính theo ngôn ngữ:

Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam
Văn hoá blog (3): nguồn thông tin chính ở Việt Nam


http://www.sifry.com/alerts/archives/000493.html

Nhiều người cho là cách tính của Technorati không bao trùm toàn bộ sinh hoạt của blog trên khắp thế giới, do đó, các con số họ đưa ra có một khoảng cách rất xa với thực tế.

Hơn nữa, dù chính xác hay không, các số liệu ấy cũng được đúc kết từ đầu năm 2007. Đã hơn ba năm trôi qua. Mà, về phương diện kỹ thuật, nhất là kỹ thuật truyền thông, ba năm là một quãng thời gian dài đăng đẵng. Tôi không tìm ra được con số blog mới nhất hiện nay, vào giữa năm 2010 này. Nhưng đoán chắc nó phải ít nhất là vài ba trăm triệu.

Trong số đó, có bao nhiêu blog bằng tiếng Việt? Tôi cũng không biết. Vả lại, thành thực mà nói, biết cũng chẳng để làm gì. Nhiều con số chỉ là con số. Chúng không thực sự có ý nghĩa gì cả. Bởi, trong vô số các blog được tạo ra, số blog thực sự hoạt động và hoạt động đều đặn rất ít. Số blog hoạt động đều đặn và có độc giả ngoài phạm vi bạn bè của người viết lại càng ít. Hầu hết đều chỉ là những trang nhật ký điện tử cá nhân. Người ta viết và người ta tự đọc. Một lúc nào đó, chán, người ta bỏ. Vậy thôi.

Số lượng blog thực sự hoạt động đều đặn và có độc giả đông đảo không nhiều. Chắc chỉ khoảng trên dưới một chục.

Tuy nhiên, điều thú vị là, dù ít, các blog ấy cũng đã làm thay đổi hẳn diện mạo của ngành truyền thông đại chúng (mass media). Trước, để theo dõi tin tức và lời bình luận về các tin tức ấy, người ta chỉ có một cách duy nhất là đọc báo, nghe đài hoặc xem tivi. Cả ba đều có tính chất tập thể, hoặc của một công ty hoặc của một nhà nước. Còn bây giờ, ngoài các phương tiện truyền thống quen thuộc ấy, người ta còn có thể đọc blog. Ranh giới giữa blog và truyền thông đại chúng, do đó, càng lúc càng mờ nhạt đi. Đó là chưa kể, vừa để đa dạng hoá vừa để cá nhân hoá, nhiều cơ quan truyền thông đại chúng cũng mở blog. Hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới đều có trang blog. Đài VOA cũng có. Trang blog mà bạn đang đọc là một.

Phần thăm dò ý kiến trên trang chính của Trang Việt ngữ đài VOA tiết lộ nhiều điều thú vị. Được hỏi “Bạn truy cập VOA Tiếng Việt chủ yếu để xem tin tức, đọc blog, nghe đài hay học tiếng Anh?”, 38% trả lời: Xem tin và đọc blog; 14% trả lời: nghe đài; 12% trả lời: học tiếng Anh; và 34% trả lời: tất cả các mục trên. (Xem ngày 5/4/2010). Tôi không biết chính xác giữa việc xem tin và đọc blog, việc nào thu hút nhiều độc giả hơn. Nhưng tôi đoán là mức độ xê xích không nhiều. Bởi, theo tâm lý, ai quan tâm đến tin tức cũng đều ít nhiều quan tâm đến việc bình luận các tin tức ấy: chúng nằm ở các blog. Hơn nữa, phần lớn các bài trên blog đều được đưa lên, trước hết, trong mục tin tức. Ranh giới giữa tin tức và blog, do đó, cơ hồ bị xoá nhoà.

Điều đó cũng dễ hiểu.

Trong một đất nước mà mọi phương tiện truyền thông đại chúng đều nằm trong tay nhà nước và phải thở ra mùi tuyên huấn như ở Việt Nam, vai trò của blog lại càng quan trọng. Có lẽ quan trọng hơn hẳn ở các quốc gia tự do. Để biết được những vấn đề nóng bỏng nhất ở Việt Nam hiện nay, những vấn đề làm những người có lương tri phải day dứt và cảm thấy nhức nhối nhất, người ta thường đọc ở đâu? Chắc chắn không phải trên các tờ báo Công An hay Lao Động. Cũng không phải trên các website chính thống như vnexpress hay Vietnamnet. Mà là trên các blog. Từ các blog của tập thể như talawas.org và http://boxitvn.wordpress.com/ đến các blog cá nhân của một số người khác.

Blog trở thành nguồn cung cấp thông tin chính ở Việt Nam.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG