Tôi nghe, không phải một lần, mà là khá nhiều lần; từ không phải một người, mà là khá nhiều người, chủ yếu là những Việt kiều, vì thiện chí, về Việt Nam làm việc và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới lãnh đạo, than thở: “Nói chuyện với giới lãnh đạo Việt Nam khó lắm. Khen thì mấy ổng cười toe toét. Nhưng chê, dù là chê những chuyện có vẻ hiển nhiên và với giọng điệu nhẹ nhàng nhất, mấy ổng cũng sa sầm mặt xuống ngay tức khắc. Sau đó muốn gặp lại cũng khó. Khó lắm!”
Khi tôi kể lại những lời than thở trên cho một số bạn bè từ Việt Nam sang; mọi người - tất cả đều thuộc giới trí thức khá cao cấp, có người còn nắm giữ những chức vụ khá cao trong guồng máy hành chính - đều xác nhận. Họ thừa nhận, là, họ, chính họ, các trí thức và cán bộ trong nước, cũng không thể nói thẳng và nói thực với cấp trên: Không ai muốn nghe cả. Không những không muốn nghe, người ta còn giận. Nghĩ là mình lập trường không vững hay có ý đồ gì không tốt.
Nhưng, tôi để ý là, sau khi than thở hoặc thừa nhận như thế, tất cả, từ Việt kiều đến những người trong nước, đều cố biện minh: “Cũng tại mấy ổng già quá rồi. Người già thường khó tính.”
Tôi không tin và cũng không thích những lời biện hộ kiểu đó. Tôi cho đó chỉ là một nguỵ biện. Lại là thứ nguỵ biện nguy hiểm. Nguỵ biện: Không phải người già nào cũng không thích nghe sự thực. Vả lại, phần lớn giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng không thực quá già. Trên thế giới có vô số nhà lãnh đạo lớn tuổi mà vẫn thoải mái tiếp nhận những sự phê phán từ người khác. Nguy hiểm: Chính những sự nguỵ biện kiểu như thế đã dung dưỡng cho thái độ nhắm mắt và bịt tai của những người đang cần được nghe nói thực nhất.
Tôi muốn gọi đúng tên cái chứng không thích nghe về cái xấu, cái dở ấy: độc tài.
Lâu nay, nói đến độc tài (authorianism), chuyên chế (dictatorship) hay toàn trị (totalitarianism), chúng ta thường nghĩ ngay đến cơ chế (mechanism), đến bộ máy khép kín và nặng nề của đảng và nhà nước. Đành là đúng. Độc tài (hay những thứ cùng loại đã kể), trước hết, là một cơ cấu quyền lực chỉ cho phép một người, hoặc một nhóm nhỏ, được quyền quyết định tất cả. Không có đối lập. Thậm chí, không có gì được độc lập, kể cả hai thành phần cần được độc lập nhất: tư pháp và truyền thông.
Tuy nhiên, độc tài không phải chỉ là vấn đề cơ chế.
Độc tài còn là vấn đề tâm lý. Tâm lý độc tài là tâm lý chỉ tin vào chính mình, chỉ muốn sử dụng quyền lực để bảo vệ niềm tin của mình, và từ chối nghe bất cứ một ý kiến gì khác với mình. Người độc tài, như thế, ở một trạng thái khá mâu thuẫn: một mặt, họ tự tôn, cho mình, chỉ có một mình mình, là đúng; nhưng mặt khác, lại thiếu tự tin: họ sợ những thách thức đến từ người khác; họ tránh đương đầu; họ không muốn hoặc không dám sử dụng lý trí để thuyết phục người khác và bênh vực cho quan điểm của mình.
Người độc tài, do đó, không phải là những người mạnh mẽ. Và họ cũng biết họ không mạnh mẽ. Biết, nên họ thích sử dụng những biện pháp phi-lý trí để áp đặt và cưỡng chế người khác bằng cách xây dựng những cơ chế bảo vệ cái quyền không dùng lý trí của mình. Cái cơ chế ấy không cần lý lẽ, hơn nữa, nhằm loại trừ mọi lý lẽ. Trong cơ chế ấy, chỉ có một nguyên tắc được vận hành: bạo lực.
Tâm lý độc tài, do đó, là tâm lý sùng bái bạo lực. Tâm lý độc tài nào cũng tìm kiếm và cố duy trì một cơ chế độc tài: với người chồng hoặc người bố có tâm lý độc tài, cơ chế ấy là quyền gia trưởng; với người lãnh đạo một quốc gia, đó là tính chất độc quyền. Cơ chế thuộc chính trị. Tâm lý thuộc văn hoá. Thay đổi cơ chế độc tài cần có những vận động chính trị mạnh mẽ và quyết liệt. Thay đổi tâm lý độc tài cần những cuộc vận động lâu dài và sâu sắc nhằm thay đổi cách nhìn và cách nghĩ. Trong cái gọi là cách nhìn và cách nghĩ ấy, có hai điều quan trọng nhất: chấp nhận sự khác biệt và chấp nhận đối thoại.
Đối thoại chứ không phải độc thoại.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1