Mỹ-Trung tương phản rõ rệt trong cuộc họp cuối trước khi Mỹ có lãnh đạo mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden, trái, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lế Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru, ngày 16/11/2024.

Hôm 16 tháng 11, trong cuộc họp cuối cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngỏ ý sẵn lòng làm việc với tân chính quyền khi ông Trump nhậm chức, duy trì hợp tác và giải quyết các bất đồng.

Ông Biden gọi mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc là quan trọng nhất trên thế giới và nhắc lại điều ông thường nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc “không thể để bất kỳ sự cạnh tranh nào trong số này chuyển thành xung đột”.

Ngoài những lời cam kết này, nhìn kỹ những gì ông Biden và ông Tập đã nói trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại Lima, Peru, VOA thấy có sự tương phản rõ rệt giữa những gì ông Tập nói và hành động cũng như sự kiện của Trung Quốc trên thực tế.

Đe dọa trên mạng

Trong cuộc họp với ông Tập, ông Biden đã nêu “mối quan ngại sâu sắc” về các cuộc tấn công mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ “nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng và đe dọa đến sự an toàn và an ninh của người Mỹ”.

Đáp lại, ông Tập Cận Bình nói không có bằng chứng nào ủng hộ cho “tuyên bố phi lý” rằng các cuộc tấn công mạng đang được thực hiện “từ Trung Quốc”.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, các cơ quan tình báo và chuyên gia an ninh mạng của Hoa Kỳ thường xuyên truy tìm các cuộc tấn công mạng từ Bắc Kinh. Nhiều tác nhân đe dọa không chỉ liên kết với nhà nước Trung Quốc mà còn do nhà nước này kiểm soát. Trung Quốc cũng đã xâm phạm các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.

Phúc trình Đánh giá Mối đe dọa Thường niên năm 2024 của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã gọi Trung Quốc là “mối đe dọa mạng tích cực và dai dẳng nhất đối với Chính phủ Hoa Kỳ, khu vực tư nhân và các mạng lưới cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Phúc trình đó đã tham chiếu đến “các hoạt động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” có khả năng nhằm “chuẩn bị các cuộc tấn công mạng chống lại Guam”, một hòn đảo ở Tây Thái Bình Dương và là lãnh thổ của Hoa Kỳ gần Đài Loan nhất.

Phúc trình Phòng thủ Kỹ thuật số của Microsoft năm 2024 cho biết “việc Bắc Kinh tập trung lâu dài vào kiểm soát Đài Loan” đã thúc đẩy các tác nhân đe dọa của Trung Quốc thực hiện mức độ nhắm mục tiêu cao vào các doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Loan.

Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các thực thể quân sự và Công nghệ Thông tin ở khu vực Biển Đông.

Vào tháng 7 năm 2021, Hoa Kỳ và các đồng minh đã cáo buộc Bắc Kinh tạo điều kiện cho cuộc tấn công mạng vào phần mềm Microsoft Exchange và các cuộc tấn công tống tiền khác.

Tuần trước, FBI và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng các tác nhân có liên hệ với nhà nước Trung Quốc đang thực hiện “một chiến dịch gián điệp mạng rộng lớn và đáng kể” nhắm vào cơ sở hạ tầng viễn thông thương mại tại Hoa Kỳ.

Bắc Kinh cũng trở nên hung hăng hơn trong việc thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm tác động đến cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.

Ukraine

Sau hơn 1.000 ngày kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông Biden đã chỉ trích “sự hỗ trợ liên tục của Bắc Kinh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga”.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc “nỗ lực hết mình vì hòa bình” và tuyên bố “lập trường và hành động của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine luôn công bằng và chính trực”.

Tuy nhiên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương coi Trung Quốc là “yếu tố quyết định” hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.

Trung Quốc, thông qua “tình bạn không giới hạn” với Nga, đã cung cấp cho Moscow vỏ bọc ngoại giao cho cuộc chiến của mình và đang hỗ trợ đáng kể cho khả năng sản xuất vũ khí của Nga.

Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã đẩy mạnh việc bán các công cụ máy móc, vi điện tử và công nghệ khác được sử dụng để sản xuất vũ khí và hệ thống vũ khí mà Moscow đang triển khai tại Ukraine.

Hồ sơ đã giải mật của Tình báo Hoa Kỳ ước tính rằng khoảng 90% vi điện tử của Nga được sử dụng để chế tạo phi đạn, xe tăng và máy bay đến từ Trung Quốc vào năm 2023.

Phúc trình nói Trung Quốc đã cung cấp cho Nga 70% công cụ máy móc có khả năng được sử dụng để sản xuất phi đạn đạn đạo.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh thương mại với Nga, đặc biệt là nhập khẩu dầu và khí đốt, để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu của Nga và làm giảm tác động của các chế tài của phương Tây.

Đài Loan

Ông Biden nói với Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ “phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với nguyên trạng từ cả hai bên” và kêu gọi giải quyết mọi bất đồng một cách hòa bình, phản ánh chính sách gần nửa thế kỷ của Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động quân sự gây bất ổn xung quanh Đài Loan. Bắc Kinh đã ra tín hiệu sẵn sàng chiếm lại Đài Loan bằng vũ lực.

Vạch ra ranh giới đỏ xung quanh Đài Loan, một hòn đảo tự quản dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, ông Cận Bình kêu gọi Hoa Kỳ phản đối rõ ràng “Đài Loan độc lập và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc”.

Bắc Kinh thường nhầm lẫn nguyên tắc Một Trung Quốc của mình, trong đó nêu rõ chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc, với chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Mặc dù Hoa Kỳ thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và công nhận Bắc Kinh là “chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, nhưng chính sách Một Trung Quốc không đưa ra lập trường về tình trạng của Đài Loan.

Với việc Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến với Đài Loan bằng các cuộc xâm nhập trên không, tuyên truyền đe dọa và các cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công vào Đài Loan, Hoa Kỳ đã chấp thuận hàng tỷ đô la bán vũ khí cho Đài Loan.

Trung Quốc cho rằng điều đó phá hoại chủ quyền của họ và đe dọa hòa bình trong khu vực, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ nhìn rõ “bản chất thực sự” của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, người mà Bắc Kinh coi là một kẻ ly khai.

Ông Lại đã nói rằng người dân Đài Loan phải tự quyết định tương lai của họ. Ông đã nhiều lần đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

Nhân quyền

Việc Trung Quốc đưa “dân chủ và nhân quyền” vào “ranh giới đỏ” của mình là một phần trong nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm định nghĩa lại sự hiểu biết phổ biến về các khái niệm đó và ngăn chặn sự chỉ trích đối với các quy tắc và hành vi lạm dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bắc Kinh vừa lập luận rằng nhân quyền “khác nhau giữa các quốc gia”, vừa khẳng định rằng Trung Quốc tuân thủ “các nguyên tắc cơ bản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (UDHR).

Tuy nhiên, ĐCSTQ vi phạm có hệ thống các quyền và tự do được nêu trong UDHR, cụ thể là “tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo” và quyền “tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền riêng tư”.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng nêu rõ rằng không ai “bị bắt làm nô lệ hoặc nô dịch”.

Một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã áp dụng biện pháp giám sát hàng loạt, giam giữ, triệt sản cưỡng bức, tra tấn, bạo lực tình dục, lao động cưỡng bức, đàn áp tôn giáo và các hình thức xóa bỏ văn hóa khác đối với người Uyghur và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tây Bắc Tân Cương.

Bắc Kinh cũng đã tiến hành đàn áp có hệ thống và xóa bỏ văn hóa ở Khu tự trị Tây Tạng.