Quân đội Mỹ đang hỗ trợ các hoạt động của Philippines ở Biển Đông thông qua một lực lượng đặc nhiệm, một quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết hôm 21/11, sáng kiến mà Manila nói là có nội dung về tình báo, giám sát và trinh sát.
Lực lượng Đặc nhiệm-Ayungin, được đặt tên theo cách gọi của Philippines cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thực thể tranh chấp trên Biển Đông, lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập trong tuần này trong chuyến công du Philippines.
“Lực lượng đặc nhiệm-Ayungin tăng cường sự phối hợp và hiệp đồng tác chiến của liên minh Mỹ-Philippines bằng cách cho phép các lực lượng Mỹ hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng vũ trang Philippines trên Biển Đông,” phát ngôn nhân Đại sứ quán Mỹ Kanishka Gangopadhyay nói.
“Sáng kiến này phù hợp với nhiều đường lối hợp tác giữa quân đội Mỹ và quân đội Philippines", ông nói, nhưng không nói rõ lực lượng đặc nhiệm này sẽ hỗ trợ những gì.
Quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Mỹ đã củng cố nhanh chóng trong vài năm qua, gây bực bội cho Bắc Kinh, vốn có sự hiện diện lớn và đòi hỏi chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông và xem hành động của Washington là can thiệp.
Mỹ nói họ có lợi ích hợp pháp trong việc bảo đảm hòa bình và tự do hàng hải ở vùng biển có tranh chấp nhất châu Á, nơi có tuyến đường giao thương trị giá hơn 3 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về lực lượng đặc nhiệm.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, ông Eduardo Anom, cho biết các hoạt động của nước này ở Biển Đông, bao gồm nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính của họ trú đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), vẫn là ‘hoạt động của riêng Philippines’.
“Họ đang hỗ trợ cho chúng tôi, ví dụ, ISR (Tình báo, Giám sát, Trinh sát), nhận thức về vùng biển, nhưng nếu nói về tham gia trực tiếp thực sự, đó đơn thuần là hoạt động của Philippines,” ông Ano nói với các phóng viên, ý nói đến lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.
Đại sứ Philippines tại Mỹ trước đó cho biết Philippines không yêu cầu Washington hỗ trợ tiếp tế và Mỹ chỉ giúp đỡ về mặt ‘hình ảnh’.
Bắc Kinh và Manila đã thường xuyên đối đầu trong thời gian gần đây, do Trung Quốc tức giận với việc Philippines tiếp tế cho binh lính của họ đóng trên Sierra Madre, chiếc tàu chiến gỉ sét đã bị cố tình để mắc cạn trên bãi cạn 25 năm trước để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Philippines.
Căng thẳng đã sôi sục nhiều lần, với lực lượng hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc đâm tàu tiếp tế, và sử dụng vòi rồng làm bị thương người Philippines.
Diễn đàn