Philippines và Mỹ hôm 18/11 đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia vốn đang đối mặt những thách thức an ninh chung trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ký thỏa thuận với người đồng cấp Philippines, Gilberto Teodoro, tại trụ sở quân sự của Manila, nơi hai ông cũng đã làm lễ khởi công xây dựng một trung tâm điều phối kết hợp vốn sẽ tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang của hai nước hợp tác.
Được gọi là Thỏa thuận An ninh Thông tin Quân sự Chung (GSOMIA), hiệp ước cho phép cả hai nước chia sẻ thông tin quân sự mật một cách an toàn.
“Điều này không những cho phép Philippines tiếp cận các năng lực quân sự cao hơn và các mặt hàng quân sự lớn từ Mỹ, mà nó còn mở ra cơ hội theo đuổi các thỏa thuận tương tự với các quốc gia cùng chí hướng,” phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết.
Các cam kết an ninh giữa Mỹ và Philippines đã được củng cố hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr., khi cả hai ông đều muốn đẩy lùi điều mà họ coi là chính sách hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và gần Đài Loan.
Hai nước có hiệp ước phòng thủ tương hỗ có từ năm 1951, vốn có thể được viện dẫn nếu một trong hai bên bị tấn công, bao gồm cả ở Biển Đông.
“Tôi muốn bắt đầu bằng cách nhấn mạnh cam kết sắt đá của chúng tôi đối với Philippines,” ông Austin nói trong lễ khởi công trung tâm điều phối.
Ông Austin cho biết trung tâm điều phối cần cho phép chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa hai đồng minh có hiệp ước quốc phòng và tăng cường khả năng phối hợp tác chiến.
“Đó sẽ là chỗ mà lực lượng chúng ta có thể làm việc bên cạnh nhau để đối phó với các thách thức trong khu vực,” ông Austin nói.
Philippines đã bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ đồng minh giữa hai nước sẽ vẫn mạnh mẽ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Cả Philippines và Mỹ đều phải đối mặt với hành động ngày càng hung hăng từ Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến đường giao thông với giá trị hàng hóa 3 nghìn tỷ đô la hàng năm, mà họ tuyên bố chủ quyền toàn bộ.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý trong phán quyết đứng về phía Philippines, nước khởi xướng vụ kiện.
Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết, dẫn đến một loạt các cuộc đối đầu trên biển và trên không với Philippines, vốn đã khiến Biển Đông, vùng biển có tính chiến lược cao, trở thành điểm nóng tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh.
“Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” ông Teodoro nói trong buổi lễ, hưởng ứng những phát biểu trước đây của ông Marcos.
Diễn đàn