Sau vụ tấn công hồi tuần trước tại California khiến 14 người thiệt mạng, chính phủ Mỹ hôm thứ Hai loan báo họ sẽ sớm công bố một hệ thống cảnh báo khủng bố trong nước mới.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói, "Chúng ta đã chuyển sang một giai đoạn mới trong mối đe dọa khủng bố địa phương" ở Mỹ. "Tôi tin rằng trong môi trường này, chúng ta cần phải tiến xa hơn [hệ thống cảnh báo khủng bố hiện thời] và chuyển sang một mới hệ thống mới có mức độ trung gian," ông Johnson nói trong một diễn đàn an ninh tên Defense One hôm thứ Hai tại thủ đô Washington.
Loan báo này được đưa ra sau khi cặp vợ chồng Tashfeen Malik và Syed Farook giết chết 14 người ở thành phố San Bernardino, bang California, trong một vụ xả súng mà Tòa Bạch Ốc gọi là một "hành động khủng bố."
Cặp đôi này đã không bị đánh dấu là nghi phạm khủng bố. Giới chức chính phủ Mỹ đã bày tỏ lo ngại về những phần tử đơn lẻ thực hiện những vụ tấn công ủng hộ những tổ chức như Nhà nước Hồi giáo mà không trực tiếp nhận lệnh.
Ông Johnson cho biết ngay cả khi không có thông tin tình báo khả tín cụ thể cho thấy có một âm mưu thì vẫn có thể có rủi ro. Ông nhấn mạnh khả năng xảy ra một hành động lấy ý tưởng từ khủng bố gây ra bởi một người nào đó có thể không nằm trong tầm theo dõi của cơ quan chấp pháp.
Một hệ thống cảnh báo bằng màu sắc đã được ban hành sau những vụ tấn công hồi năm 2001 tại New York và Washington. Gần mười năm sau đó, nó được thay thế bằng một hệ thống cảnh báo hai cấp. Ông Johnson cho biết Hệ thống Cảnh báo Khủng bố Quốc gia vẫn chưa đủ, và chưa bao giờ được sử dụng bởi vì nó phụ thuộc vào một hoặc nhiều mối đe dọa cụ thể đối với đất nước.
Ông Johnson nói rằng sau những vụ tấn công ở Paris, Mỹ đã tăng cường tình trạng an ninh của mình. Ông cho biết hiện chưa có thông tin nào mà có thể dựa vào đó để hành động về một vụ tấn công được lên kế hoạch nhắm vào Mỹ.
"Không có thông tin tình báo khả tín cụ thể nào về một vụ tấn công giống như ở Paris ở trong nước, nhưng chúng tôi lo ngại về những hành động bắt chước. Chúng tôi lo ngại về những hành động lấy ý tưởng từ khủng bố do những phần tử đơn lẻ thực hiện," ông Johnson nói.
Bộ trưởng An ninh Nội địa cũng nói rằng cơ quan của ông và Bộ Ngoại giao đang thẩm định những thủ tục rà soát chương trình visa diện K-1 hoặc visa diện hôn phu/thê, sau khi nhận chỉ thị trực tiếp từ Tổng thống Barack Obama. Malik, người vợ của Farook sinh ra ở Mỹ, đã nhập cảnh theo visa diện này.