Đường dẫn truy cập

Có gì mới trong diễn văn chống khủng bố của TT Obama?


Tổng thống Obama đề ra kế hoạch 4 phần để triệt hạ nhóm Nhà nước Hồi giáo, ngày 6/12/2015.
Tổng thống Obama đề ra kế hoạch 4 phần để triệt hạ nhóm Nhà nước Hồi giáo, ngày 6/12/2015.

Bài diễn văn hôm 6/12 của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về việc đối đầu với mối đe dọa khủng bố đã được các chuyên gia phân tích và các nhà lập pháp đáp lại bằng câu hỏi có điều gì mới lạ về sách lược của ông.

Tổng thống đề ra một kế hoạch 4 phần để triệt hạ nhóm Nhà nước Hồi giáo bao gồm những cuộc không kích tại Iraq và Syria, huấn luyện cho các chiến binh tại thực địa ở những nước ấy, hợp tác với các đồng minh để gây trở ngại cho nguồn tài chính và tuyển mộ, và mưu tìm việc kết thúc cuộc nội chiến ở Syria. Các yếu tố đó phần lớn là những gì mà tổng thống đã loan báo khi phát động chiến dịch oanh kích vào tháng 8 năm 2014.

Ông Max Abrahms, một giáo sư khoa học chính trị ở trường Đại học Northeastern và là thành viên của Hội đồng Đối ngoại, nói với đài VOA rằng có “sự lo lắng ngày càng lan rộng” về khủng bố tại Hoa Kỳ và bài diễn văn của tổng thống là yếu.

Ông Abrahms nói: “Điều ông Obama cần làm không phải là trấn an công chúng Mỹ rằng mọi sự đang êm thắm, bởi vì không ai tin điều đó. Tôi cho rằng người Mỹ hy vọng sẽ có một chuyển hướng mới trong cách thức đối phó với Nhà nước Hồi giáo bởi vì hiện trạng dường như không đem lại kết quả.”

Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cũng có phản ứng tương tự và nói rằng tổng thống đã không đưa ra được một sách lược mới.

Ông Corker nói: “Chính quyền vẫn nói đi nói lại rằng đã được quốc hội chấp thuận để đánh bại ISIS. Người dân Mỹ vẫn còn đang cố gắng tìm hiểu xem ông có ý định làm thế bằng cách nào.”

Thượng nghị sĩ Bob Corker nói Tổng thống Obama đã không đưa ra được một sách lược mới.
Thượng nghị sĩ Bob Corker nói Tổng thống Obama đã không đưa ra được một sách lược mới.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đã lên lịch cho một cuộc biểu quyết trong tuần này về một đề nghị mà ông Obama đề cập đến: đó là nỗ lực cập nhật chương trình miễn thị thực của Mỹ cho phép nhập cảnh từ một số nước với ít sự kiểm tra hơn.

Dự luật sẽ không cho phép bất cứ ai đã du hành tới Iraq hay Syria trong 5 năm vừa qua được vào Hoa Kỳ mà không có thị thực, và cho phép Bộ An ninh Nội địa loại bỏ bất cứ nước nào ra khỏi chương trình nếu không cung cấp thông tin đầy đủ về những phần tử có thể là khủng bố bên trong biên giới của họ.

Nhưng ông Ryan đã góp thêm vào lời chỉ trích rằng ông Obama không đề xuất được điều gì mới mẻ hôm 6/12, và gọi bài diễn văn đó là “một mưu toan bênh vực và đánh lạc hướng chú ý ra khỏi một chính sách thất bại.”

Ông Ryan nói: “Cho đến khi nào ta nghe tổng thống nói là có thể làm thêm những gì – bằng quân đội của chúng ta, bằng sự thu thập tin tình báo của chúng ta, và các đối tác quốc tế của chúng ta, thì chúng ta vẫn cứ ở sau kẻ thù một bước.”

Trưởng khối thiểu số Hạ viện bà Nancy Pelosi bênh vực bài diễn văn của tổng thống, nói rằng bài diễn văn “đầy quyết tâm và mãnh liệt” và rằng đất nước sẽ không khuất phục trước khủng bố. Bà nhắc lại những lời ông Obama kêu gọi Quốc hội có hành động sửa đổi luật miễn thị thực, ngăn chặn các phần tử khủng bố mua súng ống và quyết định hành động về những lời kêu gọi của ông đề nghị cho phép sử dụng vũ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Giáo sư phụ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của trường Đại học Georgetown, ông R. Nicholas Palarino nói với đài VOA rằng các luật lệ mới sẽ không ảnh hưởng đến việc các phần tử khủng bố có được vũ khí.

Bà Nancy Pelosi bênh vực bài diễn văn của Tổng thống, và nói rằng bài diễn văn 'đầy quyết tâm và mãnh liệt' và đất nước sẽ không khuất phục trước khủng bố.
Bà Nancy Pelosi bênh vực bài diễn văn của Tổng thống, và nói rằng bài diễn văn 'đầy quyết tâm và mãnh liệt' và đất nước sẽ không khuất phục trước khủng bố.

Ông nói: “Nếu một phần tử khủng bố ở bất cử nơi nào tại Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào trên thế giới muốn có súng, thì hắn ta sẽ có được súng. Nếu một phần tử khủng bố muốn chế một quả bom hay một thiết bị nổ, thì họ vẫn có thể làm được điều đó.”

Ông Abrahms cũng nêu ra những hạn chế, và nói rằng những kẻ nổ súng trong các vụ tấn công tuần trước ở California sẽ sử dụng bom nếu họ không có súng. Ông nói giới hữu trách không thể làm gì nhiều để ngăn chặn mọi vụ tấn công, nhưng một yếu tố quan trọng trong việc hạn chế tác động của một vụ tấn công là giảm thiểu số người can dự.

Ông nói tiếp: “Cách tốt nhất để chúng ta ngăn chặn số lớn những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo ở Hoa Kỳ là không phản ứng quá đáng. Bởi vì nếu có phản ứng quá đáng, cụ thể là nếu các biện pháp chống khủng bố của chúng ta không phân biệt và đi đến chỗ trừng phạt những người Hồi giáo tôn trọng luật pháp, thì sẽ khích lệ họ đi theo con đường cực đoan hóa và giảm thiểu chất lượng tình báo chúng ta có được từ phía cộng đồng Hồi giáo để xác định những người cực đoan.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG