Tiêu đề này nghe có vẻ kỳ quặc: có ai đi tính xem Biển Đông Nam Á (còn gọi là Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam và Biển Hoa Nam theo cách gọi của Trung Quốc) có giá trị tính ra tiền là bao nhiêu đối với Mỹ?
Nếu có ai đưa ra một con số cụ thể nào đó khi trả lời câu hỏi này thì có lẽ nó sẽ làm bùng nổ một cuộc tranh cãi lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng khắp thế giới.
Thế nhưng trên thực tế thì đối với một nhà nước kỹ trị như Mỹ thì câu chuyện tính toán lợi ích và thiệt hại ra một đơn vị tiền tệ để phục vụ việc hoạch định chính sách không phải là chuyện lạ.
Còn nhớ hồi giữa năm 2008 ở Mỹ rộ lên chuyện chính quyền Tổng thống Bush đánh tụt giá trị mạng sống của dân Mỹ xuống so với các năm trước. Chuyện này bắt đầu từ việc phóng viên của AP sau khi nghiên cứu các phân tích chi phí - lợi ích trong khoảng hơn chục năm của EPA (Environmental Protection Agency – Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ) đã phát hiện ra “giá trị của một mạng sống thống kê” (value of a statistical life) của Mỹ trong tháng 5 năm 2008 đã giảm mất khoảng 1 triệu USD so với 5 năm trước (xem American Life Worth Less Today).
Theo AP thì về mặt giá trị thống kê, mạng sống của một người dân Mỹ có giá khoảng 6.9 triệu USD vào tháng 5 năm 2008 theo EPA và khoảng 7.8 triệu USD hồi năm 2003. AP nghi ngờ rằng chính phủ của Tổng thống Bush khi đó đã tính giá trị cuộc sống của người dân thấp đi để tạo lý do không thông qua một số chính sách.
Lấy thí dụ, một đạo luật môi trường mà nếu được thông qua sẽ gây ra khoản chi phí là 18 tỷ USD cho nước Mỹ nhưng sẽ giúp giảm số tử vong xuống 2500 ca. Như vậy với giá trị cuộc sống là 7.8 triệu USD/mạng người thì lợi ích từ việc thông qua đạo luật này là 19. 5 triệu USD, lớn hơn chi phí. Thế nhưng với giá trị cuộc sống là 6.9 triệu USD/mạng người thì lợi ích từ việc thông qua đạo luật này chỉ bằng 17.25 tỷ USD, thấp hơn chi phí bỏ ra là 18 tỷ USD, vì thế về mặt thống kê thì đạo luật này đem lại ít lợi ích hơn là chi phí. Vì thế tốt nhất không thông qua.
Câu chuyện đằng sau việc tính toán “giá trị của một mạng sống thống kê” thực ra rất phức tạp và chính quyền không dễ thay đổi tùy tiện như AP phỏng đoán (xem phê phán của Mark Thoma để biết rõ hơn). Thế nhưng chuyện các cơ quan chính phủ Mỹ tính toán giá trị lợi – hại của một chính sách ra đô-la là chuyện có thật. Việc này xét về một khía cạnh nào đó nghe có vẻ thực dụng quá đáng, nhưng về phương pháp tiếp cận và phân tích thì nó là công cụ hữu ích để người làm chính sách bớt quyết định dựa trên cảm tính hàm hồ.
Quay lại câu chuyện chính sách của Mỹ ở biển Đông Nam Á, gần đây có vẻ như chính phủ Mỹ đang tỏ ra thiết tha hơn với việc bảo vệ hòa bình và quyền tự do đi lại trong vùng biển này. Trong khi nhiều người tỏ ra lạc quan với động thái này, nhiều người khác lại nghi ngờ rằng Mỹ chỉ nói đãi bôi. Trên thực tế thì câu trả lời có lẽ nằm đâu đó trong một mô hình tính toán kỹ thuật của chính phủ Mỹ.
Vì thế, có lẽ thay vì hỏi bà Clinton về cam kết của Mỹ ở biển Đông Nam Á, nên chăng hãy hỏi bà Clinton rằng đối với chính phủ Mỹ thì biển Đông Nam Á có giá bao nhiêu đô-la?
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.