Hồi đầu tuần trước, Dagong Global Credit Rating Co - tổ chức xếp hạng tín dụng của Trung Quốc – đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ tới hai bậc, từ mức AA xuống còn A+. Mức AA được Dagong đưa ra vào thời điểm tháng 06 năm 2010. Lý do gì khiến Mỹ bị tụt hạng tín dụng tới hai bậc trong vòng 5 tháng theo cách nhìn của tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Made-in-China này?
Cũng nên nhắc lại vai trò của các tổ chức xếp hạng tín dụng. Dù là xếp hạng tín dụng cá nhân, doanh nghiệp, hay quốc gia, thì bản chất của xếp hạng tín dụng là đánh giá khả năng trả nợ của đối tượng được xếp hạng. Vì thế, điểm xếp hạng tín dụng có vai trò quyết định đến khả năng được cho vay và lãi suất mà người vay phải trả. Cá nhân nào có điểm xếp hạng tín dụng càng cao thì càng dễ đi vay tiền và lãi suất phải trả càng thấp và ngược lại. Điều này cũng đúng đối với các công ty và các quốc gia.
Có một số tổ chức chỉ cung cấp xếp hạng tín dụng cho các cá nhân. Thí dụ Experian, Equifax, và TransUnion. Một số cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng cho doanh nghiệp (Dun & Bradstreet), và một số xếp hạng tín dụng cả các quốc gia như Moody's, Standard and Poor's, and Fitch Ratings.
Tuy còn nhiều phản ứng trái chiều khác nhau về tính chính xác của các báo cáo xếp hạng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của các xếp hạng của Moody's, Standard and Poor's, and Fitch Ratings vì chúng là các cột mốc quan trọng để các bên mua và bán thẩm định giá trị của các chứng chỉ nợ quốc gia. Việc Dagong cung cấp thêm một danh sách xếp hạng mới về nguyên tắc là việc tốt vì nó đưa ra một góc nhìn mới cho thị trường.
Tuy nhiên xếp hạng của Dagong chỉ có ích nếu nó khách quan, tức là nó không bị chi phối hoặc nói cách khác là làm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc.
Tổ chức nghiên cứu xếp hạng tín dụng này được thành lập năm 1994 dưới sự cho phép của Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc và Ủy Ban Kinh Tế và Thương Mại Quốc Gia Trung Quốc. Sản phẩm chủ yếu của nó là đánh giá năng lực tín dụng của các đơn vị phát hành trái phiếu ở trong nước. Tuy nhiên gần đây Dagong bắt đầu xếp hạng tín dụng quốc gia và từ giữa năm 2010 thì Dagong bắt đầu đưa ra các xếp hạng khác khá xa so với các xếp hạng của Moody's, Standard and Poor's, và Fitch Ratings.
Thế nhưng các xếp hạng và thay đổi xếp hạng của Dagong có vẻ như còn mang động cơ chính trị rất rõ nét. Dagong đưa ra nhận xét này vào ngày 09 tháng 11:
“Các sai lầm nghiêm trọng trong mô hình quản lý và phát triển kinh tế của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế lâu dài, làm giảm cơ bản khả năng trả nợ quốc gia. Lần thực hiện nới lỏng tiền tệ mới đây của Quỹ Dự trữ Liên Bang đã dẫn tới xu hướng mất giá đồng Đô La Mỹ và thúc đẩy quá trình theo hướng ngày càng xấu đi của cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. Động thái này của FED đã làm xâm phạm lợi ích của các chủ nợ, thể hiện sự suy giảm trong ý định trả nợ của Chính phủ Mỹ. Phân tích cho thấy khủng hoảng của Mỹ không thể giải quyết bằng cách phá giá đồng Đô La Mỹ. Ngược lại, có khi toàn bộ cuộc khủng hoảng này được châm ngòi bởi chính sách liên tiếp phá giá đồng Đô La của Chính phủ Mỹ bất chấp quyền lợi của các chủ nợ.”
Ai cũng biết Trung Quốc đang ôm một khối lượng lớn nợ quốc gia của Mỹ. Khối nợ này nằm ở số dự trữ Đô La và trái phiếu chính phủ Mỹ rất lớn mà Trung Quốc đang giữ. Đồng Đô La Mất giá cũng có nghĩa khối tài sản này bị mất giá, và điều này đương nhiên làm Chính phủ Trung Quốc mất vui.
Thế nhưng nhìn trên toàn cục thì thị trường vốn thế giới vẫn đánh giá cao khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ. Từ đầu năm trở lại đây, lãi suất trái phiếu CP của Mỹ đi theo xu hướng giảm (rõ nét nhất là từ tháng 04, xem biểu đồ đính kèm). Điều này cho thấy thị trường nói chung đánh giá khả năng trả nợ của Mỹ đang tốt lên.
Biểu đồ 1: Lãi suất trái phiếu CP Mỹ (04 tháng 1 đến 29 tháng 10, 2010)
Như thế, lập trường của Dagong có vẻ lạc lõng trên thị trường vốn thế giới, nhưng lại rất hợp với quan điểm của Chính phủ Trung Quốc. Vì lẽ dư luận quốc tế đa số nghi ngờ tính khách quan và độc lập của Dagong trong những đánh giá như thế này. Đó là chưa kể việc Dagong đưa ra báo cáo này ngay trước thềm cuộc họp G20 mới diễn ra tuần trước, một thời điểm rất nhạy cảm trong cuộc thương lượng Mỹ - Trung về thương mại và chính sách tiền tệ.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.