Đường dẫn truy cập

Phát triển mạnh kẹt xe trầm trọng TQ phải mở rộng đường xe lửa


Một người đi xe đạp lạc lỏng giữa rừng xe hơi trong thủ đô Bắc Kinh
Một người đi xe đạp lạc lỏng giữa rừng xe hơi trong thủ đô Bắc Kinh

Kinh tế Trung quốc tăng trưởng mau chóng gây ra một số khó khăn, và càng ngày người ta càng thấy rõ hơn, đó là tình trạng lưu thông trên các con dường ở những thành phố lớn trong nước. Nạn kẹt xe chiếm chỗ của những tin hàng đầu và càng ngày càng gây nhức đầu cho nhiều người hơn.

Thành phố Bắc Kinh, thủ đô đông dân nhất thế giới, có 4 triệu xe hơi, và mỗi ngày lại có thêm 2.000 chiếc nữa di chuyển trên đường phố.

Chuyên gia phân tích về lưu thông Shomik Mendhiratta của Ngân hàng Thế Giới cho biết kinh tế thịnh vượng khiến số xe bán ra tăng lên:

“Quí vị đã thấy Trung Quốc có chỉ số tăng trưởng kinh tế trên 10 trong năm nay, như vậy tính lợi tức bình quân GNP là 4.000 đô la một năm, còn đối với người dân tại Bắc Kinh thì con số này còn cao gấp 2 lần rưỡi như vậy, tức là khoảng 10.000 đô la. Và như dự kiến, với lợi tức bình quân như vậy và mức tăng trưởng kinh tế 2 con số như vậy, quí vị đang chứng kiến hiện tượng mua sắm xe hơi nổ bùng.

Hai năm trước đây, Trung Quốc đã ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu bằng một kế hoạch kích thích giúp cho các dự án đường sắt cao tốc, xây dựng xa lộ mới, cầu, và đường sắt. Trung Quốc đã tài trợ cho ngành đường sắt cao tốc, trong đó có tuyến đường sắt giữa Thượng Hải và Hàng Châu, giảm bớt thời gian di chuyển từ 2 giờ xuống còn 40 phút.

Một trong những hành khách đầu tiên là bà Zhow Caoying. Bà rất phấn khởi chỉ vào đồng hồ tốc độ cho thấy tầu đạt tới vận tốc 356 kilomet/giờ. Bà rất tự hào là giờ đây Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ như vậy.

Chính phủ khẳng định rằng, đường sắt ít gây ô nhiễm môi trường hơn và là phương tiện vận chuyển có hiệu quả hơn tại vùng đô thị.

Kinh tế gia Hu Angang thuộc trường đại học Thanh Hoa ủng hộ quan điểm đó:

“Đối với đường sắt, chúng tôi sẽ đầu tư 4.000 tỉ nhân dân tệ (600 tỉ đô la) từ nay tới năm 2015 để phát triển đường sắt cao tốc và các tuyến thiết lộ đường dài tỷ dụ từ Bắc Kinh tới Thượng Hải. Giờ đây tuyến đường mới nhất được đưa vào hoạt động là tuyến Thượng Hải - Hàng Châu, thời gian di chuyển là khoảng 40 phút. Đây là những dự án an toàn và tiết kiệm năng lượng.”

Nhưng tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, ông Mendhiratta, chuyên gia cao cấp về giao thông của Ngân Hàng Thế Giới, nói rằng ông thấy có những tai hại thật sự về phương diện kinh tế khi các xe hơi tư nhân thắng thế các phương tiện vận chuyển công cộng:

“Đối với một cá nhân đơn lẻ, sự bất tiện của việc bị kẹt xe, ít nhất là vào lúc này, được đền bù bằng việc có thể mở máy điều hòa không khí và thưởng thức một bản nhạc ưa thích. Nhưng cái giá về phương diện xã hội của việc chậm trễ mà mỗi cá nhân gây ra cho những người khác sẽ tăng lên mau chóng, và tới một lúc nào đó thì giới lãnh đạo thành phố bắt đầu nhận thấy rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng tai hại cho năng suất.”

Đây là một vấn đề dường như các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ. Báo chí Trung Quốc đưa tin rằng trong kế hoạch phát triển 5 năm sắp tới của nước họ tỷ lệ chi phí cho đường sắt sẽ gia tăng đáng kể trong khi chi phí cho xa lộ sẽ sụt giảm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG