Đường dẫn truy cập

Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính?


Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính?
Có nên quản lý trò chơi trực tuyến bằng biện pháp hành chính?

Phần 1

Game online không phải là loại sản phẩm thuộc diện cấm tiêu dùng như súng đạn (gây nguy hiểm cho người khác), động vật quý hiếm (cần được bảo vệ), hay mại dâm (được coi là tệ nạn xã hội). Game online bị hạn chế tiêu dùng vì, theo những nhà lập chính sách, nó có khả năng gây nghiện.

Nghiện tai hại ở chỗ nào? Những sản phẩm gây nghiện là những sản phẩm có khả năng khiến người tiêu dùng nó hình thành thói quen (habit forming). Khi tiêu dùng sản phẩm này, người sử dụng sẽ mong muốn được tiếp tục tiêu dùng nó trong tương lai, và thường là với cường độ nhiều hơn theo thời gian. Vì tính năng này, khi nghiện một sản phẩm nào đó, người ta sẽ sử dụng ngày càng nhiều chất gây nghiện, từ đó dẫn tới chỗ dễ mắc các bệnh về thần kinh, hủy hoại sức khỏe, mất khả năng làm việc và tư duy bình thường, mất các quan hệ xã hội, tan nát cuộc sống gia đình và cá nhân…Vì các tác hại này, nhiều chất gây nghiện bị luật pháp cấm hoặc hạn chế tiêu dùng.

Nghiện hay không nghiện

Khi nói đến sản phẩm gây nghiện, người ta thường nghĩ ngay đến các chất gây nghiện hạng nặng như ma túy. Đó là các chất bị cấm. Thế nhưng có nhiều chất gây nghiện khác vẫn được bán công khai như rượu, thuốc lá, cà phê, hay trà. Thậm chí, những sản phẩm tưởng như hoàn toàn bình thường như dịch vụ gửi tin nhắn qua điện thoại, tán dóc (chat) trên Internet, hay một số loại đồ ăn nhanh cũng có thể gây nghiện.

Kenny và Johnson trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature NeuroScience đã tìm được bằng chứng cho thấy rằng thường xuyên ăn các thức ăn nhiều tinh bột và mỡ sẽ dẫn tới các phản ứng thần kinh tương tự như ở các con nghiện ma túy. Nạn nhân sẽ có nhu cầu ăn ngày càng nhiều và kết cục là dẫn tới béo phì.

Tương tự, có nhiều trẻ vị thành niên ở Mỹ lâm vào tình trạng nghiện gửi tin nhắn qua điện thoại tới mức một người có thể gửi cả chục ngàn tin nhắn trong một tháng. Jerald J. Block trong một bài đăng trên tạp chí American Journal of Psychiatry đã xếp các rối loạn tâm lý do sử dụng internet/máy tính/điện thoại/game quá mức vào danh sách các bệnh do nghiện ngập.

Trên thực tế là tùy theo mức độ mạnh hay yếu, sản phẩm hoặc dịch vụ nào cũng có khả năng tạo ra thói quen ở người tiêu dùng. Một món ăn, một loại bia, một dòng thời trang, hay thú chơi đều có thể gây ra thói quen tiêu dùng, và làm người sử dụng chúng trở thành người nghiện theo một nghĩa nào đó. Đương nhiên mức độ và khả năng gây nghiện của các sản phẩm/dịch vụ không giống nhau.

Các trò chơi trực tuyến cũng vậy. Có những sản phẩm game MMORPGs (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi) mà tính gây nghiện đã được thừa nhận rộng rãi khắp thế giới như Starcraft hay Warcraft hoặc như Võ Lâm Truyền Kỳ ở Việt Nam. Nhưng cũng có những sản phẩm ít khả năng gây nghiện hơn, và cũng có những sản phẩm sản xuất ra nhưng chẳng được ai ngó ngàng tới.

Với những người nghiện internet/máy tính/điện thoại/game, Block chỉ ra 04 đặc điểm để nhận biết. Đó là (1) sử dụng quá mức, thường kèm theo việc mất cảm giác về thời gian, (2) cảm giác giận dữ, căng thẳng, và trầm cảm nếu không tiếp cận được các thiết bị đồ chơi, (3) muốn có thiết bị chơi tốt hơn, mới hơn, thời gian chơi nhiều hơn, và (4) các biến đổi tâm lý tai hại như hay cãi vã, nói dối, năng lực làm việc giảm sút, mất khả năng giao tiếp xã hội bình thường, và luôn mệt mỏi, buồn chán.

Kinh tế học nói về hiện tượng nghiện ngập

Dưới góc độ khoa học, điểm thú vị là với việc phổ cập thông tin rộng khắp về các ảnh hưởng của sản phẩm hàng hóa như hiện nay, thường thì người tiêu dùng có khái niệm tương đối tốt về ảnh hưởng gây nghiện (nếu có) của sản phẩm. Thế nhưng ngay cả khi biết rõ tác dụng, nhiều người vẫn sử dụng và dẫn tới bị nghiện. Lý do để giải thích hành vi này là gì? Hiểu được lý do này thì sẽ hiểu được bằng cách nào một người nghiện có thể tự mình thoát khỏi cảnh nghiện ngập, và hiểu được nhà nước nên làm gì với các sản phẩm gây nghiện.

Lý thuyết về nghiện một cách duy lý (rational addiction) do Kevin M. Murphy và Gary Becker (người được trao giải giải Nobel kinh tế năm 1992) phát triển là lý thuyết được biết đến nhiều nhất trong kinh tế học liên quan đến chủ đề này. Giải thích của Murphy và Becker tương đối dễ hiểu: Hãy tưởng tượng một người có khả năng duy lý, anh ta đang xem xét hai lựa chọn: hoặc là chơi game online, hoặc là đi café cùng bạn bè. Cũng giống như mọi người bình thường khác, anh ta quan tâm nhiều đến hiện tại hơn là tương lai (thuật ngữ chuyên môn gọi là chiết khấu tương lai – time discount). Anh ta biết rõ tác hại của chất gây nghiện, nhưng những hậu quả này sẽ đến về sau chứ không phải ngay bây giờ. Ngay tại lúc này, chơi game online là một lựa chọn rẻ tiền hơn và đem lại nhiều hứng thú hơn so với đi uống café cùng bạn bè.

Trong trường hợp đó, nếu chiết khấu tương lai của anh ta đủ lớn, tức là anh ta thực sự không quan tâm nhiều lắm đến những gì sẽ xảy ra về sau, thì chơi game online là lựa chọn hợp lý – cho dù anh ta biết rõ là nó có khả năng gây nghiện. Vì thế, anh ta sẽ ở nhà hoặc ra tiệm internet để chơi game online. Lựa chọn tức thời này của anh ta đem đến hai hệ quả lâu dài: (1) quan hệ bạn bè của anh ta sẽ kém đi do anh ta không thường xuyên gặp bạn bè nữa, vì thế, anh ta sẽ càng ngày càng ngại gặp bạn bè; và (2) do đã hình thành một thói quen, anh ta sẽ càng ngày càng phải dành nhiều thời gian cho game online thì mới cảm thấy thỏa mãn. Kết quả của việc này là đối với anh ta việc chơi game ngày càng trở nên hợp lý hơn so với đi ra ngoài tán chuyện với bạn. Và vì vậy theo thời gian, anh ta sẽ trở thành một người nghiện.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG