Một số đại biểu Quốc hội đề xuất lập bảng lương riêng cho giáo viên, được hoan nghênh

Giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Trường Xã Đàn ở Hà Nội, 7/9/2007 (REUTERS/Kham).

Một số đại biểu Quốc hội Việt Nam mới đây đề xuất xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng cho các nhà giáo và nhận được sự hoan nghênh.

Đề xuất này được đưa ra khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo hôm 20/11, cũng là dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, theo tường thuật của các trang tin Quân Đội Nhân Dân, Tin Tức, Sài Gòn Giải Phóng…

Tin cho hay các đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nói rằng cần phải xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp.

Họ cũng đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương.

Lý do cần phải làm những điều kể trên, theo các đại biểu Quốc hộ, là vì chính sách hiện nay của Việt Nam về tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn chưa tạo động lực mạnh mẽ, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, theo các trích dẫn trên Quân Đội Nhân Dân, Tin Tức, Sài Gòn Giải Phóng…

Các phụ cấp ưu đãi nghề cho nhà giáo chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, các đại biểu Quốc hội nói thêm.

Đề xuất lập hệ thống lương riêng cho nhà giáo được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam đã tăng lương cơ sở cho các nhà giáo tới 30% từ ngày 1/7 và không cắt phụ cấp, theo đó, các nhà giáo nhận lương khoảng 6,6 đến gần 30 triệu đồng/tháng, tăng 1,5-7 triệu đồng so với trước.

Một số tỉnh, thành phố còn có chính sách ưu đãi riêng, nổi bật là thành phố Hồ Chí Minh với việc họ áp dụng hệ số lương tăng thêm 1,8 lần với công chức, viên chức, gồm cả giáo viên, nhờ đó, tiền lương cao nhất giáo viên có thể đạt được là 40 triệu đồng/tháng.

Từ Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng giảng dạy ở cấp đại học tại Việt Nam, nhận xét một cách tích cực về các diễn biến kể trên với VOA:

“Tôi thấy một điều họ [Việt Nam] làm được là tăng lương. Đối với tôi, tăng lương cho giáo viên là ưu tiên hàng đầu vì có thực mới vực được đạo. Giáo viên họ không đủ tiền sống họ sẽ không có điều kiện để giảng dạy một cách tốt đẹp, mới đẻ ra tình trạng học thêm, dạy thêm, mua điểm, mua quan bán chức tùm lum. Tôi rất ghi nhận họ tăng lương lên cho giáo viên”.

Cũng đưa ra bình luận, cựu nhà giáo Lường Tuấn Tú, tức nhà văn-Facebooker Thái Hạo có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, viết trên trang cá nhân rằng đó là “một trong những thay đổi rất có ý nghĩa” và ông “chúc mừng các thầy cô giáo” vì “một phần gánh nặng đã được trút xuống”.

Bên cạnh đó, ông Tú bày tỏ hi vọng rằng từ nay lương sẽ không còn lý do chính yếu để biện minh cho chất lượng giáo dục mà ông đánh giá là “đang thấp thê thảm”.

“Và cũng đừng lấy đó làm lý do để biện minh cho việc dạy thêm đang làm khổ học sinh và phụ huynh trong toàn xã hội. Bộ Giáo dục phải bãi bỏ Dự thảo Thông tư về chủ trương cho phép dạy thêm phi lý đến cùng cực này”, vẫn cựu giáo viên Lường Tuấn Tú tức Facebooker Thái Hạo viết.

Ông Tú cho rằng tuy lương tăng, giáo viên đã “sống được”, song họ chưa “sướng” bởi dưới góc nhìn của ông, “môi trường giáo dục đang tồn tại sự mất dân chủ nghiêm trọng cùng những nhiêu khê của nó”. Cựu nhà giáo này không đi vào chi tiết.

Liên quan đến vấn đề này, trong những cuộc trả lời phỏng vấn riêng rẽ với VOA mới đây, Giáo sư Phạm Minh Hoàng ở Pháp và thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội chỉ ra rằng việc Việt Nam theo đuổi mục tiêu “xây dựng con người xã hội chủ nghĩa” và “nhồi nhét” sinh viên đại học về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh… là những việc “cũ kỹ”, “lỗi thời” và “ngăn chặn sự phát triển của con người”.

Thầy Khoa nổi tiếng về chống tiêu cực thi cử và đã được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo sư Hoàng từng làm việc ở Việt Nam nhưng đã bị chính quyền tước quốc tịch và trục xuất vì cổ súy cho tự do, dân chủ.

Giáo sư Hoàng đưa ra lời khuyên với giới lãnh đạo chính trị Việt Nam:

“Hãy để những người làm về giáo dục lo việc giáo dục, đừng để chính trị xen vào giáo dục. Đừng để các thầy các cô ngoài việc giảng dạy còn phải đi học tập chính trị, như vậy nó không đáp ứng được sứ mệnh của một người thầy”.

Cựu giáo viên Lường Tuấn Tú-Facebooker Thái Hạo lưu ý trong bài viết trên trang cá nhân rằng điều hệ trọng bậc nhất là một môi trường giáo dục văn minh, là điều quan trọng hơn lương hay quyền lợi vật chất cho giáo viên:

“Vì chất lượng giáo dục có thay đổi hay không, môi trường học đường có trở nên lành mạnh hay không, sự tiến bộ và văn minh có hiện diện hay không, chủ yếu phụ thuộc vào cách thức tổ chức bộ máy và sự vận hành, chứ không phải quyết định bởi lương, lương chỉ là điều kiện cần”.

Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam có hơn 1,6 triệu nhà giáo và nhân viên ngành giáo dục trong các cấp từ mầm non đến đại học. Số học sinh, sinh viên trên cả nước trong năm học 2024-2025 là hơn 20 triệu, bao gồm hơn 2 triệu sinh viên.

Theo bảng xếp hạng của trang US News về các nền giáo dục trên thế giới, trong năm 2024, Việt Nam đứng thứ 61 trong tổng số 89 nước, có bước tiến so với thứ hạng 65 trên 87 nước hồi năm 2023.

Nhưng đặt cạnh các nước láng giềng, Việt Nam đứng thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc (21), Singapore (22), Malaysia (37), Thái Lan (48), Indonesia (54), và Philippines (56).