Đường dẫn truy cập

Hai nhà hoạt động: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự


Tổng Bí thư ĐCS VN Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, 29/10/2024.
Tổng Bí thư ĐCS VN Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, 29/10/2024.

Sau khi nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mới đây căn dặn bộ máy tuyên giáo chớ có giáo điều, nói không đi đôi với làm, hai nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nói với VOA rằng ngành tuyên giáo đã lỗi thời, hại nhiều hơn lợi và nên dẹp bỏ.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm họp với Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng hôm 29/10, Dân Trí, Thanh Niên và nhiều báo mạng khác cho hay.

Vị tổng bí thư – người có thực quyền quyết sách lớn nhất của đất nước - đề ra mục tiêu của công tác tuyên giáo “trong giai đoạn cách mạng mới” là phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí “trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Thanh Niên, Dân Trí và truyền thông trong nước tường thuật.

Ông Lâm nói ngành tuyên giáo cần “tập trung xây dựng đội ngũ ‘bút chiến’ có lý luận sắc bén và am hiểu sâu sắc thực tiễn để viết ra “các chuỗi bài có tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục cao” có tác dụng “tạo đồng thuận trong thực hiện những chủ trương lớn, giải quyết những vấn đề bức xúc” và cùng “phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

Ngoài ra, người đứng đầu đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo Việt Nam đề nghị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo và ông cảnh báo rằng “nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo thì không đi vào lòng người, lòng dân”, theo trích dẫn trên Dân Trí và Thanh Niên.

“Kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hai bản tin của Dân Trí và Thanh Niên tường thuật.

Trong khi cuộc họp của ông Lâm với Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy cơ quan này có tầm quan trọng trong hệ thống chính quyền, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng lại cho rằng “lợi ích của nó đối với đất nước bằng không hoặc âm”.

Ông Hùng lập luận rằng Ban Tuyên giáo Trung ương là công cụ của chính quyền thực hiện việc tuyên truyền “nhồi sọ, một chiều, dối trá”, theo cách dùng từ của ông, để “biện bạch về sự tồn tại của hệ thống” và thúc đấy “tín điều sai trái về chủ nghĩa Marx-Lenin”. Ông nói với VOA hôm 31/10:

“Nó không những không có lợi gì mà còn gây hại cho cả đất nước này. Có thể nói đấy là công cụ ngu dân, tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của nhân dân. Nếu muốn đất nước này thực sự bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi nghĩ Ban Tuyên giáo cần phải là một trong những cơ quan đầu tiên bị dẹp bỏ, vứt vào sọt rác”.

Theo thông tin trên báo chí Việt Nam, số lượng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, thành phố, quận huyện, thị xã là hơn 5.200 người, cộng với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay còn gọi là dư luận viên ước tính lên đến hơn 12.000 người trên cả nước.

Không có dữ liệu về ngân sách cho hoạt động tuyên giáo được công bố, nhưng từ con số nhân sự như trên, ước tính số tiền chỉ để trả lương cho họ có thể vào khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Cựu nhà báo, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, từng được giải thưởng của Phóng viên Không Biên giới vì thúc đẩy tư do ngôn luận, cũng cho rằng bộ máy tuyên giáo không còn cần thiết. Ông nói với VOA hôm 31/10:

“Ít ai quan tâm, nói tới Marx-Lenin, đấu tranh giai cấp. Thời đại này thông tin qua truyền thông, mạng xã hội nhiều rồi. Người dân thích cái gì, người ta tìm đến cái đó. Người ta tập trung rất nhiều vào đời sống, cách làm ăn, cách sinh hoạt, vui chơi giải trí. Cần tuyên truyền về những điều đó, dân sống hữu ích hơn, lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng”.

Ông Chênh nêu lên một số việc cụ thể cần được thúc đẩy nhiều hơn gồm nếp sống văn minh; nắm vững, sống và làm việc đúng pháp luật, trong đó có tôn trọng luật giao thông; không xả rác, bảo vệ môi trường và thiên nhiên…

Nhưng ông cho rằng Ban Tuyên giáo sẽ không phù hợp để tuyên truyền về những điều nêu trên:

“Chỉ một Ban Tuyên giáo làm không đủ vì không chuyên môn. Ví dụ, về bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã, bao nhiêu tổ chức về vấn đề này họ chuyên môn hơn, họ sẽ tuyên truyền cho người dân. Hay nói về luật đi đường cũng có những tổ chức chuyên về cái đó… Đó là các tổ chức xã hội dân sự, mà đảng hình như chưa chấp nhận”.

Hồi tháng 9/2023, Liên Hiệp Quốc ra một báo cáo trong đó nói rằng chính phủ Việt Nam đã ra tay tăng cường kiểm soát, ngăn cản, bắt bớ…, làm cho không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự bị thu hẹp. Về vấn đề này, ông Chênh đưa ra quan sát:

“Tổ chức xã hội dân sự xuất hiện rất nhiều từ 2005 đến 2015, 2016, nhưng sau đó bị đàn áp, bị dẹp, những người trong các tổ chức đó bị đi tù rất nhiều. Bây giờ, các tổ chức xã hội dân sự không còn hoạt động. Để phục hồi lại, có lẽ phải chờ sự cởi mở của nhà nước theo những cam kết của nhà nước với quốc tế về việc Việt Nam đổi mới”.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng có chung suy nghĩ. Ông nói:

“Ở các nền dân chủ hiện đại, xã hội dân sự là xương sống, là một trụ cột. Muốn Việt Nam thực sự vươn mình lớn dậy trong kỷ nguyên mới, một trong những ưu tiên đầu tiên là phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của hệ thống các tổ chức xã hội dân sự. Điều đấy chắc chắn sẽ góp phần lan tỏa ra những hiệu ứng tích cực khác trong xã hội”.

Theo ông Hùng, nếu nhà nước Việt Nam không can thiệp, người dân được thực hiện các quyền tự do cơ bản theo Hiến pháp, các tổ chức xã hội dân sự sẽ xuất hiện trở lại một cách tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong xã hội hiện đại. Ông đưa ra nhận định mang tính sâu xa:

“Chỉ cần Việt Nam gỡ những nút thắt, những trói buộc này, tự khắc các tổ chức xã hội dân sự sẽ ra đời và phát triển. Đồng thời, nếu Việt Nam gỡ bỏ những trói buộc khác, tự khắc đất nước sẽ vươn mình lớn dậy mà không một cần lời kêu gọi nào cả”.

VOA liên lạc với Ban Tuyên giáo Trung ương của Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG