Sau khi nhiều ca sỹ ở Việt Nam đồng loạt đưa ra lời xin lỗi vì đã trình diễn trên những sân khấu được cho là không phù hợp, một nam sinh từng tham gia cuộc thi tài năng kiến thức danh giá ở trong nước cũng đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi chỉ trích Đảng Cộng sản. Những người Việt, từ trong và ngoài nước, nói VOA rằng những nghệ sỹ và nam sinh này như bị đưa vào một hình thức “đấu tố” mới của chính quyền.
Chu Ngọc Quang Vinh, một học sinh lớp 12 ở Yên Bái từng giành chức vô địch trong một cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia, đã phải làm việc với công an sau khi đăng bài trên mạng xã hội trong đó nói Đảng là một “thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân” nhưng sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai rằng mình đã sai.
Trước đó không lâu, các ca sỹ – như Tóc Tiên, Phan Đinh Tùng, Myra Trần, Phạm Khánh Hưng – tự đưa ra những lời xin lỗi tới khán giả qua các tài khoản mạng xã hội sau khi xuất hiện trên những sân khấu được cho là có sự hiện diện của lá cờ Việt Nam Cộng hòa của chế độ đã bị quân Bắc Việt do Đảng lãnh đạo đánh bại. Trong những lời xin lỗi của họ, các ca sỹ này đều khẳng định họ yêu nước và tự hào là người Việt Nam cũng như không có hành động hay phát ngôn chống phá đất nước.
“Không phải ngẫu nhiên mà họ đưa ra lời xin lỗi. Có thể có một chiến dịch nào đó để đấu tố hay để lên án những nghệ sỹ này… vì họ đã biểu diễn ở nước ngoài với lá cờ vàng (VNCH) của người cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại,” ông Võ Ngọc Ánh, người hiện đang sống ở tiểu bang Washington của Mỹ nói với VOA.
Những ca sỹ này bị cộng đồng trên mạng, trong đó có những người được cho là dư luận viên thuộc lực lượng tác chiến không gian mạng của chính quyền, moi ra những hình ảnh khi diễn ở hải ngoại và bị chỉ trích cũng như lên án vì xuất hiện với lá cờ vàng 3 sọc đỏ.
Theo ông Ánh, chính quyền đã tạo ra một dư luận rộng lớn trên mạng như để “rung cây dọa khỉ” và “làm cho các nghệ sỹ khác cảm thấy sợ.” Ông Ánh, người đã từng sống 37 năm và viết báo ở Việt Nam, nhắc đến trường hợp của nghệ sỹ xiếc Quốc Nghiệp và ca sỹ O Sen Ngọc Mai, những người cũng phải công khai nói “rút kinh nghiệm sâu sắc” sau khi bị cộng đồng mạng chỉ ra hình ảnh của gia đình họ có lá cờ vàng khi gặp nhau ở Mỹ.
“Chắc chắn trước một áp lực lớn của chính quyền (các nghệ sỹ) mới phải làm việc xin lỗi đó vì họ làm việc xin lỗi đó họ mất rất nhiều thứ: họ mất người hâm mộ hải ngoại, họ mất đi dũng khí trước khán giả của họ,” ông Ánh nói và cho rằng nếu họ không làm có thể bị ảnh hưởng đến công việc và chính gia đình họ.
VOA đã gửi yêu cầu phỏng vấn tới các nghệ sỹ Tóc Tiên, Myra Trần, Phan Đinh Tùng và Phạm Khánh Hưng nhưng chưa được hồi âm. Người đại diện cho gia đình nghệ sỹ Quốc Nghiệp và Ngọc Mai từ chối đưa ra bình luận.
“Dư luận viên, mà chính quyền không dấu diếm chuyện đó, đã kích lên rồi một bộ phận dân chúng không hiểu đã ‘lên đồng’ cùng tạo nên một cái như cuộc đấu tố, một xã hội đấu tố mà chúng ta đã gặp trong cải cách ruộng đất từ năm 1953 đến 1956 hay phong trào nhân văn (giai phẩm) cuối những năm 1950 đầu những năm 1960 của thế kỷ trước,” ông Ánh nhận định.
Tương tự, ông Bùi Sơn, người đang sinh sống ở Hà Nội, cho rằng việc các ca sỹ và nam sinh Quang Vinh phải xin lỗi giống như bị “đấu tố thời cải cách ruộng đất,” ý muốn nói tới sự kiện ở miền Bắc Việt Nam nhằm tiêu diệt các thành phần phản quốc và chống chính quyền để chia lại ruộng đất cho nông thôn theo mô hình của Trung Quốc.
Cùng có những nhận định như vậy, nhà báo Nguyễn Hà Hùng, trong buổi hội luận của VOA hôm 5/9 sau sự kiện nam sinh Quang Vinh phải gặp công an và sau đó đưa ra lời xin lỗi, cho rằng đây là một kiểu “đấu tố trên mạng” có sự “hậu thuẫn mạnh mẽ của báo chí nhà nước.”
Bài viết của Quang Vinh bị cộng đồng mạng trong nước phản ứng dữ dội, trong đó có những lời mạt sát như “vô ơn” hay phản bội đất nước”. Nam sinh này sau đó gỡ bài khỏi trang cá nhân và công khai nhận mình “đã sai” cũng như “hối hận” và “mong nhận được sự tha thứ.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, cũng trong buổi hội luận, cho rằng sự đả kích nam sinh Quang Vinh được đẩy lên “bằng cả một hệ thống chính trị rồi lực lượng dư luận viên và cả hệ thống truyền thông” của nhà nước.
Việt Nam đã thành lập Lực lượng 47 với 10.000 “chiến sĩ đấu tranh trên không gian mạng” để “phản bác các quan điểm sai trái “ và Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng “bảo vệ Tổ quốc.” Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã từng bày tỏ lo ngại về lực lượng này khi cho rằng “đạo quân dư luận viên” của nhà nước được tạo ra để tấn công những tiếng nói bất đồng. Chính quyền cũng đã yêu cầu báo chí do nhà nước quản lý phải phản bác các thông tin mà họ cho là sai trái trên mạng xã hội.
Nhà báo Hà Hùng, hiện đang sinh sống ở Đức, cho rằng đây là “cuộc đấu tố có thể nói là có cường độ lớn nhất từ sau Cải cách Ruộng đất” khi dư luận viên của chính phủ “reo rắc sự nghi kỵ… đánh tráo khái niệm yêu nước thì phải yêu đảng” tương tự như trong Cải cách Ruộng đất khi “chính quyền cưỡng bức người dân đấu tố chính cha mẹ anh chị em mình.”
Cũng đưa ra ý kiến trong buổi hội luận của VOA, kỹ sư Nguyễn Đại Ngữ nhận định từ Mỹ rằng đây là “hình thức đấu tố mới của thế kỷ 21”.
“Em Quang Vinh, một học sinh có tài năng, phải đối diện với pháp luật và đối diện với những phản ứng quyết liệt từ những thành phần đấu tố trong thế hệ mới vì chỉ phát biểu ý kiến cá nhân của mình,” ông Ngữ nói và cho rằng việc xin lỗi công khai được nhà nước sử dụng một cách triệt để đối với những người có quan điểm đối lập với Đảng và nhà nước.
Ông Ngữ cho rằng việc này đặt ra câu hỏi về tự do ngôn luận, đặc biệt cho giới trẻ, rằng liệu Nhà nước và Đảng có thực sự đang tôn trọng Hiến pháp mà họ ban hành hay không khi mà điều 25 của Hiến Pháp cho phép tự do ngôn luận.
Việt Nam luôn nói rằng người dân có tự do ngôn luận dù nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ trích quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền tìm cách bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng.
Theo LS Mạnh, bên cạnh việc nam sinh Quang Vinh bị nhắm làm “mục tiêu tấn công,” việc “đấu tố kịch liệt giới nghệ sỹ khi họ biểu diễn lỡ dính hình ảnh lá cờ vàng trong chương trình của họ” hay việc “dư luận viên và cả một kênh truyền hình Quốc phòng vào tấn công trường Đại học Fulbright khi mà trường này trong một buổi lễ tốt nghiệp không có là cờ đỏ quốc kỳ mà có lá cờ ghi dòng chữ ‘Không sợ hãi’” cho thấy “sự tấn công vào những lực lượng khác nhau trong xã hội một cách hết sự khốc liệt.”
Blogger Kim Văn Chính, hiện đang sống trong nước, khi được hỏi liệu học sinh có nên được tự do bày tỏ quan điểm của mình và các nghệ sỹ được biểu diễn ở mọi nơi mà không sợ bị cho là không phù hợp hay không, nói rằng “ở Việt Nam có một số chủ đề cấm kị dù luật pháp không hẳn cấm” và “ai là công dân Việt Nam muốn sống yên lành cần hiểu điều đó và chấp hành tốt”. Ông đưa ra ví dụ như nói xấu Hồ Chí Minh hay công kích đảng.
“Ở Việt Nam coi trọng mục tiêu ổn định có khi hơn cả mục tiêu phát triển,” ông Chính nói khi được hỏi điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển khảng năng và sức sáng tạo của người dân cũng như sự phát triển của đất nước.
Còn ông Sơn cho rằng “một xã hội dân chủ thì người dân phải được quyền tự do ngôn luận, kể cả ngôn luận đó là chỉ trích đảng cầm quyền hay chính phủ.”
“Học sinh phải có quyền bày tỏ suy nghĩ, chính kiến và chúng ta cần lắng nghe tôn trọng ý kiến đó thay vì đàn áp, dọa nạt,” ông Sơn nói. “Nghệ sỹ có quyền biểu diễn ở mọi sân khấu trong và ngoài nước miễn sao nó phù hợp với thuần phong mỹ tục và luật pháp hiện hành.”
Ông Sơn, một người thường đưa ra những phản biện xã hội trên mạng, tin rằng “khi tư tưởng bị nhốt chặt vào trong cái lồng chính trị sẽ không thể có ý tưởng đột phá và không tạo ra sự thay đổi, cải cách.”
Cùng nhận định, ông Ánh cho rằng muốn để Việt Nam phát triển bền vững hãy để người dân tự do, đừng kìm hãm họ bắt đầu từ về vấn đề giáo dục rồi sau đó cởi mở về chính trị thì người ta sẽ có những bứt phá để phát triển trong các lĩnh vực khác mà nói như ngôn ngữ giáo dục trong nước, để Việt Nam 'sánh vai với các cường quốc năm châu'."
Diễn đàn