Đường dẫn truy cập

Người trẻ Việt miệt thị cờ VNCH tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?


TOP Comments đăng ảnh các thanh niên Việt Nam phỉ báng cờ VNCH tại một viện bảo tàng ở Hà Nội, 3/11/2024.
TOP Comments đăng ảnh các thanh niên Việt Nam phỉ báng cờ VNCH tại một viện bảo tàng ở Hà Nội, 3/11/2024.

Một loạt các trang Facebook có tổng cộng hàng triệu người theo dõi ở Việt Nam gần đây đăng các bức ảnh về nhiều thanh thiếu niên tỏ ý miệt thị lá cờ của nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây tại một viện bảo tàng mới được xây dựng ở Hà Nội.

Trong khi có vô số lời bình luận cho rằng những người trẻ tuổi đó làm như vậy để thể hiện lòng yêu nước, cũng có không ít những ý kiến ngược lại, xem đó là biểu hiện của sự cực đoan, thù hận hoặc ngu xuẩn, vô văn hóa.

Bắt đầu từ hôm 3/11, các trang TOP Comments, Man TV, Vấn Đề Đa Chiều, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam, Vietnam Projects Construction… và nhiều trang cá nhân đăng các bức ảnh ghi lại những thanh niên, thiếu niên có cử chỉ nhạo báng, chế giễu, sỉ nhục lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa được trưng bày tại khu phức hợp mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Các cử chỉ đó bao gồm hai cánh tay bắt chéo trước người với hàm ý xóa bỏ, giơ nắm đấm chỉ có ngón tay giữa chĩa ra để thay cho lời chửi bậy, đặt ngón trỏ trước miệng ra hiệu không được nói…

Lá cờ vàng ba sọc đỏ, thường được gọi tắt là cờ vàng, là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam có thủ đô là Sài Gòn, được thành lập năm 1949 và nằm trong Liên hiệp Pháp.

Khi lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954 do các biến động lịch sử, cờ vàng là quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở miền nam cho đến ngày 30/4/1975, khi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) theo chủ nghĩa cộng sản ở miền bắc giành thắng lợi cuối cùng trong Chiến tranh Việt Nam.

Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của nước Việt Nam cộng sản trong mọi giai đoạn lịch sử kể từ khi đất nước này ra tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945.

Những hình ảnh người trẻ tuổi Việt Nam phỉ báng cờ vàng mới đây ở Hà Nội nhận được hàng chục ngàn phản ứng “yêu”, “thích” trong các trang TOP Comments, Man TV, Vấn Đề Đa Chiều, Tôi Yêu Công An Nhân Dân Việt Nam, Vietnam Projects Construction… và nhiều trang cá nhân khác.

Bên cạnh đó là hàng ngàn lời bình luận trái chiều nhau trên Facebook. Chiếm số đông trong đó là những ý kiến miệt thị, coi thường cờ vàng, khen hành động của các thanh thiếu niên là “yêu nước”, thậm chí cho rằng đó là một “trend [xu hướng] cần nhân rộng cả nước”.

Nhiều người khác tham gia bình luận tỏ ra bình tĩnh, thận trọng hơn, đưa ra quan điểm rằng hiện vật được trưng bày trong bảo tàng để ghi lại những gì đã xảy ra trong lịch sử, bản thân ban quản lý bảo tàng không dùng từ “kẻ thù” để thuyết minh, vì vậy, người đến thăm bảo tàng - đặc biệt là hậu thế - nên tôn trọng lịch sử, tôn trọng những người cũng là “anh em máu đỏ da vàng”, và quá khứ của dân tộc đã khép lại, hãy “nắm tay nhau xây dựng đất nước” và “không gây thù hằn dân tộc”.

Cũng có không ít ý kiến ngay trong các trang kể trên và các trang cá nhân khác phê phán các cử chỉ của các thanh thiếu niên đối với cờ vàng, gọi đó là “hành động bất lịch sự”, “kém văn minh”, “vô văn hóa”, thậm chí là “mất dạy”, “ngu xuẩn” của “những kẻ tỏ vẻ ta đây”.

Một số người lưu ý rằng cờ vàng từng đại diện cho Việt Nam khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa cho đến khi Trung Quốc chiếm từ tay VNCH vào đầu năm 1974, do đó, nếu phủ nhận lá cờ này và chính thể VNCH sẽ gây khó cho nước Việt Nam ngày nay trong cuộc đấu pháp lý với Trung Quốc về Hoàng Sa.

Các Facebooker có nhiều người theo dõi gồm Bùi Quang Thắng, Lê Văn Luân, Tống Nguyên, Song Chi, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hồng Vũ, v.v… đưa ra quan sát rằng thật đáng lo ngại vì thế hệ trẻ dường như vẫn bị giáo dục nhồi sọ với những tư tưởng cực đoan, thù hận; sẽ khó có những điều tốt đẹp cho đất nước khi nhiều người không biết tôn trọng, chấp nhận quá khứ; cũng như sẽ gây khó cho chính sách đoàn kết dân tộc và đường lối ngoại giao của Việt Nam.

Tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương, từng sống ở VNCH khi còn nhỏ và hiện là công dân Đức, nhận định với VOA rằng hình ảnh thanh thiếu niên chế giễu, miệt thị cờ vàng gần đây dù không phải là chủ đích của nhà nước Việt Nam nhưng đó là hậu quả của 50 năm “giáo dục một chiều”. Ông nói:

“Các em chỉ luôn luôn được dạy là ‘căm thù Mỹ, ngụy’. Các em bị tiêm nhiễm ‘Mỹ, ngụy’ là cái gì xấu lắm. Bây giờ hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ rồi, về phần Mỹ có vẻ cởi mở hơn. Cái phần về ‘ngụy’, chính quyền sợ ‘thế lực phản động’, ‘thù địch’ gì đó, nên họ nghĩ cờ vàng xấu, nguy hại cho an ninh, trật tự xã hội, v.v… thì các em không có biết gì về lá cờ đó hết”.

Nhớ lại bài học thủ công làm cờ vàng và những buổi lễ chào lá cờ này vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần cho đến năm 12 tuổi, ông Phương nói rằng cả VNCH lẫn VNDCCH đều dạy công dân của mình yêu quốc kỳ của mỗi bên, và ông mong các bạn trẻ Việt Nam hiện nay có sự nhạy cảm, tế nhị:

“Lá cờ nào cũng có kỷ niệm và tình cảm của một thế hệ nào đó và tất cả đều là người Việt Nam, nên khi mình sỉ nhục một lá cờ, vô tình mình cũng sỉ nhục hoặc làm buồn lòng những người từng một thời sống dưới một lá cờ khác”.

Điểm lại tình trạng các cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn còn những e ngại, thậm chí là mâu thuẫn về cờ vàng-cờ đỏ, bao gồm việc gần đây một số ca sĩ, nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi ở trong nước vì đã chụp ảnh với cờ vàng khi đi biểu diễn ở nước ngoài, ông Phương khẳng định rằng “hố sâu ngăn cách” vẫn tồn tại sau rất nhiều năm và “không có hướng giải quyết”.

Ông cho rằng nguyên do có lẽ là chính quyền Việt Nam vẫn xem như cờ vàng gắn với những thế lực có thể xúi giục, kích động người Việt trong nước chống chế độ, và ông dự báo:

“Nếu cả 2, 3 thế hệ đã đào sâu ngăn cách rồi thì chắc cũng phải cần 2, 3 thế hệ nữa mới quên được hố sâu đó”.

VOA cố gắng liên lạc với Ban Tuyên giáo thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.

Tiến sĩ Phương suy nghĩ rằng điều đầu tiên cần làm để giảm đi sự ngăn cách và cảm xúc thù hằn là “trả lại công bằng cho lịch sử”:

“Các em phải biết là có giai đoạn đã có một chế độ ở miền Nam độc lập với miền Bắc và không phải chế độ đó là ngụy. Họ đã xây dựng ở miền Nam một xã hội, một nền giáo dục có những đóng góp nhất định và có công bảo vệ bờ cõi ở phía Nam. Khi hiểu lịch sử, các em mới có thể thông cảm với lá cờ đó”.

Hồi tháng 8/2017, Việt Nam phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập trong đó có phần nói về VNCH và không sử dụng cụm từ “ngụy quyền Sài Gòn”.

Tuổi Trẻ và một số trang tin Việt Nam khi đó trích lời những nhà nghiên cứu gồm cả Tiến sĩ Nguyễn Nhã và Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh ghi nhận rằng việc sử sách của nước CHXHCNVN thừa nhận VNCH là một bước tiến quan trọng, có lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhưng sau đó, nhiều báo như Quân Đội Nhân Dân, Bình Phước Online… vào những dịp khác nhau vẫn đăng bài phản bác việc dừng sử dụng các cụm từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” trên sách báo chính thống, coi đó là nỗ lực “đánh bùn sang ao”, “lèo lái dư luận”, là nhận thức “ấu trĩ”, “lệch lạc” về lịch sử, “tạo điều kiện để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, kích động hòng vực dậy ‘thây ma’ của tập đoàn bán nước, hại dân trước năm 1975”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG