LHQ khiển trách Bắc Triều Tiên đe dọa Văn phòng Nhân quyền

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát công trường xây dựng Nhà ga số 2 của sân bay quốc tế Bình Nhưỡng.

Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm nay đáp lại những lời chỉ trích và đe dọa của Bắc Triều Tiên nhắm vào văn phòng Liên Hiệp Quốc, được ủy nhiệm điều tra những vụ vi phạm ở miền Bắc. Văn phòng này vừa mở cửa tại Seoul trong tuần này. Thông tín viên VOA Brian Padden tường thuật từ Seoul.

Các nhà điều tra làm việc trong văn phòng khu vực của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Seoul sẽ dựa vào một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố năm ngoái ghi nhận chi tiết về một mạng lưới các nhà tù ở Bắc Triều Tiên và các hành vi tàn ác gồm giết người, buộc người làm nô lệ, tra tấn và cưỡng hiếp.

Thông qua truyền thông nhà nước, Bắc Triều Tiên đe dọa trả đũa Nam Triều Tiên về việc mở cửa văn phòng Liên Hiệp Quốc mà họ cho là có ý định “kích động đối đầu” và làm hại bang giao nam-bắc cùng mời gọi chiến tranh.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Zeird Ra’ad Al-Hussein, chỉ trích Bình Nhưỡng là tìm cách vận dụng các chiến thuật hù dọa.

“Mọi lời đe dọa từ phía một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, nhắm vào một thực thể của Liên Hiệp Quốc là điều vô cùng đáng tiếc và không xứng hợp với quốc gia thành viên đó.”

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua với số phiếu áp đảo một nghị quyết đề nghị đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về các tội ác chống nhân loại, nhưng tiến trình bị khựng lại ở Hội đồng Bảo an LHQ. Nghị quyết chưa được đưa ra biểu quyết ở đó bởi vì người ta cho rằng các đồng minh của Bình Nhưỡng là Bắc Kinh và Moscow sẽ phủ quyết mọi quyết định trừng phạt.

Song ông Al Hussein nói Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục cố gắng nêu bật tình hình nhân quyền tồi tệ ở Bắc Triều Tiên và làm áp lực đòi chế độ Kim Jong Un thay đổi.

“Sự kiện văn phòng nhân quyền này của Liên Hiệp Quốc ở Seoul hiện đã trở thành một thực tế và sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ trong chừng một tháng nữa là một dấu hiệu cho thấy công tác của ủy ban bắt đầu mang lại kết quả.”

Cùng lúc đó, ông nói giao tiếp với miền Bắc để cải thiện tình trạng nhân quyền cũng là mục tiêu của họ.

Trong điều được nhiều người xem là một hành động trả đũa nhắm vào Seoul vì ủng hộ các nỗ lực về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, hôm thứ ba Bình Nhưỡng đã tuyên phạt 2 người Nam Triều Tiên án chung thân lao cải. Hai người này, một nhà truyền giáo và một doanh gia, đã bị bắt và bị cáo buộc làm gián điệp cho cơ quan tình báo của miền Nam sau khi vào miền Bắc qua biên giới Trung Quốc.

Ủy ban Thống nhất trong Hòa bình của Bắc Triều Tiên nói trong một thông cáo rằng Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye sẽ phải “nhận lãnh hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả tai hại tiếp theo trong bang giao Nam-Bắc kể từ nay trở đi.”

Cũng trong tuần này, Bình Nhưỡng loan báo sẽ tẩy chay Thế vận hội Đại học Thế giới ở Nam Triều Tiên để phản đối việc khai trương văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Seoul.

Ít nhất trong ngắn hạn, sự ủng hộ của Seoul dành cho các cuộc điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền của chế độ Kim Jong Un sẽ có phần chắc gây căng thẳng thêm cho quan hệ liên Triều.

Nam Triều Tiên đã đình chỉ phần lớn viện trợ kinh tế và áp đặt các biện pháp chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên năm 2010 sau khi Seoul tố cáo Bình Nhưỡng đánh đắm một chiến hạm của Nam Triều Tiên làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Bắc Triều Tiên phủ nhận mọi sự can dự vào vụ tấn công này.

Tổng thống Park Geun-hye đã kêu gọi mở các cuộc đàm phán vô điều kiện với miền Bắc tập trung vào các vấn đề quan tâm chung để xây dựng lại lòng tin, như sắp xếp những cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán từ cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên trong thập niên 1950.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên xác định rằng phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết trước khi đồng ý với bất kỳ cuộc đàm phán mới nào. Trong các điều kiện này có việc chấm dứt các cuộc diễn tập quân sự chung với Hoa Kỳ và ngăn các nhà hoạt động ở miền Nam thả bóng bay chứa thông tin chống chế độ qua miền Bắc.

Các cuộc thương nghị quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng vẫn bị bế tắc. Về vấn đề này, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã định ra các điều kiện tiên quyết yêu cầu Bình Nhưỡng tôn trọng các thỏa thuận trước đây và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động phát triển hạt nhân đang tiếp diễn trước khi đồng ý đàm phán.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc không những chỉ đả kích Bắc Triều Tiên. Ông còn lên tiếng phản đối luật an ninh quốc gia của Nam Triều Tiên mà ông cho là hạn chế quá đáng quyền tự do phát biểu và ngôn luận, và để ủng hộ cho các an úy phụ của Nam Triều Tiên đòi Nhật Bản xin lỗi và bồi thường vì đã buộc họ hành nghề mãi dâm trong Thế chiến thứ hai.