Liên Hiệp Quốc hôm nay chính thức mở một văn phòng mới tại Seoul để điều tra những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại thủ đô của Nam Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc đang gia tăng áp lực để buộc chế độ áp bức của ông Kim Jong Un chấm dứt những vụ chà đạp nhân quyền có hệ thống, những vụ chà đạp mà họ mô tả “có một không hai trong thế giới ngày nay.”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng việc Liên Hiệp Quốc mở văn phòng ở Seoul là một diễn tiến hết sức quan trọng trong chiến dịch buộc các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm đối với những tội ác chống lại loài người.
"Đây là điều mà ông Kim Jong Un cần phải trằn trọc suy nghĩ hàng đêm, bởi vì ông ấy sẽ phải đối mặt với một toán nhân viên điều tra chuyên nghiệp có quyết tâm cao và toán chuyên gia này sẽ nói chuyện với người dân để tìm ra những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào họ."
Áp lực quốc tế đối với Bình Nhưỡng đã gia tăng cường độ kể từ khi Liên Hiệp Quốc công bố một bản phúc trình hồi năm ngoái, trong đó nói tới một mạng lưới nhà tù chính trị giam giữ 120.000 người và liệt kê một danh sách những hành vi tàn ác bao gồm sát nhân, bắt người làm nô lệ, tra tấn, giam cầm và hãm hiếp.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, với đa số áp đảo, đã thông qua một nghị quyết để đưa Bình Nhưỡng ra trước Toà án Hình sự Quốc tế, nhưng tiến trình này bị khựng lại ở Hội đồng Bảo an. Nghị quyết này chưa được mang ra biểu quyết tại Hội đồng Bảo an vì người ta tin rằng đồng minh của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc và Nga sẽ phủ quyết những đề nghị trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Các nhà điều tra làm việc ở văn phòng thực địa của Liên Hiệp Quốc tại Seoul sẽ lập thêm hồ sơ về những hành vi tàn ác và những hành vi vi phạm nhân quyền bên trong Bắc Triều Tiên để chuẩn bị cho những hành động pháp lý trong tương lai.
Ông Robertson của tổ chức Human Rights Watch cho biết các giới chức Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc thoạt đầu đã đề nghị hợp tác để đổi lấy quyền miễn bị truy tố.
"Họ cũng khăng khăng đòi hỏi là một số nhượng bộ phải được dành trước cho Bắc Triều Tiên. Họ đòi không được đề cập tới vấn đề buộc giới lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Nhưng cộng đồng quốc tế và các hệ thống nhân quyền không hoạt động với cách thức đó."
Từ đó tới nay Bắc Triều Tiên đã đáp lại những sự chỉ trích về thành tích nhân quyền của họ bằng những lời phủ nhận mạnh mẽ, những lời đe dọa trả đũa và bằng thái độ tự cô lập nhiều hơn nữa.
Hồi đầu tuần này Bình Nhưỡng cho biết họ sẽ tẩy chay Đại hội Thể Thao Đại học Thế giới ở Nam Triều Tiên để phản đối việc Liên Hiệp Quốc mở văn phòng nhân quyền ở Seoul.
Ông Choi Yong Sang, một viên chức của Mạng lưới Dân chủ Nhân quyền Bắc Triều Tiên, nói rằng có một điều cần phải nói rõ là văn phòng của Liên Hiệp Quốc tại Seoul chỉ điều tra những vụ chà đạp nhân quyền do giới lãnh đạo Bình Nhưỡng thực hiện, chứ không nhắm vào người dân ở Bắc Triều Tiên.
"Mục đích của những hoạt động của văn phòng này là theo dõi ông Kim Jong Un và các giới chức hàng đầu, những người chà đạp nhân quyền của người dân Bắc Triều Tiên. Dân chúng Bắc Triều Tiên nên biết là những hoạt động của văn phòng này không phải là để đàn áp hay cô lập họ."
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hồi tháng trước cho biết Bắc Triều Tiên cũng đã gây bất mãn cho hai nước đồng minh của họ là Trung Quốc và Nga qua việc bác bỏ những đề nghị của hai nước này là mở lại cuộc đàm phán để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm đổi lấy những sự trợ giúp nhân đạo và tài trợ phát triển.
Năm 2013, Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ ba.
Viện trợ lương thực của quốc tế, nhất là của Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ, cũng đã giảm mạnh.
Trong lúc Liên Hiệp Quốc tìm cách gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên chấm dứt những vụ vi phạm nhân quyền, Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước cung cấp 100 triệu đô la viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên. Quốc gia Cộng Sản này đang trải qua một cơn hạn hán nghiêm trọng có thể làm cho hàng triệu người dân ở đây lâm vào tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng.