Bắc Triều Tiên hôm nay phóng thích hai công dân Nam Triều Tiên bị bắt sau khi lẻn vào miền Bắc hồi tháng trước. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, Bình Nhưỡng thực hiện hành động dường như có tính chất hoà giải này sau khi cho biết họ muốn mở lại cuộc đàm phán hoà bình với Seoul.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất của Nam Triều Tiên, bà Park Soo Jin, sáng nay cho biết Bắc Triều Tiên đã trả lại hai người Nam Triều Tiên mà họ nói đã nhập cảnh trái phép vào Bắc Triều Tiên thông qua biên giới Trung Quốc vào ngày 11 tháng 5.
Nữ phát ngôn viên này nói rằng chính phủ đã tiếp nhận 2 người Nam Triều Tiên vào lúc 10:15 sáng thứ tư tại làng đình chiến Bản Môn Điếm trong khu phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên.
Bộ Thống nhất không cho biết chi tiết nào về động cơ của vụ phóng thích này và lý lịch của 2 người được thả. Họ chỉ nói rằng chính phủ sẽ điều tra về việc hai người này đã vào Bắc Triều Tiên bằng cách nào.
Nhiều người suy đoán hai người Nam Triều Tiên này là những nhà truyền đạo Cơ đốc giáo. Các hoạt động tôn giáo bị hạn chế dưới chế độ độc tài áp bức ở Bắc Triều Tiên. Trong quá khứ, nhiều nhà truyền giáo đã bị bắt vì vi phạm một lệnh cấm truyền đạo hoặc vì điều mà Bắc Triều Tiên cho là phạm tội chống nhà nước. Một số người đã được thả về nước sau khi có sự thỉnh cầu của thân nhân hoặc của những nhân vật nổi tiếng của nước họ.
Thứ hai vừa qua, Bắc Triều Tiên đã thông qua Hội Hồng Thập Tự để thông báo cho Nam Triều Tiên là họ sẽ thả hai người nay. Họ không cho biết thông tin nào về 4 người Nam Triều Tiên khác đang bị giam, trong đó có 2 người thú nhận làm gián điệp cho miền Nam và một sinh viên 21 tuổi theo học tại Đại học New York và có quyền cư trú ở Mỹ.
Vụ phóng thích này diễn ra vài ngày sau khi Bình Nhưỡng lập lại ý muốn mở lại cuộc đàm phán với Nam Triều Tiên, với điều kiện Seoul đồng ý tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự với Mỹ và cấm các nhân vật tranh đấu ở Nam Triều Tiên thả bong bóng tuyên truyền sang miền Bắc.
Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia cuộc đàm phán song phương mà không có điều kiện tiến quyết nào.
Nam Triều Tiên cũng cùng với Hoa Kỳ yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện những hành động cụ thể để chấm dứt chương trình hạt nhân trước khi các cuộc thương thuyết quốc tế có thể được xúc tiến. Họ hô hào cho việc gia tăng áp lực ngoại giao và chế tài Bắc Triều Tiên cho tới khi nào giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đáp ứng yêu cầu đó.
Ông Kim Yong Hyun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk, cho rằng trên cấp độ quốc tế dường như không có không gian để thoả hiệp vì tất cả các bên đều kiên quyết giữ nguyên lập trường của mình, nhưng vụ phóng thích tù nhân này có thể mang lại một cơ hội để cải thiện các mối quan hệ Liên Triều.
Giáo sư Kim nói rằng vụ phóng thích tù nhân tự nó không phải là một sự tiến bộ giữa hai miền Triều Tiên, nhưng nó có thể là một chất xúc tác để giúp giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ Liên Triều.
Giáo sư Kim cho rằng Seoul nên có những đáp ứng tích cực, như chấm dứt những biện pháp chế tài kinh tế mà họ đã áp dụng vào năm 2010 sau khi Bắc Triều Tiên bắn chìm một chiến hạm của miền Nam, làm cho 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên thiệt mạng. Ông cũng đề nghị Nam Triều Tiên cố gắng thực hiện lại những cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.
Ông Kim cho rằng những nỗ lực đó gộp chung lại sẽ góp phần xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai chính phủ.
Hồi đầu tuần này, một tổ chức nghiên cứu có tên Nhóm Khủng hoảng Quốc tế phổ biến một bản phúc trình về tình hình bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia của tổ chức này tán thành “chính sách ngăn chận và răn đe” hiện nay nhắm vào Bình Nhưỡng, nhưng họ cũng hối thúc Nam Triều Tiên thiết lập điều họ gọi là “những kênh gioa tiếp mới để tạo ra những thay đổi tuần tự trong xã hội ở Bắc Triều Tiên.”
Phúc trình này cũng hối thúc Seoul, Washington và các nước đồng minh hỗ trợ cho những hoạt động xã hội dân sự, như các chương trình giao lưu về giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học và thể thao với Bắc Triều Tiên.