Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên lên án đề nghị về di sản UNESCO của Nhật


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thường tới đền thờ cầu nguyện cho các tử sĩ Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thường tới đền thờ cầu nguyện cho các tử sĩ Nhật Bản.

Trong khi chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Nam Triều Tiên vào Chủ Nhật này có thể là một dấu hiệu cho thấy hai lân quốc đang cố gắng xoa dịu căng thẳng về những hành động tàn ác thời Thế chiến thứ hai, một số nhà lập pháp tại Seoul tiếp tục giữ lập trường cứng rắn chống lại Nhật Bản. Nỗ lực lưỡng đảng mới nhất tại Quốc Hội ở Seoul nhằm lên án Nhật Bản là một nghị quyết với ý định ngăn Tokyo thêm bất kỳ địa điểm nào có liên hệ với quá khứ quân phiệt của họ vào danh sách các Di sản Văn hóa Thế giới.

Ông Lee Won-wook, một đại biểu Quốc hội thuộc đảng đội lập Liên minh Chính trị Mới đòi Dân chủ đã bảo trợ một nghị quyết lên án và ngăn chặn đơn của Nhật Bản đệ trình lên UNESCO.

Ông nói họ xác định mưu toan của chính phủ Nhật Bản thêm vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO như một hành động khiêu khích và họ cực lực lên án việc này.

UNESCO, tức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, dự trù sẽ đưa ra một quyết định trong tháng này về yêu cầu của Nhật Bản đề nghị thêm 23 địa điểm lịch sử vào Danh sách Di sản Thế giới. Trong những địa điểm này có những mỏ than, những công trình thép và những xưởng đóng tàu thể hiện cách thức Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên đi vào kỷ nguyên công nghiệp tiên tiến từ năm 1850 đến năm 1910.

Cố ý bóp méo lịch sử

Nam Triều Tiên và Trung Quốc phản đối đề nghị của Nhật Bản và nói rằng họ cố ý bóp méo lịch sử sau năm 1910 qua việc làm ngơ trước những vụ vi phạm nhân quyền xảy ra tại một số trong những địa điểm này trong thời kỳ quân đội Nhật chiếm đóng và bảo hộ phần lớn châu Á.

Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên nói 7 trong số 23 địa điểm được điều hành như những trại cưỡng bức lao động nơi trên 57.000 người Triều Tiên đã làm việc và 94 công nhân đã chết trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945.

Ông Lee Yi-jae, một thành viên của đảng cầm quyền Saenuri tại Quốc Hội ủng hộ nghị quyết như một phương tiện làm áp lực với các nhà lãnh đạo ở Tokyo phải đối mặt với lịch sử của họ và đền bù cho những hành vi tàn ác và vi phạm trước đây. Ông nói đó là một nỗ lực để biện minh hay làm đẹp cho một quá khứ xấu xa.

Xung đột về đề nghị với UNESCO là vụ xung đột mới đây nhất bùng ra giữa Tokyo và Seoul có liên quan đến những nỗ lực ở Nhật Bản được cho là nhằm hạ giảm tầm quan trọng của những tội ác chiến tranh trước đây.

Vấn đề 'an úy phụ'

Có lẽ nổi bật nhất trong những hành vi tàn ác mà binh sĩ Nhật Bản đã vi phạm trong mắt của người Triều Tiên là việc đối xử với các "an úy phụ". Từ này đề cập đến hàng ngàn phụ nữ bị ép buộc hành nghề mại dâm làm việc trong những ổ điếm dành cho quân đội từ đầu thời kỳ đô hộ Nhật Bản cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ hai.

Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2013, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye đã từ chối hội kiến riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bà yêu cầu nhà lãnh đạo Nhật trước hết phải giải quyết trực tiếp vấn đề an úy phụ và đưa ra lời xin lỗi chân thành về những xúc phạm thời chiến.

Cho đến nay, Thủ tướng Abe đã từ chối không chịu xin lỗi, nhưng ông đã nói sẽ tôn trọng những phát biểu của các nhà lãnh đạo trước đây đã đưa ra những lời tạ lỗi về hành vi sai trái của Nhật Bản trong thời chiến. Ông cũng đã khơi ra tranh cãi khi ông đi thăm một ngôi đền Thế chiến thứ hai trong đó có một số tội phạm chiến tranh Nhật Bản được thờ phượng.

Tuy nhiên mới đây, Tổng thống Park nói trong một cuộc phỏng vấn rằng một sự giải quyết với Nhật Bản về những vấn đề lịch sử có thể sắp đạt được. Điều này đã dẫn tới tin đồn là một thỏa hiệp nào đó đang trong giai đoạn phát triển và có thể được cả hai bên chấp nhận. Thủ tướng Abe dự trù đề cập đến vấn đề này trong một bài diễn văn ông sẽ đọc vào tháng 8 nhân kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai.

Chuyến đi Tokyo của Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Byung-se, là chuyến thăm cấp cao đầu tiên từ 4 năm nay, cũng nâng cao thêm những hy vọng. Trong khi ở Nhật Bản, ông sẽ gặp đối tác phía Nhật Bản và dự một buổi lễ ngày thứ hai đánh dấu kỷ niệm một hiệp định năm 1965 bình thường hóa quan hệ song phương.

Những người chỉ trích Nhật Bản tại Quốc hội Nam Triều Tiên, như ông Lee Yi-jae thuộc đảng Saenuri, đang kêu gọi ngoại trưởng Nam Triều Tiên có lập trường vững chắc về những khiếu nại lịch sử này và cụ thể là yêu cầu của Nhật Bản với UNESCO.

Hai lân quốc Đông bắc Á châu đang tranh luận về quyền sở hữu một dãy đảo nhỏ gọi là Dokdo ở Triều Tiên và Takeshima ở Nhật Bản.

Quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh của Hoa Kỳ đang gây khó khăn cho sự hợp tác an ninh khu vực nhằm chống lại những mối đe dọa tiềm tàng từ phía Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG