Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả đài VOA Nguyễn Thị Thúy Vân, ở Long Anh, gửi câu hỏi thắc mắc về bệnh da cứng cục bộ.
Thính giả Nguyễn Thị Thúy Vân hỏi như sau:
“Chào Bác sĩ,
Con tên là Nguyễn Thị Thúy Vân, năm nay con 25 tuổi, ở Long An. Từ nhỏ đến lớn con mắc phải một căn bệnh mà không bác sĩ nào biết đó là bệnh gì, và cách chữa trị ra sao? Sau đây con xin trình bày về căn bệnh của con và con nhờ Bác sĩ tìm phương pháp chữa trị giúp con.
Bệnh của con bắt đầu thấy rõ lúc con 4 tuổi, vùng da cổ của con nổi những hạt nhỏ. Mẹ con nhìn vào cứ nghĩ con bị sẹo do ngứa gãi. Thế là cho qua luôn chứ không có đi trị. Nhưng lâu ngày vết ở cổ ngày càng lan rộng ra làm da con rất xấu, da cổ của con nhăn lại đặc biệt là trong 4 năm gần đây nó phát triển rất nhanh, nổi lan cả vùng da cổ, vùng bẹn, 2 bên nách nhưng không có cảm giác ngứa ngáy gì hết, sức khỏe của con rất bình thường. Con đã đi khám rất nhiều bệnh viện ở Sài Gòn nhưng vẫn không có bác sĩ trị được. Con thử máu thì máu huyết con vẫn bình thường. Lúc đầu con khám tại Bệnh viện da liễu nhưng bác sĩ chỉ bảo là bệnh lạ rồi bán cho con thuốc uống, con xem thì chỉ toàn vitamin. Sau đó con đi khám tại bệnh viện Đại học Y dược, bác sĩ bảo con bị u vàng nhưng không chữa trị được. Rồi mọi người chỉ con đi rất nhiều nơi để tìm cách chữa trị nào là bác sĩ đông y, con cũng uống thuốc ở đó khoảng 3 tháng nhưng vẫn không tiến triển gì. Sau đó con uống thuốc bắc gần 1 năm, uống 4 tháng thuốc nam nhưng bệnh vẫn không giảm. Theo thời gian mà da của con càng rạn sần lên. Trong thời gian gần đây, vùng da dưới cằm của con lại xuất hiện mụn, con nặng thử thì nó ra như ké vậy, càng nặng thì mụn càng ra và nó nhảy đỏ quanh đó. Con hỏi thì bác sĩ bảo đó là mụn thịt, rồi cho thuốc về tắm và sức nhưng vẫn không hết. Trong năm nay con vẫn uống thuốc tại bệnh viện da liễu của thành phố nhưng vẫn vậy. Con rất sợ nó lan lên mặt con mà con không biết nơi nào để điều trị.
Con mong Bác sĩ tìm phương pháp chữa trị giúp con, con chờ sự hồi âm của bác sĩ trong thời gian gần nhất.
Con cảm ơn Bác sĩ nhiều và chúc bác sĩ vui khỏe ạ!”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Chúng ta không thể định bệnh căn cứ trên một câu hỏi của bệnh nhân. Cũng như mọi khi, tôi xin nhân tiện trình bày một vấn đề có thể có những điểm trùng hợp với trường hợp nêu ở đây, để chúng ta cùng học hỏi, và hoàn toàn có mục đích thông tin. Ngoài ra đây là một trường hợp đã có nhiều chuyên gia cố gắng giải quyết mà không tìm ra lời giải đáp, chúng ta lại cần phải dè dặt hơn nữa. Tôi xin bàn đến bệnh morphea, một bệnh ngoài da trẻ em rất hiếm, và có một số điểm có thể giống trường hợp nêu ra ở đây, như da giống với vết gãi, không ngứa, san thương giống như vết thẹo, sức khoẻ tổng quát vẫn tốt và khó định bệnh.
Bệnh morphea (gốc morph=hình dạng, form, có lẽ do hay bệnh có nhiều dạng khác nhau, hay trong một số trường hợp bệnh có thể gây biến dạng cơ thể bệnh nhân) là một bệnh trong đó mô da, hay mô dưới da bình thường bị thay thế bởi mô liên kết, làm cho xuất hiện những mảng (patches), những dải (bands), hay những đường vết cứng, chắc, màu trắng, ngà.
Bệnh này còn gọi là bệnh da cứng cục bộ (localized scleroderma). Scleroderma: [sclero: cứng, derma=da], bệnh làm da cứng, bóng như da đã bị thuộc. Tuy nhiên khác với bệnh systemic sclerosis (xơ cứng toàn hệ thống) hay còn gọi là scleroderma của người lớn, trong bệnh morphea hay localized scleroderma, da chỉ cứng ở một số nơi rải rác, và quan trọng hơn hết, không có những biến chứng nội tạng, và nói chung ít ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng quát của bệnh nhân.
Đây là một bệnh rất hiếm. Chừng một triệu người mới có một trường hợp, con gái bị nhiều gấp 3 - 4 con trai. Người ta chưa hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, chúng ta chỉ biết có thể chất collagen được sản xuất quá nhiều trong da, và có yếu tố tự miễn nhiễm (hệ phòng thủ cơ thể bị rối loạn và sinh ra những kháng thể chống lại tế bào của chính cơ thể mình). Có thể có yếu tố di truyền trong gia đình.
Triệu chứng:
Đa số bệnh bắt đầu sớm, trung binh khoảng 9 tuổi, tiến triển trong 5-7 năm rồi ngưng, nhưng cũng có những trường hợp kéo dài hơn.
Thường ngoài triệu chứng da, bệnh nhân vẫn khoẻ, thử máu không thấy gì, trừ trường hợp có những dấu hiệu của bệnh tự miễn nhiễm như đau khớp, tuyến giáp trạng lớn (Hashimoto thyroiditis), và thử máu có kháng thể loại autoantibodies (ANA: antinuclear antibodies trong chừng 40% trường hợp).
Morphea có thể giới hạn trong một vùng cơ thể (circumscribed morphea): các mảng da rộng chừng vài centimét, hình tròn hay hình trứng, lúc đầu đỏ hay tím do viêm, có ranh giới rõ rệt, trên thân mình, hiếm hơn ở tay chân, hay càng hiếm hơn nữa thì ở mặt (erythematosus, inflammatory phase). Sau đó trở nên cứng, bớt đỏ, với viền viêm đỏ bao chung quanh (sclerotic, indurated phase). Kế tiếp, mảng da mềm đi, teo lại, mất màu thành đốm trắng, hoặc có màu đậm hơn vùng chung quanh, trông giống như sẹo của một vết phỏng cũ (softening and dermal atrophy phase).
Có khi những vết giống như giọt nước (guttate morphea), như thẹo lồi (keloid morphea), hay thành những vùng da nâu đậm, mỏng và lõm (atrophoderma).
Morphea có thể nhiều mảng (plaques) hơn, nằm trên hai vùng cơ thể hoặc nhiều hơn (generalized morphea).
Ngoài ra còn có loại chạy theo hình một dải dài làm teo, co rút tay chân, hay các ngón tay chân (linear morphea), loại như bong bóng nước, loại ăn sâu vào dưới da, đến tận xương, loại hình dạng như vết chém trên mặt hay trên da đầu đã thành sẹo (“coup de sabre”).
Trị liệu:
Dạng da cứng "cục bộ"(localized scleroderma) thường không gây những biến chứng toàn thân (systemic manifestations) như bệnh da cứng ở người lớn. Phụ huynh cần được giải thích về vấn đề này để tránh lo sợ thái quá. Nếu là da cứng "giới hạn" (circumscribed scleroderma), vài đốm da nhưng bệnh nhân vẫn khoẻ, có lẽ chỉ cần thoa kem dưỡng da (lotion), hay hydrocortisone cream 1% cho đỡ khô, ngứa. Nếu da khô, nứt nẻ có thể cần thoa kem, vaseline cho đỡ khô, hay dùng kháng sinh thoa lên để chống nhiễm trùng.
Trường hợp da cứng từng dải (bands), từng vệt dài (linear) ảnh hưởng đến khớp xương, làm co rút, hay ảnh hưởng đến tăng trưởng của thượng chi hay hạ chi (extremities) có thể cần đến vật lý trị liệu, massage, hay dùng những thuốc mạnh như methotrexate hay corticoid ( prednisone) để ngăn chặn hiện tượng tự miễn nhiễm.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.