Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả đài VOA Văn Anh, du học sinh tại Mỹ, gửi câu hỏi thắc mắc về chứng nghẹt mũi.
Thính giả Văn Anh hỏi như sau:
“Kính gởi Bác sĩ,
Cháu xin hỏi về vấn đề khó thở ở mũi.
Cháu năm nay 18 tuổi, và đang học tập tại Mỹ. Dạo khoảng một tuần trở lại đây, cháu bị triệu chứng khó thở ở hai bên mũi. Đặc biệt là mỗi khi ngồi học, nhiều lúc cháu phải chuyển sang thở bằng miệng, cố gắng thở bằng mũi thì chỉ thêm nhức.
Cháu chưa đi khám bác sĩ, cháu có báo cho dì biết thì dì có đưa cháu một bình xịt mũi, xịt có hiệu quả được một lúc thì nó bị trở lại. Cháu có để ý thêm thì thấy lúc ngồi ăn, hay nằm vẫn bị nhưng cường độ thì không như lúc ngồi học. Cháu không bị cảm cúm hay sổ mũi gì cả, đơn giản chỉ là nghẹt mũi khó thở, và cũng không dùng các loại thuốc gì, kể cả thuốc bổ.
Vậy cháu mong bác sĩ có thể tư vấn cho cháu về vấn đề này, nguyên do và cách khắc phục.
Cháu xin cảm ơn.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Thính giả 18 tuổi, mới bị nghẹt mũi một tuần nay. Có thể nay đã hết, cũng có thể nay đã có thêm triệu chứng mới. Tôi không thể trả lời riêng cho trường hợp này được vì không đủ tin tức. Tôi chỉ xin bàn như mọi khi, về một số tin tức có thể giúp quý vị thính giả tìm hiểu về vấn đề nghẹt mũi nói chung.
Chúng ta biết rằng mũi được chia ra hai bên, bắt đầu bằng hai lỗ mũi, phải và trái. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao chúng ta có một cái lỗ miệng mà lại cần đến hai lỗ mũi. Hai lỗ mũi riêng biệt kiểm soát đường vào của không khí hữu hiệu hơn, bằng cách cho phép không khí tiếp cận với niêm mạc mũi trên một diện tích rộng lớn hơn. Diện tích này còn được gia tăng gấp bội vì trong mũi chúng ta có những mái hiên hình như những vỏ sò gọi là "turbinates", trong đó có những võng tĩnh mạch (venous sinusoids), tạo nên những xoang li ti có khả năng chứa một lượng máu khá lớn và có khả năng giãn nở (cương lên, congestion) hoặc co rút lại (teo lại, decongestion). Nhờ những mạch máu có thể co giãn này mà cơ thể có thể điều hoà độ ẩm và nhiệt độ của không khí đi qua.
Chúng ta thở vào mũi mỗi ngày chừng 10,000 đên 20,000 lít không khí. Mũi có nhiệm vụ xử lý số lượng không khí này:
- Điều hoà nhiệt độ, không lạnh quá cũng không nóng quá.
- Lọc không khí để ngăn chặn bụi bặm, các loại chất độc hại, các loại nấm, các loại vi khuẩn đi sâu hơn vảo khí quản và cuống phổi trước khi đi vào các phế nang là nơi không khí sẽ tiếp xúc trực tiếp với máu của hệ tuần hoàn trong phổi.
- Điều chỉnh độ ẩm vào không khí khô (vì dụ ở trong sa mạc, không khí từ máy sưởi mùa đông).
- Lông mũi ngăn chặn những hạt bụi bặm lớn. Những vật li ti như các vi khuẩn được những chất tiết của niêm mạc mũi giữ lại, nhờ những tế bào có lông đẩy ra phía sau họng, và bị nuốt vào bụng, bị các chất acid trong dạ dày trừ khử.
- Vi khuẩn tấn công ào ạt vào mũi qua đường không khí. Có chừng 200 vi rút gây ra bệnh cảm cúm. Ngoài ra vi khuẩn lao, ban đỏ, quai bị, strep gây viêm họng đều đi qua đường mũi.
- Một hệ thống tuyến dưới niêm mạc mũi tiết ra những chất nhớt chứa các chất kháng thể chống vi trùng.
Chúng ta nghẹt mũi và chảy mũi trong các trường hợp chính:
- Nhiễm trùng mũi hay xoang (viral rhinitis or sinusitis) thường là do siêu vi (bị cảm thường [common cold], hay bệnh cúm [influenza])
- Dị ứng mũi (allergic rhinitis)
- Polyps ("thịt dư" trong mũi, thường đi đôi với dị ứng mũi, gây ra nghẹt mũi, nhức đầu, viêm xoang)
- Viêm mũi do bất quân bình trong hệ thần kinh tự động (vasomotor rhinitis), hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic system) kích thích nhiều quá làm niêm mạc mũi nở quá nhiều. Thuộc về loại không do dị ứng (non-allergic rhinitis). Nguyên nhân có thể là:
-không khí quá khô (ví dụ xứ lạnh, mùa đông, không khí máy sưởi rất khô)
-không khí bị ô nhiễm
-uống rượu
-một số thuốc
-gia vị trong thức ăn
-cảm xúc mạnh.
-Thường thì ngồi ít bị nghẹt mũi hơn lúc nằm, vì lúc nằm máu dồn về đầu nhiều hơn. Tuy nhiên, có thể nơi mình ngồi học có những điểm khác biệt như có thể không khí mới từ máy sưởi thoát ra nên khô hơn, bụi bặm từ sách vở, máy in..vân vân có thể làm bệnh nhân nghẹt mũi nhiều hơn lúc ngồi một chỗ nào đó, khác với chỗ ngồi ăn hay phòng ngủ chẳng hạn.
Những trường hợp này, bệnh nhân được thử về dị ứng thì không tìm thấy kháng nguyên gây ra dị ứng (như phấn bông, bụi trong nhà, mites trong nhà).
Giải quyết:
- Tìm cách giữ cho chất tiết mũi đừng đặc kẹo quá, để có thể dẫn lưu (drain) dễ dàng. Uống nước nhiều, tránh làm cơ thể thiếu nước (như các thuốc lợi tiểu, hay các chất như cà phê, rượu làm đi tiểu nhiều).
- Đắp khăn nhúng nước ấm lên mặt nhiều lần trong ngày.
- Xông hơi nước nóng (từ một tô nước nóng [coi chừng phỏng], hay đứng trong phòng tắm cho vòi bông sen chảy nước nóng)
- Dùng máy phun nước (vaporize) hoặc máy tăng độ ẩm trong nhà (humidifier)
- Có thể dùng nước pha muối nhỏ vào mũi nhiều lần trong ngày. Mua ở tiệm thuốc (saline nose drops) hay tự pha lấy: 1 cup nước (8 ounces hay 240 ml) pha với 1/2 muỗng cà phê muối ăn (không có iodine), và một nhúm nhỏ baking soda, dùng 3-4 lần/ ngày.
- Nằm xuống thì thường làm mũi nghẹt hơn, có thể kê đầu cao hơn cho dễ thở.
- Có một số nẹp dán vào cánh mũi (nasal strips) để làm nở mũi ra, dễ thở hơn. Có loại vòng nhét vào phía trước mũi để nông mũi ra cho dễ thở, có dầu lavender, cho người lớn (Air essential Sleep and snore/Target).
Thuốc men:
- Decongestant làm các mạch máu trong mũi co lại. Ví dụ: pseudoephedrine (Sudafed). Những người áp huyết cao, bệnh tim, nhạy cảm dễ hồi hộp, người già, trẻ em dưới 4 tuổi, người dùng những thuốc trị trầm cảm, phụ nữ cho con bú, có thai nên tránh, hoặc hỏi ý bác sĩ của mình. Từ năm 2000, Mỹ không còn dùng Phenylpropanolamine (PPA) để dùng trong những thuốc trị cảm, nghẹt mũi vì thuốc có nguy cơ làm tăng tai biến mạch máu não ở phụ nữ. Tuy nhiên, một số nước khác vẫn dùng. Nên xem kỹ nhãn của thuốc, và cần dùng đúng liều lượng vì biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Báo Việt Nam có đăng và cảnh báo nhiều lần về các trường hợp xuất huyết mạch máu não do lạm dụng, uống quá nhiều (liều quá cao hay uống quá nhiều lần) thuốc cảm, thuốc ho, thuốc nghẹt mũi có chứa chất phenylpropanolamine. Thuốc này cũng được một số người dùng để chế biến ra xì ke (amphetamine) nên được kiểm soát khá chặt chẽ ở Mỹ.(1)
- Các chất kháng histamine (antihistamines), chống dị ứng như loratadine (Claritin), cetirizine (Zyrtec), fexofenadine (Allegra). Những thuốc như Claritin D, Zyrtec D, Allegra D có kèm chất decongestant pseudoephedrine đi đôi với chất kháng histamine.
- Thuốc xịt mũi (nasal sprays) chứa chất decongestant (vd oxymetazoline [Afrin], phenylephrine (Neo-Synephrine), hay chất corticoid (vd Nasacort) để làm giảm sưng niêm mạc trong mũi.
- Các thuốc decongestant xịt mũi không nên dùng quá 3-4 ngày liên tiếp, vì có thể làm mũi không đáp ứng với thuốc nữa, mà lại nghẹt mũi thêm do chứng rhinitis medicamentosa.
Tóm lại đa số chứng nghẹt, sổ mũi sẽ thuyên giảm trong chừng 7-10 ngày. Chỉ cần các biện pháp phụ trợ cho bệnh nhân dễ chịu hơn. Nếu nặng hơn, hay kéo dài, cần đi khám bác sĩ xem có bị nhiễm trùng thêm, dị ứng hay chuyển biến nào khác.
- http://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-nen-biet/thuoc-chua-cam-cum-co-the-gay-tai-bien-2012080710375474.htm
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.