Việt Nam muốn chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho người Việt nhập cư hội nhập và có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố trên hôm 6/12 khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ngừng trục xuất người nhập cư từ Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
XEM THÊM: Chính quyền Trump lặng lẽ ngừng trục xuất người nhập cư gốc ViệtTháng trước, báo New York Times cho biết chính quyền Trump đã lặng lẽ ngừng việc trục xuất một số người nhập cư Việt Nam – những người đã sống ở Mỹ trong nhiều năm. Chính sách này được coi là đã gây ra tranh cãi giữa Mỹ và Việt Nam cũng như dẫn tới việc một đại sứ Mỹ tại Hà Nội từ chức vào cuối năm ngoái.
Theo một thỏa thuận được ký vào năm 2008 giữa hai chính quyền cựu thù, những người Việt tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – cũng là ngày hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại – không thể bị trục xuất.
XEM THÊM: Mỹ ‘dừng’ trục xuất di dân Việt – Niềm vui dang dởNhận định về việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam từ Mỹ, bà Hằng nói việc này “được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam." Theo người phát ngôn BNG, việc tiếp nhận này “đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước.”
Mặc dù vậy, chính quyền Trump vào năm ngoái bắt đầu bắt giữ những người nhập cư từ Việt Nam đã sống lâu dài ở Mỹ và chuẩn bị trục xuất họ. Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 trong số khoảng 8.000 di dân Việt thuộc diện chờ bị trục xuất.
Theo diễn giải của chính quyền Trump đối với hiệp định ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà thỏa thuận 2008 đề cập đến. Điều này cũng đã được vị đại sứ đương nghiệm của Mỹ tại Hà Nội, Daniel Kritenbrink, khẳng định với VOA khi ông cho biết “thỏa thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995.”
Để phản đối việc phải tiếp nhận hàng nghìn người Việt bị trục xuất, đại sứ tiền nhiệm của ông Kritenbrink, Ted Osius, đã từ chức đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào tháng 10/2017.
XEM THÊM: Mỹ ‘ngưng’ trục xuất người gốc Việt, cựu đại sứ ‘tự hào’Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú Mỹ.
Trả lời phỏng vấn VOA tiếng Việt, Luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, có khoảng 125.000 người tị nạn rời khỏi Việt Nam trong một chương trình di tản do chính phủ Mỹ tài trợ, theo Viện Chính sách Di dân có trụ sở tại Washington DC. Con số thống kê của viện này cho thấy lượng người Việt nhập cư vào Mỹ đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1975 và tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ. Tính đến năm 2017, đã có hơn 1,3 triệu người Việt tới an cư ở Mỹ, chiếm 3% trong tổng số 44,5 triệu di dân trên toàn nước Mỹ.