Đường dẫn truy cập

Phụ nữ gốc Việt đầu tiên tranh cử ở Massachusetts: 'Tôi muốn cờ vàng được công nhận'


Trâm Nguyễn, một luật sư ở Massachusetts, được cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ trong tranh cử chức Dân biểu tiểu bang trong đợt bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra ngày 6/11.
Trâm Nguyễn, một luật sư ở Massachusetts, được cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ trong tranh cử chức Dân biểu tiểu bang trong đợt bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra ngày 6/11.

Trâm Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên tranh cử vào Hạ viện của tiểu bang Massachusetts với hy vọng trở thành sự kết nối giữa chính quyền và cộng đồng người Việt ở đây.

Với sự ủng hộ cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, người phụ nữ 31 tuổi từng là di dân tị nạn từ Việt Nam cho VOA biết rằng cô đang có nhiều cơ hội để giành chiến thắng trong kỳ bầu cử giữa kỳ vào ngày 6/11.

Cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo trong 8 năm. Tôi thực sự coi trọng cờ vàng với 3 sọc đỏ. Vì vậy tôi rất muốn giúp đỡ trong việc thúc đẩy các nỗ lực để lá cờ đó được công nhận là cờ chính thức của cộng đồng người Việt ở Massachusetts.
Trâm Nguyễn, ứng cử viên dân biểu tiểu bang Massachusetts

Nếu chiến thắng, cộng đồng người Việt sẽ có một đại diện tại Hạ viện tiểu bang để giúp lên tiếng cho họ về nhiều vấn đề, theo ứng cử viên đảng Dân chủ đại diện cho Quận 18 Essex. Cô cũng hy vọng sẽ có cơ hội thúc đẩy nỗ lực để “cờ vàng ba sọc đỏ” của chính quyền miền Nam Việt Nam được chính thức công nhận tại tiểu bang này.

Từ một người tị nạn…

Trâm Nguyễn tới Mỹ cùng gia đình năm 1992 khi mới 5 tuổi. Gia đình cô được đón nhận tại thành phố Lawrence của Massachusetts như những người dân tị nạn chính trị. Tuy nhiên cô đã có được một nền giáo dục tốt và trở thành một luật sư. Và giờ đây cô muốn làm điều gì đó để trả ơn cho cộng đồng.

Sau khi tốt nghiệp trường Luật Northeastern, Trâm Nguyễn trở thành một luật sư của công ty Luật Greater Boston Legal Services nơi cô giúp đỡ về mặt pháp lý cho nhóm người dễ bị tổn thương.

Với ước muốn được phục vụ cho cộng đồng sở tại nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng, vị luật sư này đã quyết định tranh cử vào Hạ viện tiểu bang.

“Một trong những nguyên nhân vì sao tôi quyết định tranh cử là khi trong hai năm liền tôi đã phải tìm cách gặp người đại diện của tôi để thảo luận về những dự luật mà tôi đang xây dựng," Luật sư Trâm cho biết. "Chúng tôi có nhiều thân chủ là những người dễ bị tổn thương gồm người già, cựu chiến binh, người tàn tật, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, trẻ em và nhiều hơn nữa. Khi giúp họ tại tòa án, tôi đã tham gia vào việc vận động cho lập pháp. Điều đó có nghĩa là tôi cùng xây dựng những dự luật cho Hạ viện của tiểu bang để nâng cao chất lượng cuộc sống của các thân chủ của tôi. Tôi tìm cách gặp đại diện ở Hạ viện để giải thích tại sao những dự luật này quan trọng đối với tôi. Nhưng ông ấy từ chối.”

Lúc đó – tháng 12/2017 – Trâm Nguyễn không nghĩ đến tranh cử nhưng vì điều đó nên cô đã quyết định muốn trở thành người đại diện cho tiếng nói của người dân tại Hạ viện tiểu bang.

“Tôi muốn trở thành người có thể dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng gặp mặt hơn đối với tất các cử tri, tất cả mọi cử tri chứ không chỉ những người đồng thuận với mình. Đó là vì sao tôi ra tranh cử.”

Đối thủ của Trâm Nguyễn là Dân biểu tiểu bang của đảng Cộng hòa Jim Lyons người mà cô cho là có mọi quan điểm khác biệt với cô.

“Tôi muốn có được sự an toàn cho các gia đình và con em chúng ta an toàn khỏi bạo lực súng ống trong khi đối thủ của tôi thì 93% ủng hộ NRA. Tôi ủng hộ việc xem nạn opioid, hiện đang ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống ở Mỹ, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng và muốn tập trung đầu tư vào các chương trình điều trị lâu dài trong khi đối thủ của tôi tập trung vào việc hình sự hóa nó và chúng ta biết là cuộc chiến chống ma túy không thành công chút nào. Chúng ta cần coi nó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng để chúng ta có cách tiếp cận tốt hơn.”

Tới ứng cử viên được TT Obama ủng hộ

Mặc dù đây là lần đầu tiên ra tranh cử vào cơ quan lập pháp nhưng Trâm Nguyễn đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cựu Tổng thống Barack Obama và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cùng hơn 70 tổ chức và các giới chức chính quyền tiểu bang.

Viết về sự ủng hộ của mình đối với Trâm Nguyễn và những ứng cử viên Dân chủ khác, cựu Tổng thống Obama nói rằng họ “không chỉ tranh cử chống lại một điều gì đó mà còn cho một điều gì đó – để mở rộng khả năng cho tất cả mọi người chúng ta và khôi phục phẩm giá, lòng tự hào, và lòng trắc ẩn đối với việc phục vụ cộng đồng.”

Giải thích lý do vì sao được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Clinton, Trâm Nguyễn cho biết vì cô ủng hộ những giá trị mà họ đã và đang theo đuổi.

“Chúng tôi tranh cử để xây dựng một đất nước, một cộng đồng cho tất cả mọi người và chào đón mọi người. Và chúng tôi tranh cử vì một nền kinh tế tốt cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ cho những người giàu. Chúng tôi tranh cử để đảm bảo rằng những gia đình công nhân có chất lượng cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng. Đây là những điều mà tôi cùng có chung với cựu tổng thống (Obama) và cựu ngoại trưởng (Clinton) bởi vì chúng tôi muốn xây dựng một nước Mỹ đấu tranh cho ý tưởng để trở thành người lãnh đạo thế giới trong việc chấp nhận những sự khác biệt và tôn vinh những sự khác biệt đó.”

Kể từ đầu tháng 4, LS Trâm Nguyễn đã dành toàn thời gian của mình đến gõ cửa từng nhà từ sáng đến tối để nói chuyện với các cử tri để đảm bảo rằng họ nhận được những thông điệp của cô.

Với hàng trăm tình nguyện viên tham gia giúp đỡ chiến dịch vận động tranh cử cùng sự ủng hộ to lớn ở cả mức độ quốc gia tới địa phương, nữ luật sư này nói cô có cơ hội lớn để chiến thắng.

Là một người phụ nữ gốc Việt, Trâm Nguyễn nói nếu được bầu cô sẽ trở thành tiếng nói đại diện của họ tại Hạ viện tiểu bang và đặc biệt là giúp những nỗ lực vận động cho lá cờ vàng được công nhận.

“Cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo trong 8 năm. Tôi thực sự coi trọng cờ vàng với 3 sọc đỏ. Vì vậy tôi rất muốn giúp đỡ trong việc thúc đẩy các nỗ lực để lá cờ đó được công nhận là cờ chính thức của cộng đồng người Việt ở Massachusetts.”

Có hơn 100 thành phố ở Mỹ công nhận lá cờ vàng của chính quyền Nam Việt Nam là cờ chính thức của cộng đồng người Việt nhưng lá cờ đỏ sao vàng của chính phủ Việt Nam vẫn chính thức được chính phủ Mỹ công nhận.

LS Trâm Nguyễn là một trong số nhiều người Mỹ gốc Việt đang tranh cử vào ngày 6/11. Cô nói rất tự hào vì có nhiều người gốc Việt tranh cử để ủng hộ cho những gì mà họ tin vào.

“Chúng tôi sẽ tổ chức một đêm xem bầu cử để cùng chờ kết quả," LS Trâm nói. "Tôi hy vọng nó sẽ là một bữa tiệc chiến thắng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG