“Đó có phải tin tốt không anh?”
Đây là phản ứng đầu tiên của Chí, một người Việt nằm trong diện trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ, khi được phóng viên VOA Tiếng Việt hỏi ý kiến về quyết định mới đây của chính quyền TT Trump, tạm ngưng trục xuất những người Việt tới Mỹ trước năm 1995.
Trước đó, tờ New York Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ Katie Waldman xác nhận việc trục xuất với những người gốc Việt hiện không còn được phía Hoa Kỳ ‘tập trung cao độ’ nữa.
Theo biên bản phán quyết hôm 18/10 của thẩm phán Cormac J. Carney thuộc toà án liên bang khu vực California, đại diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận đã kí một thoả thuận mới với Việt Nam hồi tháng 8, mà theo đó, việc trục xuất người Việt tới Mỹ trước năm 1995 “không thể đoán định một cách hợp lý”.
Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 cho tới 8.000 người Việt thuộc diện chờ trục xuất. Rất nhiều người trong số này đã bị tước tình trạng thường trú nhân do phạm pháp.
Chí là một trong số đó. Anh bị cảnh sát bắt vì tàng trữ cần sa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhờ vào một thoả thuận ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước 1995 như anh không phải đối mặt với nguy cơ bị đưa trở lại Việt Nam.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, phía Hoa Kỳ đã diễn giải lại thoả thuận này, cho rằng những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà bản ghi nhớ năm 2008 đề cập đến. Điều này cũng được Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink khẳng định với VOA Tiếng Việt:
“Thoả thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995, nó vạch ra một qui trình để xử lí những người này. Còn với những người đến trước năm 1995, thoả thuận này không hề đề cập đến.”
Thoả thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995, nó vạch ra một qui trình để xử lí những người này. Còn với những người đến trước năm 1995, thoả thuận này không hề đề cập đến.Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink
Kể từ đó tới nay, chỉ trong vòng hai năm, anh Chí đã bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giam tới ba lần để chờ trục xuất.
“Lần đầu mình vô năm tháng rưỡi, rồi mình ra ba tháng, xong mình lại vô đó ba tháng, sau đó lại được thả, rồi bốn tháng sau lại bị bắt lại, là ba lần như vậy,” anh Chí cho biết.
Những lần vào tù ra khám liên tục trong một thời gian ngắn khiến cuộc sống của gia đình anh, gồm vợ và một người con sáu tuổi mắc chứng tự kỉ, bị đảo lộn hoàn toàn.
Theo qui định của chính phủ Hoa Kỳ, những người không có quốc tịch Mỹ phạm các tội đại hình, sẽ bị sở Di trú tạm giam để chờ trục xuất. Việc tạm giam này không mang tính trừng phạt, mà để chờ phía quốc gia tiếp nhận, trong trường hợp này là Việt Nam, đồng ý cấp giấy phép thông hành cho những người bị Mỹ trục xuất.
Chính vì vậy, quyết định dừng trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp cơn ác mộng của anh Chí tạm thời chấm dứt, để anh có thể đi xin giấy phép lao động, tiếp tục làm việc nuôi gia đình. Đây rõ ràng là một tin tốt đối với những người như anh, cũng như với 28 di dân người Việt còn đang bị giam giữ tại các trại tạm gia của sở di trú. Nhưng …
Tất cả chỉ là tạm thời
Động thái tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 của chính phủ Hoa Kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú.
Trong biên bản được viết bởi thẩm phán Cormac J. Carney, phía chính phủ Hoa Kỳ cho biết đã bắt đầu phóng thích số di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 hiện bị tạm giam, bởi không có khả năng trục xuất những người này trở về Việt Nam trong một tương lai “có thể đoán định”.
Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây, đó chính là chỉ một vài tháng trước, đại diện phía bị đơn – tức chính phủ Hoa Kỳ, còn khẳng định, Việt Nam sẽ nhận số di dân này, chiếu theo một thoả thuận vào giữa năm 2017.
Điều này cho thấy tương lai của những người Việt trong diện bị trục xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào những thoả thuận giữa chính phủ hai nước, và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Thẩm phán Cormac J. Carney cũng cho biết "Chính quyền không thừa nhận rằng họ đã vi phạm các quyền Hiến pháp của các cá nhân này khi giam giữ họ và biết rằng họ không thể và sẽ không được trở về Việt Nam. Chính quyền dứt khoát bảo lưu quyền tái giam giữ tất cả những người đã thả ra gần đây".
Vậy tức là anh Chí có thể sẽ bị Sở Di trú Mỹ bắt giữ … lần thứ 4, nếu Việt Nam nối lại và đẩy nhanh việc tiếp nhận những di dân phạm pháp trở về nước.
Tương lai nào cho những người “vô tổ quốc” ?
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
“Cái này là họ (chính phủ Mỹ) chỉ tạm đổi cái xu hướng của họ thôi và không có gì cố định cả,” luật sư Khanh nói thêm.
Cái này là họ (chính phủ Mỹ) chỉ tạm đổi cái xu hướng của họ thôi và không có gì cố định cảLuật sư di trú Khanh Phạm
Còn theo cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ từ California, những di dân người Việt trong diện trục xuất như anh Chí không nên tiếp tục trông đợi vào thoả thuận kí năm 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông, bản ghi nhớ này không thể bảo vệ được những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi nguy cơ bị trục xuất.
“Cái memorendum (bản ghi nhớ) 2008 nó không có áp dụng, đề cập, nói gì tới cái nhóm người tới trước năm 1995 hết. Nếu mà hiểu là nó bảo vệ những người đó khỏi bị trục xuất là hoàn toàn trật lất. Hiểu như vậy là hiểu sai,” ông Phan Quang Tuệ chia sẻ.
Và thực tế cũng cho thấy, khi cần thiết, chính phủ hai phía Việt-Mỹ có thể thay đổi nội dung thỏa thuận, nhằm phù hợp với lợi ích tại từng thời điểm của mỗi bên.
Vị cựu thẩm phán có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực di trú, cả hành pháp lẫn tư pháp này cho biết, gần như không có cách nào để hoàn toàn loại bỏ khả năng những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 bị trục xuất; nhưng nếu cộng đồng người Việt đoàn kết và có một lãnh đạo đủ mạnh có thể tác động một cách “mềm mỏng” tới các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ, thì cuộc sống của những người thuộc diện bị trục xuất có thể sẽ dễ thở hơn.
Và quan trọng hơn, một thái độ cảm thông và bao dung của cả cộng đồng có thể giúp những người như anh Chí có thể yên tâm làm việc nuôi sống gia đình khi mà “lưỡi gươm” trục xuất vẫn lơ lửng kề ngay cổ.