Bà Huyền Trần sang Úc vào năm 2011. Bà giải thích lý do rời Việt Nam là do bị “bức hại tôn giáo, sau một chiến dịch đàn áp của chính quyền Việt Nam.” Tuy nhiên vì bà đến Úc bằng thuyền nên bị liệt vào thành phần nhập cảnh bất hợp lệ, và chiếu theo luật hiện hành -vốn đã bị siết chặt gần đây, cô Huyền Trần sẽ bị trục xuất về nước. Nếu bị trục xuất, người phụ nữ này sẽ phải chia tay cùng chồng và con nhỏ, chỉ mới 6 tháng tuổi.
Hoàn cảnh người mẹ Việt Nam có nguy cơ bị chia cắt với đứa con mới sinh đã thu hút sự chú ý của nhiều người quan tâm cũng như của các tổ chức bênh vực người tị nạn tại Úc. Hôm thứ Hai 1/10/2018, những người ủng hộ trong đó có một số chính khách địa phương như Gavin Marshall, thượng nghị sĩ đại diện Đảng Lao Động tại quốc hội tiểu bang Victoria, và bà Trần Việt Hương, Thượng nghị sĩ Úc gốc Việt đại diện cho Đảng Xanh tại Khu vực Miền Tây bang Victoria, đã góp tiếng cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo trước tòa án liên bang để hối thúc Bộ Nội vụ xét lại trường hợp bà Huyền Trần. Trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất có bà Lucy Honan thuộc Nhóm Hành động Hỗ trợ Người Tị nạn. (Refugee Action Collective).
Chồng của bà Huyền là Paul, một chuyên viên cơ khí gốc Trung Quốc đến từ đảo Mauritius. Paul không phải là công dân Úc nhưng được sang Úc làm việc với visa 457 - dành cho những người có tay nghề hoặc kỹ năng cần thiết tại Úc.
Linh mục Peter, người hướng dẫn tinh thần của Huyền Trần, cũng góp tiếng hậu thuẫn lời kêu gọi của Giám mục Vincent Long- cai quản giáo phận Paramatta ở bang New South Wales, hối thúc Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton hãy phóng thích Huyền Trần và đứa con 6 tháng tuổi của bà, đồng thời cho phép hai mẹ con thường trú vĩnh viễn ở Úc “vì lý do nhân đạo.”
Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Dutton, Đức Giám mục Vincent Nguyễn văn Long, viết:
“Như Bộ trưởng đã biết, nhiều người Công giáo vẫn bị đàn áp ở Việt Nam. Huyền Trần đã chạy trốn đàn áp vào năm 2011. Nhưng vì bà đến Úc bằng thuyền nên không được cho cơ hội làm đơn xin được bảo vệ qua quy chế tị nạn.”
Những người khác bênh vực bà mẹ trẻ nói trường hợp của Huyền cần được tái xét. Được biết hồi tháng Giêng năm nay, Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) đã trục xuất bà Huyền tuy nhiên lúc đó bà đã có bầu 8 tháng, và trong một diễn biến đầy kịch tính, một nữ điều dưỡng viên đã can thiệp để chặn đứng lệnh trục xuất trong khi bà Huyền đã có mặt trên máy bay.
Từ đó cho tới nay, bà Huyền bị cầm giữ tại trung tâm tạm giam ở Broadmeadows, một vùng ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria.
Vào tháng Ba năm nay, bà Huyền sinh con gái, đặt tên là Isabella, trong trại tâm giam. Bé Isabella trên giấy tờ được ghi là “vô tổ quốc”, lệ thuộc vào visa 457 của cha, là Paul, một người gốc Trung Quốc đến từ đảo Mauritius.
Nếu họ không phải là người tị nạn thì cũng phải cứu xét đàng hoàng chứ không thể đẩy họ về Việt Nam như vậy. Biết đâu trong số những người này có những người thực sự bị tù đày, đang trốn chạy và không thể nào đi qua các cửa khẩu một cách ngang nhiên.”Phó Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria Nguyễn Thế Phong
Bà Lucy Honan, thuộc Nhóm Hành động Hỗ trợ người Tị nạn (Refugee Action Collective) nói:
“Bộ trưởng Peter Dutton không cần có phán quyết của tòa án để chặn đứng lệnh trục xuất Huyền Trần. Trước đây để giúp những người bạn của ông và những nhà đóng góp tiền bạc cho liên minh cầm quyền, ông chỉ cần đánh đi một vài dòng tin nhắn. Ông có thể làm điều đó để giúp Huyền, và ngăn tiến trình chia cắt mẹ con người phụ nữ này, để Huyền không bị tách ly khỏi bé Isabella và chồng, để trở về một xứ sở vẫn đàn áp tôn giáo.”
Vẫn theo Giám mục Vincent Long, “những người Công giáo xin tị nạn đã bị trục xuất từ Indonesia về nước hồi năm ngoái đã trở thành mục tiêu bị sách nhiễu, bắt bớ, và dọa bỏ tù. Nhiều người vẫn bị đối xử tàn tệ bởi chính quyền cộng sản”.
Giám mục Vincent Long trích dẫn Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hối thúc chính phủ Úc tôn trọng các nguyên tắc căn bản là duy trì sự hợp nhất của một gia đình, và cho phép những thành viên trong cùng gia đình được sống bên nhau.
Nhưng cuộc tranh luận về các vấn đề di trú và tị nạn vẫn còn tiếp diễn ở Úc. Chống đối quan điểm này có Thượng nghị sĩ Pauline Hanson của đảng One Nation- Môt Quốc gia, và cựu Bộ trưởng Di trú Bob Carr. Cả hai đều muốn cắt xuống phân nửa số di dân được nhập cảnh Úc.
Phó Chủ tịch CDNVTD bang Victoria nói mặc dù chính sách di trú ở Úc đã bị siết chặt, đặc biệt đối với những người tới lãnh thổ Úc trực tiếp bằng thuyền, nhưng cộng đồng vẫn tranh đấu để họ có cơ hội được cứu xét nếu thực sự là người tị nạn. Ông Nguyễn Thế Phong giải thích:
“Có rất nhiều câu chuyện mà chúng ta không biết được, do đó CDNVTD ở Úc cho rằng chúng ta có bổn phận yêu cầu chính phủ Úc phải xem xét những trường hợp này rất kỹ lưỡng, mọi thứ chứng cớ đầy đủ - nếu họ không phải là người tị nạn thì cũng phải qua những tiến trình… cứu xét đàng hoàng chứ không thể đẩy họ về Việt Nam như vậy. Biết đâu trong số những người này có những người thực sự đã bị tù đày, đang trốn chạy và không thể nào đi qua các cửa khẩu một cách ngang nhiên được.”
Ông Phong bày tỏ tiếc nuối vì chính sách của nước Úc hiện này theo ông có phần “gắt gao và kém nhân đạo” hơn trước, dôi khi “không công bằng cho những người tầm trú”. Nhưng cộng đồng vẫn tiếp tục tranh đấu cho những người tị nạn, đặc biệt sẽ dùng lá phiếu của mình trong các cuộc bầu cử sắp tới để hỗ trợ những người tị nạn chân chính.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn năm 1951 định nghĩa người tị nạn là người có lo sợ chính đáng là sẽ bị ngược đãi vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, hoặc vì mối liên hệ với một tổ chức xã hội nhất định, theo một quan điểm chính trị nhất định, và do đó phải sống bên ngoài quốc gia mình có quốc tịch, và không mong muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của quốc gia đó.