Mỹ bị phản đối vì không tạo áp lực để bảo vệ xã hội dân sự khi viện trợ cho Ai Cập

  • Scott Stearns

Ông Charles Dunne, giám đốc của Freedom House tại Trung Đông, nói tiếp tục tài trợ cho quân đội Ai Cập làm cho Washington khó khăn hơn trong việc tạo áp lực để bảo vệ xã hội dân sự

Hoa Kỳ đang chuyển hơn 1 tỉ đô la viện trợ quân sự và kinh tế cho Ai Cập dù rằng Cairo đàn áp những tổ chức dân sự và truy tố một số nhân viên cứu trợ người Mỹ. Theo như tường trình của Thông tín viên Đài VOA tại Bộ Ngoại giao Scott Stearns, một trong những tổ chức bị trục xuất khỏi Ai Cập nói việc từ bỏ những yêu sách viện trợ của Hoa Kỳ làm yếu khả năng của Washington áp lực để có một sự thay đổi có ý nghĩa tại Cairo.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton chấp thuận viện trợ căn cứ trên những quyền lợi an ninh quốc gia nhưng nói rằng việc này không cách gì ảnh hưởng đến quyết tâm của Washington theo dõi chặt chẽ cách thức các nhà lãnh đạo Ai Cập đối xử với xã hội dân sự như thế nào. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói:

“Chúng ta sẽ theo dõi những cam kết của họ đối với quyền hạn và phẩm giá của người dân Ai Cập. Chúng ta muốn thấy Ai Cập tiến đến một cuộc chuyển tiếp dân chủ, và điều đó có nghĩa là bạn không và không thể kỳ thị nhắm vào những thiểu số tôn giáo, phụ nữ và những đối thủ chính trị.”

Vụ tranh cãi về viện trợ bắt nguồn từ hành động nhà cầm quyền Ai Cập cáo buộc những tổ chức thân dân chủ Hoa Kỳ hỗ trợ cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Nhiều cá nhân trong số các người Mỹ bị truy tố tại Cairo đã phải tá túc lánh nạn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ trước khi được cho phép rời khỏi Ai Cập.

Ông Charles Dunne, giám đốc của Freedom House tại Trung Đông bị truy tố về tội sử dụng quỹ nước ngoài để tạo bất ổn tại Ai Cập. Ông Dunne nói:

“Điều làm tôi lo ngại về quyết định từ bỏ các yêu sách trong viện trợ là quyết định này được thực hiện mà không thỏa thuận trước hết với người Ai Cập để chấm dứt cuộc khủng hoảng về các tổ chức phi chính phủ. Điều này có nghĩa là chúng tôi vẫn bị truy tố.”

Ông Dunne nói tiếp tục tài trợ cho quân đội Ai Cập làm cho Washington khó khăn hơn trong việc tạo áp lực để bảo vệ xã hội dân sự.

Ông Dunne nói: “Một khi nói với người Ai Cập, như đã có hiệu lực, là mối quan hệ viện trợ sẽ tiếp tục mà không có hậu quả nào, ngay cả khi nếu Ai Cập tiếp tục truy tố và đàn áp các tổ chức phi chính phủ thì điều này làm cho chính quyền Mỹ gặp khó khăn khi nói lại là: xem này, chúng tôi đã thay đổi ý kiến.”

Tuy nhiên nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ nói mối quan hệ kéo dài nhiều thập niên của Washington với Ai Cập quan trọng hơn những tranh chấp về xã hội dân sự.

Dân biểu Keith Ellison, bang Minesota nói:

“Chúng ta trông đợi một mối quan hệ vững mạnh và xây dựng và chúng ta không để những chuyện nhỏ nhặt xảy xen lấn vào mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai của chúng ta.”

Ông Steve Heydaman, một nhà phân tách về Trung Đông đồng ý.

Ông nói: “Nếu chúng ta nói đến những cơ hội duy trì ảnh hưởng của Hoa Kỳ và cơ may xây dựng mối quan hệ Hoa Kỳ/Ai Cập trên một nền tảng vững chắc lâu dài, theo tôi điều rất quan trọng trong giai đoạn tế nhị này của sự chuyển tiếp tại Ai Cập là không đưa ra những quyết định dựa trên những khác biệt nhất thời trong ngắn hạn trong quan điểm giữa hai chính phủ.”

Các giới chức Hoa Kỳ nói hiện đang chú trọng đến vấn đề làm việc với những nhà lãnh đạo mới của Ai Cập để bảo vệ quyền của những tổ chức xã hội dân sự địa phương và quốc tế trong một quốc gia với những tiến bộ chỉ trong 15 tháng qua lại nhiều hơn tất cả những tiến bộ đạt được trong nhiều thập niên trước đây.

http://www.voanews.com/templates/widgetDisplay.html?id=146325225&player=article