Đường dẫn truy cập

Ai Cập: Thực trạng kinh tế dường như đang thắng các lý do chính trị


Những người Ai Cập hô khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền quân đội tại phiên xử các nhân viên của các nhóm cổ võ cho dân chủ bị cáo buộc dùng tài trợ của nước ngoài gây tình trạng bất ổn ở Cairo
Những người Ai Cập hô khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền quân đội tại phiên xử các nhân viên của các nhóm cổ võ cho dân chủ bị cáo buộc dùng tài trợ của nước ngoài gây tình trạng bất ổn ở Cairo

Những căng thẳng chính trị giữa Ai Cập và Hoa Kỳ dường như đang được xoa dịu, sau khi Ai Cập bãi bỏ lệnh cấm du hành đối với 7 nhà hoạt động dân chủ người Mỹ. Thông tín viên Elizabeth Arrott của Đài VOA tường trình từ Cairo rằng những lý do kinh tế dường như là chiếc chìa khóa giúp giải quyết vấn đề.

Bất cứ lợi thế chính trị nào mà giới lãnh đạo Ai Cập đã tìm cách gặt hái với làn sóng bài Mỹ, dường như đã va vào thực trạng kinh tế phũ phàng.

Các giới chức Mỹ thề sẽ cắt viện trợ cho Ai Cập sau khi 7 người Mỹ ở Cairo cùng một nhóm hoạt động dân chủ đông hơn, bị tố cáo là đã có những hoạt động bất hợp pháp và bị cấm không được rời Ai Cập.

Tuần trước, Ai Cập rút lại lập trường cứng rắn trong vụ này, khi các giới chức dời lại vụ xét xử tới tháng Tư, rồi sau đó bãi bỏ lệnh cấm du hành vào ngày thứ Tư tuần này.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói bà trông đợi vụ này sẽ sớm được giải quyết.

Động thái tái cân bằng đó phản ánh các nhu cầu thực tiễn của cả hai bên. Sau hơn 30 năm, liên minh của Hoa Kỳ với Ai Cập vẫn là mấu chốt trong các chính sách Trung Đông của Mỹ, ngay cả giữa lúc Hoa Kỳ tiếp tục nêu lên những quan ngại về mức cam kết của Ai Cập đối với dân chủ.

Đối với Ai Cập, một năm sau cuộc nổi dậy của quần chúng lật đổ tầng lớp lãnh đạo cũ, giới lãnh đạo mới đang chật vật đối phó với một nền kinh tế đã đi trật đường rầy.

Amira Ahmed, chủ biên trang kinh tế của tờ Thời Báo Ai Cập nói:

“Ai Cập cần được bơm tiền mặt trong thời hạn sớm nhất. Hiện mức thâm hụt ngân sách đang tăng cao trong khi dự trữ ngoại hối đang cạn dần. Mức dự trữ nay đã hạ chỉ còn 16 tỉ đôla, Ai Cập cần tới món tiền này, và cũng cần được bơm thêm tiền, càng sớm càng tốt.”

Hoa Kỳ cung cấp 1,6 tỉ đôla tiền viện trợ hàng năm cho Ai Cập, một phần là để tưởng thưởng nước này đã ký hòa ước với Israel hồi năm 1979. Phần lớn ngân khoản này, tới 1 tỉ 300 triệu đôla, được dành cho quân đội Ai Cập, trong khi một số tiền khá lớn trong ngân khoản đó được dành riêng để mua các thiết bị của Mỹ.

Sự kiện người dân thường Ai Cập chẳng được hưởng bao nhiêu từ số tiền viện trợ Mỹ, được phản ánh trong một cuộc thăm dò của Viện Gallup, theo đó đa số không muốn nhận thêm tiền viện trợ từ Hoa Kỳ.

Cùng lúc, giới lãnh đạo quân đội Ai Cập ngày càng phải đối mặt với các cuộc biểu tình chống đối tiến trình chậm chạp để trao quyền lại cho một chế độ cai trị dân sự, đây là lời chỉ trích mà một số quan sát viên nói lãnh đạo Ai Cập đang tìm cách quy lỗi cho bên khác, bằng cách chỉ vào “bàn tay của ngoại bang” là phải chịu trách nhiệm về những vấn đề nan giải của Ai Cập.

Giới quan sát chính trị nói rằng vụ án xét xử các nhà hoạt động dân chủ dường như nằm trong một chiến dịch nhằm đánh lạc hướng dư luận, bằng cách khơi lên niềm tự hào dân tộc.

Giám đốc điều hành Trung tâm Ai Cập chuyên nghiên cứu Kinh Tế, bà Magda Kandil, nói cấu trúc của khoản viện trợ có đóng một vai trò trong những tính toán đó:

“Nếu người dân cảm thấy mang ơn về khoản viện trợ của Hoa Kỳ thì có lẽ họ đã không có thái độ thờ ơ, rằng “cắt viện trợ thì đã sao!”

Bà Kandil lập luận rằng nên tái cấu trúc khoản tiền viện trợ của Hoa Kỳ. Nhưng bà cũng tin rằng một thành phần trong giới muốn từ bỏ viện trợ của Mỹ, không thấu hiểu vấn đề.

Viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ai Cập trong giai đoạn chuyển tiếp sâu rộng hơn kế hoạch viện trợ trọn gói hàng năm. Bà Kandil lưu ý về các cuộc thảo luận liên quan tới việc xóa nợ, và những thảo luận giữa Washington với Cairo về việc hàn gắn các quan hệ kinh tế để phát triển đầu tư và củng cố các quan hệ thương mại.

Thái độ sẵn sàng đặt viện trợ nước ngoài vào thế rủi ro đã được chứng kiến trước đây trong giai đoạn chuyển tiếp, khi hội đồng quân nhân đương quyền hồi năm ngoái bác bỏ một ngân khoản trị giá 3 tỉ 200 triệu đôla mà Quỹ tiền tệ Quốc tế sẵn sàng cho vay - một động thái cũng khơi lên niềm tự hào quốc gia.

Nhưng đến tháng Giêng năm nay, chính quyền Ai Cập, như chủ biên trang Kinh tế Ahmed vạch ra, đã thất bại trong các nỗ lực nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, giới lãnh đạo Ai Cập đã xoay chiều để nhận khoản tiền cho vay từ Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Kinh tế gia Kandil tin rằng rất khó làm ngơ các ảnh hưởng của kế hoạch viện trợ trọn gói của Hoa Kỳ, cũng như kế hoạch cho vay của Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Các bên khác, kể cả Liên hiệp Châu Âu, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Phi, đang chờ các thỏa thuận đó, trước khi bỏ tiền của chính họ ra. Kinh tế gia Kandil nói:

“Tôi tin rằng trong cả hai trường hợp đó, vấn đề thiếu thông tin về thực trạng kinh tế và về nhu cầu phải có tiền của Quỹ tiền tệ Quốc tế, không phải chỉ là giá trị của ngân khoản cho vay, mà nó còn là một dấu hiệu thừa nhận bên được vay. Bởi lẽ tiếp tục đi theo con đường cũ như đã làm trong năm qua, gây nhiều vấn đề, rất nhiều vấn đề.”

Các cuộc thảo luận về cả hai kế hoạch viện trợ vừa kể, và những kế hoạch trọn gói khác có thể theo sau, vẫn đang tiếp tục.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG