Ủy ban bầu cử Ai Cập xác nhận đã loại 10 ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng tới, trong đó có 2 người Hồi Giáo có tiếng tăm và người đứng đầu tình báo của Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.
Ba ứng cử viên Tổng thống hàng đầu Ai Cập đã đệ đơn khiếu nại vào ngày thứ Bảy sau khi bị ủy ban loại khỏi cuộc chạy đua. Ủy ban bầu cử bác bỏ những khiếu nại này hôm thứ Ba, chấm dứt việc tranh cử của người đứng đầu về chiến lược của Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo Khairat el-Shater, ứng cử viên cực bảo thủ Salafist Hazem Abu Ismail và phụ tá của ông Mubarak là ông Omar Suleiman.
Việc loại những người này đánh dấu một diễn biến gây ấn tượng sâu sắc trong việc chuẩn bị cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên kể từ cuộc cách mạng tháng Hai năm 2011 chấm dứt ba thập niên cai trị chuyên chế của ông Mubarak. Cuộc bầu cử vòng đầu khởi sự vào ngày 23 tháng Năm.
Ông El-Shater phản ứng một cách giận giữ đối với việc bác bỏ khiếu nại của ông, gọi đây là bằng chứng cho thấy Ai Cập vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của các đồng minh ông Mubarak.
Ủy ban bầu cử loại ông vì ông bị buộc tội hình sự trong quá khứ do có liên hệ với Huynh đệ Hồi Giáo, tổ chức bị chính thức cấm dưới thời chính phủ Mubarak.
Tuy nhiên phong trào Hồi Giáo vẫn còn có một ứng cử viên dự khuyết khác trong cuộc bầu cử Tổng thống-ông Mohammed Morsi, người đứng đầu đảng chính trị của tổ chức Hồi Giáo này. Ông Morsi nằm trong số 13 ứng cử viên được ủy ban chấp thuận.
Hàng trăm người ủng hộ giáo sĩ Abu Ismail của giáo phái Salafist tổ chức biểu tình ngồi lỳ bên ngoài trụ sở Ủy ban bầu cử để phản đối việc loại ông này.
Ủy ban cấm ông Abu Ismail tranh cử bằng cách nêu chứng cứ là mẹ ông trước đây có quốc tịch Mỹ, vi phạm những qui định của bầu cử là các ứng cử viên và cha mẹ chỉ có quốc tịch Ai Cập mà thôi. Ông Abu Ismail phủ nhận điều này, nói rằng thân mẫu ông chưa bao giờ có quốc tịch Mỹ.
Ứng cử viên Suleiman bị bác vì ông có quá ít cử tri ủng hộ tại tất cả các tỉnh của Ai Cập. Ông phục vụ một thời gian ngắn trong cương vị phó Tổng thống vào những ngày trước khi ông Mubarak bị lật đổ và việc ông tham gia ứng cử vào giờ chót bị nhiều người Hồi Giáo Ai Cập chỉ trích mạnh mẽ.
Những ứng cử viên có tiến tăm nhất còn lại gồm có ông Amr Moussa, cựu bộ trưởng ngoại giao dưới thời Mubarak, và ông Abdel-Moneim Abolfotoh, một cựu thành viên của Huynh đệ Hồi Giáo.
Hội đồng Quân nhân Ai Cập nắm quyền thay thế ông Mubarak đã hứa chuyển giao quyền hành cho một Tổng thống dân cử vào ngày 1 tháng 7 tới đây.