Những tổ chức thế tục, Cơ đốc và ngay cả những tổ chức Hồi giáo khác đã nhanh chóng bác bỏ ứng cử viên Khairat el-Shater của tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo.
Các chính trị gia của Huynh đệ Hồi Giáo đã chế ngự cả hai viện Quốc hội, sau khi lúc ban đầu chỉ hứa tranh đoạt một thiểu số ghế trong Quốc hội.
Viễn ảnh một ngành hành pháp dưới sự kiểm soát của tổ chức này nêu lên những mối lo ngại là Ai Cập đã lật đổ một chính phủ độc tài lại được thay thế bằng một cơ chế cũng vững chắc tương tự.
Nhà xã hội chính trị Said Sadek thuộc trường đại học American tại Cairo cho biết là không có gì ngạc nhiên khi Huynh đệ Hồi Giáo làm ngược lời hứa trước đây là đứng ngoài cuộc chạy đua vào chức vụ Tổng thống.
Ông Sadek nói: “Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo giống như bất cứ phong trào ý thức hệ độc tài nào. Họ có những mục tiêu, có một ý thức hệ và những chiến thuật và những chiến thuật này rất uyển chuyển tùy theo tình thế thay đổi.”
Cũng tương tự, Huynh đệ Hồi Giáo thay đổi ngôn từ về việc soạn thảo một hiếp pháp mới. Sau khi hứa bao gồm các tiếng nói rộng rãi, Ủy ban soạn thảo hiến pháp lại bị các phần tử Hồi Giáo khống chế, vì những tổ chức cấp tiến và Cơ Đốc cũng như những học giả Hồi Giáo rút lui khỏi vai trò rất hạn chế họ được trao cho.
Học giả Yousry el Ezbawy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Al Ahram nói những người Hồi Giáo sẽ nỗ lực thúc đẩy qua lịch trình hiến pháp của họ.
Ông El Ezbawy nói nếu những người Hồi Giáo có thể sắp đặt, dàn dựng cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp như đã làm đối với một cuộc đầu phiếu tương tự vào năm ngoái, sử dụng khẩu hiệu “Hồi Giáo là giải pháp”, một con số tuyệt đối trong quốc gia mà đa số là người Hồi Giáo này sẽ chấp thuận.
Tuy nhiên có những lý do để tin rằng không phải tất cả đều đưa đến một chế độ Hồi Giáo khắc nghiệt trong tương lai.
Ông Sadek thuộc trường đại học American ở Cairo nói ông el Shater không phải ra tranh để thắng cử.
Ông Sadek nói: “Nhiều người tin rằng ông el Shater không ngừng lại ở đâu cả, không phải vậy. Điều ông sẽ làm là phá vỡ và chia manh mún danh sách những ứng cử viên Tổng thống Hồi Giáo. Ông sẽ chia manh mún những ứng cử viên này.”
Ông Sadek chỉ ra rằng Huynh đệ Hồi Giáo vẫn còn bị tổn thương vì những người Hồi Giáo ôn hòa bỏ hàng ngũ và cựu thành viên của tổ chức, ông Abdel Moneim Abou el Fotouh, ra tranh cử Tổng thống.
Huynh đệ Hồi Giáo cũng đang đối đầu với sự nổi loạn nội bộ của các thành viên trẻ trong tổ chức, và sự căng thẳng giữa những chính trị gia chính thống thuộc phái Salafi và Huynh đệ Hồi Giáo đang lên cao.
Có được một ứng cử viên trong cuộc chạy đua giành chức vụ Tổng thống đảm bảo cho các thành viên Huynh đệ Hồi Giáo ít nhất một số ảnh hưởng trong một cuộc bầu cử mở rộng với hơn 400 ứng cử viên đã ghi danh.
Ngay cả khi những người Hồi Giáo đoàn kết lại, hiện còn có những lực lượng mạnh mẽ khác cũng tham gia, hầu hết là những lãnh tụ quân đội của chính phủ lâm thời.
Hội đồng Tối cao của Quân đội đang tích cực làm việc để giữ cho tư thế của quân đội được bảo vệ trong Hiến pháp kế tiếp. Hiến pháp này sẽ gỡ bỏ rào cản pháp lý cho việc ứng cử của ông el Shater, hồ sơ bị tù của ông trong quá khứ, một dấu hiệu khác cho thấy cả hai phía đều tin tưởng là họ có thể sống chung với nhau.
Ngay cả trường hợp của ông el Shater cũng có những nghịch lý. Bị cựu chính phủ đàn áp vì ý thức chính trị, ông vẫn có khả năng trở thành một trong những người giàu có trong lãnh vực doanh thương.
Theo ông Sadek, các cử tri Ai Cập đã hiểu biết hơn trong năm qua và tinh nhạy với những chuyển biến tế nhị như thế.
Ông Sadek nói: “Nhiều người có đầu óc đơn giản bị thu hút vì những khẩu hiệu hấp dẫn như “Hồi Giáo là giải pháp”, điều đó tốt thôi. Mọi người đều muốn có một giải pháp cho những vấn đề trầm kha như lạm phát, thất nghiệp, vấn đề giao thông. Do đó họ muốn loại bỏ những chính trị gia thế tục, những chính trị gia có truyền thống tham nhũng và họ muốn những người mà họ tin là người của Thượng đế. Giờ đây họ đã vỡ mộng. Họ cảm thấy là những người đưa ra những lời hứa cao xa về một thế giới tốt đẹp hơn, một xã hội không tưởng là điều không thực tế.”
Những câu chuyện về những người Hồi Giáo tham nhũng được cung cấp cho truyền thông, trong đó có một thành viên của phái Salafi trong Quốc hội từ chức vì nói dối về việc ông được giải phẩu thẩm mỹ.
Ông Sadek nói ông tin là những lực lượng cạnh tranh khác nhau trong nền chính trị Ai Cập được xem như chỉ là “những chính trị gia bình thường” với những chương trình hoạt động và những tính toán riêng, sẵn sàng trở thành những con người của cơ hội và “ăn nói lật lọng.”
Trong khi tương lai dân chủ của Ai Cập vẫn chưa rõ rệt. Ông Sadek cho rằng cơ may cho bất cứ một nhóm quyền lợi nào khống chế chính trường Ai Cập hiện rất mong manh.
Quyết định của Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đưa ra một ứng cử viên Tổng thống đánh dấu một sự đảo ngược mới nhất trong chiến thuật của tổ chức này trong thời kỳ chuyển đổi chính trị quốc gia. Thông tín viên Đài VOA Eizabeth Arrott tường trình từ Cairo rằng các nhà phân tích chính trị có ý kiến khác biệt trong câu hỏi liệu việc này sẽ giúp hay làm tổn thương lý tưởng của tổ chức Hồi Giáo này hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1