Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
Các điểm chính của thỏa thuận hạt nhân Iran
- Iran sẽ giảm 98 phần trăm kho dự trữ uranium tinh chế ở mức thấp xuống còn 300 kg trong vòng 15 năm.
- Iran sẽ giảm 2 phần ba số máy ly tâm hoạt động để tinh chế uranium tại trung tâm chế biến chính.
- Iran bị ngăn không được thiết kế các đầu đạn hạt nhân hay tiến hành thử nghiệm kỹ thuật có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
- Cấm vận vũ khí Iran sẽ được nới lỏng, chừng nào IAEA xét thấy chương trình hạt nhân của Iran có tính hòa bình.
- Các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran sẽ được gỡ bỏ, giúp Iran xuất khẩu dầu.
- Nếu nhận thấy Iran không tôn trọng thỏa thuận, một hội đồng quốc tế có thể biểu quyết phục hồi chế tài.
Các cường quốc thế giới vừa đạt được một thỏa thuận với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế, chấm dứt hơn một thập niên thương thuyết đầy sóng gió. Thông tín viên Victoria Macchi của đài VOA tường thuật từ Vienna.
Tổng thống Obama tuyên bố “Thỏa thuận này chứng tỏ hoạt động ngoại giao của Mỹ có thể đem lại những thay đổi thực sự và có ý nghĩa.”
Tổng thống cho biết đây là “một thỏa thuận toàn diện, dài hạn với Iran để ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân.” Tổng thống nói thêm rằng ông sẽ phủ quyết mọi dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ ngăn chặn thỏa thuận này.
Ông Obama lên tiếng ngày hôm nay sau khi thỏa thuận được loan báo ở Vienna bởi Trưởng ban đối ngoại EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tiếp theo nhiều tuần lễ đàm phán ngày đêm để chung quyết các chi tiết của thỏa thuận, cắt giảm chương trình hạt nhân của Tehran và đòi hỏi sự giám sát của cơ quan hạt nhân Liên Hiệp Quốc.
Bà Mogherini nói thỏa thuận là quân bình và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên tham gia đàm phán. Bà mô tả thỏa thuận là phức tạp, chi tiết và có tính kỹ thuật.
Sau khi phát biểu ở Vienna, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã nói chuyện với đám đông ký giả bằng tiếng Ba Tư. Ông cho biết ông đang lập lại những gì bà Mogherini vừa tuyên bố bằng Anh ngữ.
Trước cuộc họp báo, bà Mogherini nói “Đây là một quyết định có thể mở đường cho một chương mới về quan hệ quốc tế và chứng tỏ ngoại giao, phối hợp, hợp tác có thể khắc phục hàng chục năm căng thẳng và đối đầu.”
Ông Zarif gọi thỏa thuận là một thắng lợi cho cả Iran lẫn nhóm P5+1 -- gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Hoa Kỳ, cộng với Đức.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi thỏa thuận và nói “một chương mới” đã bắt đầu trong bang giao với thế giới.
Thỏa thuận
Thỏa thuận sẽ hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran trong khi cho phép nước này duy trì một chương trình hạt nhân dân sự, một phần qua việc cắt giảm đáng kể con số máy ly tâm hiện đại của Tehran, theo lời các giới chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ.
Một điểm gai góc trong suốt cuộc đàm phán – là sự tiếp cận của các thanh sát viên đối với các địa điểm hạt nhân của Iran – đã được giải quyết với việc thiết lập một cơ chế cho phép Liên Hiệp Quốc đưa ra những đòi hỏi là họ muốn tới nơi nào để kiểm tra, nhưng Iran có quyền không tuân hành ngay tức thời. Thay vì thế, Iran sẽ được phép chống đối lời yêu cầu qua thủ tục trọng tài.
Thỏa thuận cũng tìm cách giải quyết các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc về vũ khí quy ước, mà Iran với sự hậu thuẫn của Nga, tìm cách đòi bãi bỏ. Thỏa thuận giữ nguyên lệnh cấm vận vũ khí thêm 5 năm nữa và cấm phi đạn trong 8 năm, nhưng có thể chấm dứt sớm hơn nếu Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA xác định rằng Iran đã đạt được các mục tiêu của thỏa thuận có liên quan đến việc bãi bỏ mọi công trình hiện nay hướng tới vũ khí hạt nhân – một lời cáo buộc mà Tehran nhiều lần phủ nhận.
Đổi lại, các nước P5+1 đồng ý bãi bỏ chế tài kinh tế đối với Iran ngay khi Iran tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận hạt nhân.
Cố gắng phút chót
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nói chuyện với Tổng thống Barack Obama ngay trước nửa đêm để thảo luận về thỏa thuận mà nhà ngoại giao hàng đầu này đã thúc đẩy qua nhiều vòng thương thuyết ráo riết.
Đã có lúc, ông Zarif, bà Mogherini và ông Kerry yêu cầu tất cả các nhân viên rời khỏi bàn thương nghị ở Điện Coburg, nơi trong hơn 2 tuần lễ nhóm này đã thảo luận để đạt được sự đồng thuận về các chi tiết đe dọa làm chệch hướng thỏa thuận.
Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết đến tảng sáng, vào lúc thỏa thuận phần lớn đã được chung quyết, các nhà thương thuyết đã mệt nhoài, không còn sức mà ăn mừng “thắng lợi.”
Các cuộc thương nghị ở Vienna đã kéo dài qua nhiều kỳ hạn vào lúc hai bên thảo luận về những vấn đề quan trọng như sự tiếp cận mà các thanh sát viên sẽ có đối với các địa điểm của Iran để bảo đảm rằng chính phủ nước này tuân hành thỏa thuận, cũng như tiến độ của việc bãi bỏ các biện pháp chế tài.
Những trở ngại phía trước
Thỏa thuận hôm thứ ba tiêu biểu cho một thỏa hiệp lịch sử sau 12 năm giằng co mà có những lúc đã đe dọa khơi ra một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực sau khi vượt qua nhiều trở ngại ở Washington cũng như ở Tehran. Các thành phần bảo thủ ở cả hai thủ đô đều chống lại những thỏa hiệp cần có để đạt được thỏa thuận.
Trở ngại lớn nhất sẽ là Quốc hội Hoa Kỳ, nơi các đảng viên Cộng hòa chiếm thế đa số và theo dự kiến sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận sau thời hạn xét duyệt 60 ngày. Tổng thống Obama dự kiến sẽ phủ quyết mọi cuộc biểu quyết chống lại thỏa thuận.
Trong khi đó hôm nay, Iran và cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm giải đáp những câu hỏi về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran.
Từ nhiều năm nay, Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA đã cố gắng tìm ra những lời giải đáp trong cuộc điều tra, kể cả việc tiếp cận địa điểm quân sự Parchin, nhưng đã vấp phải sự chống đối của Iran.
Người đứng đầu IAEA Yukyia Amano nói lộ đồ của các cuộc họp cấp chuyên gia và các tiết mục có liên quan đến Parchin ắt sẽ giúp ông công bố một bản phúc trình với phần thẩm định chung quyết của cơ quan trước trung tuần tháng 12.
Ông nói “Đây là một bước quan trọng tiến tới việc xác minh những vấn đề còn tồn đọng có liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.”