Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ bi quan hơn về thỏa thuận hạt nhân Iran


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) trong cuộc đàm phán với các ngoại trưởng của 6 cường quốc tại Vienna, Áo, hôm 10/7/2015.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) trong cuộc đàm phán với các ngoại trưởng của 6 cường quốc tại Vienna, Áo, hôm 10/7/2015.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng dường như không còn mấy tin tưởng vào triển vọng của một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trước đó, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố nếu không thực hiện được các quyết định khó khăn thì các nhà thương thuyết sẵn sàng “chấm dứt tiến trình”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Năm tuyên bố:

“Trong bối cảnh công tác ở đây mang tính cách hết sức nguyên tắc và các rủi ro rất cao, chúng tôi sẽ không vội vã và sẽ không bị hối thúc, và chúng tôi sẽ không để mình bị hối thúc vượt qua bất cứ khía cạnh nào của giai đoạn này. Tất cả những gì chúng tôi tập trung vào là phẩm chất của thỏa thuận và đó là điều sẽ xác định công tác của chúng tôi.”

Đối tác phía Iran của ông John Kerry, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, nói với các phóng viên rằng ông sẵn sàng ở lại Vienna cho tới khi nào đạt được một thỏa thuận.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên liệu cuối cùng có thể đạt được một thỏa thuận hay không, ông Zarif đáp lại bằng câu hỏi rằng nếu không nghĩ như thế thì vì sao ông lại có mặt ở đây.

Vào giai đoạn này của các cuộc thương nghị cấp cao, đáp ứng được các kỳ hạn dường như bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, giải quyết việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran đã là một thách thức. Nga muốn bãi bỏ cấm vận, nhưng các nước Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, chưa bày tỏ sự ủng hộ.

Các nhà thương thuyết đã định ra kỳ hạn thứ Sáu để đạt được một thỏa thuận. Bởi lẽ đã không đáp ứng được một kỳ hạn vào 6 giờ sáng, giờ địa phương ở Vienna, cho nên Quốc hội Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa lãnh đạo nay sẽ có 60 ngày thay vì 30 ngày để duyệt; khoảng thời gian kéo dài này khiến chính quyền Obama lo ngại có thể nảy sinh các cơ hội mới gây trở ngại cho thỏa thuận.

Thực vậy, ngay cả một số nhà lập pháp ủng hộ Tổng thống Obama nhiệt thành nhất ở Quốc hội cũng đã tỏ ý chán nản về tình trạng của các cuộc đàm phán. Thượng nghị sĩ Chris Murphy nói với đài VOA:

“Tôi bớt lạc quan hơn về cơ may của một thỏa thuận, so với 1 tuần trước. Dường như phía Iran rất khó đồng ý, nhưng chính quyền đã khẳng định rõ nhiều lần rằng họ sẽ không chấp nhận một thỏa thuận xấu. Và nếu tổng thống sẵn sàng rời khỏi bàn hội nghị - nếu phía Iran không nhúc nhích về một số vấn đề còn lại này – tôi nghĩ điều đó sẽ là điều đáng khích lệ đối với những người ủng hộ ông và thậm chí cả những người chỉ trích ông ở trụ sở Quốc hội này”.

Đối với những người lâu nay vẫn chỉ trích đường lối ngoại giao với Iran, như thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz, những trở ngại đối với một thỏa thuận chung quyết xác nhận các mối lo ngại nhiều nhất của họ.

“Thỏa thuận hạt nhân này với Iran đã trở nên ngày càng tệ hại hơn, đi đến chỗ là một tai họa. Vào thời điểm này, chính quyền Obama dường như chỉ theo đuổi các mục tiêu chính trị trong nước và gây phương hại hết sức cho an ninh quốc gia của nước này. Thỏa thuận này chỉ đẩy mạnh tiến độ Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.”

Ông Cruz đang tìm cách để được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống vào năm tới. Lời bình của ông chỉ là một phần của lập luận gay gắt sẽ vang lên tại trụ sở Quốc hội nếu đạt được một thỏa thuận, hay nếu các cuộc thương nghị thất bại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG