Nếu một thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc thế giới ở Vienna, thì nó sẽ là một lộ đồ mang tính nguyên tắc cao có tác dụng theo dõi hoạt động hạt nhân của Iran trong nhiều năm sắp tới để đảm bảo là Tehran không thủ đắc vũ khí hạt nhân. Cũng phức tạp không kém sẽ là việc bãi bỏ các biện pháp chế tài quốc tế ban đầu được định là rất khó lay chuyển. Thông tín viên VOA Heather Murdock nói chuyện với các chuyên gia về những thách thức mà bất cứ thỏa thuận nào sẽ đề ra.
Thỏa thuận hạt nhân chủ yếu là một sự trao đổi. Iran đổi khả năng chế tạo hạt nhận của mình lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế quốc tế.
Nhưng các chuyên gia đồng ý rằng 2 vấn đề, thanh sát hạt nhân và chế tài, không thể nào phức tạp hơn. Và cho dù điều gì xảy ra đi nữa, thì cũng có nghĩa là tất cả các bên liên quan sẽ phải tiến vào những con đường chưa được khai phá, như nhận định của bà Stephanie Cooke thuộc tổ chức Tình báo Năng lượng:
“Điều độc nhất vô nhị về thỏa thuận này là nó đưa các cuộc thanh sát đi xa hơn những gì đã được thực hiện trước đây. Đầu tiên, cơ quan vốn đã theo dõi Iran gắt gao hơn so với bất cứ nước nào.”
Bà Cooke nói thêm sắp tới, các cuộc thanh sát sẽ tập trung vào các đường dây tiếp tế các chất liệu và thiết bị có thể được sử dụng để chế tạo vữ khí hạt nhân.
“Họ cũng có thể bao gồm các cuộc thanh sát những nơi tình nghi có hoạt động hạt nhân qua thông tin thu thập được từ các cơ quan tình báo của các nước khác.”
Nhưng theo bà Cooke, các cuộc thanh sát của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, có những hạn chế.
“Hệ thống thanh sát của IAEA vẫn thường hay bị chỉ trích là thông báo trước và vì thế họ có thể che giấu mọi thứ trước chuyến thanh tra. Quả thực hệ thống của IAEA không phải là không có kẽ hở.”
Các chuyên gia khác lạc quan hơn về việc theo dõi hạt nhân nhưng dự báo là vấn đề chế tài sẽ rất phức tạp. Sau đây là ý kiến của ông Berooz Bayat, từng làm tham vấn cho IAEA:
“Đây là những vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết ở mức độ này. Mặt khác, còn vấn đề bãi bỏ các biện pháp chế tài như thế nào nữa. Dĩ nhiên, Iran muốn bãi bỏ chế tài ngay lập tức. Đó là vấn đề chính đối với họ.”
Ông nói thêm rằng bãi bỏ chế tài sẽ đòi hỏi các sách lược chính trị và pháp lý bên trong các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Theo ông Bayat, xác định thời đểm cho cả các cuộc thanh sát lẫn việc nới lỏng chế tài có thể là những trở ngại lớn nhất cho thảo thuận hạt nhân sắp tới bởi vì có “sự thiếu tin tưởng về phía cả hai bên.”