Các nhà đàm phán từ Iran và nhóm sáu nước, kể cả Mỹ, hôm thứ Hai nỗ lực khép lại 18 tháng đàm phán và hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran mà các bên tìm kiếm bấy lâu nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aragchi bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận, nhưng cho biết một số vấn đề vẫn tồn tại và rằng ông không thể hứa là liệu tới cuối ngày có thể đạt được thỏa thuận hay không. Các nhà ngoại giao hôm Chủ nhật gợi ý rằng hai bên đã gần có được văn kiện phức tạp này.
Ngày thứ Hai là hạn chót mới nhất trong một loạt những hạn chót mà các nhà đàm phán đã tự đặt ra cho mình, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Iran, Alireza Miryousefi, cho biết không ai nghĩ đến việc triển hạn các cuộc đàm phán thêm lần nữa.
"Mọi người đều nỗ lực để có được thỏa thuận ngày hôm nay, nhưng vẫn cần tới ý chí chính trị," ông nói trên Twitter.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết điều kiện đã chín muồi cho một "thỏa thuận tốt."
"Chúng tôi tin rằng không thể và không nên có những sự chậm trễ hơn nữa trong các cuộc đàm phán," ông nói.
Ông Vương và những người đồng cấp từ Mỹ, Pháp, Nga và Đức đã triệu tập cuộc họp riêng mới nhất của họ trước trưa ngày thứ Hai tại Vienna, Áo. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond sẽ tham gia các cuộc đàm phán sau đó trong ngày.
Khi cuộc họp bắt đầu, một phóng viên hỏi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là liệu sẽ có một đợt triển hạn nữa hay không, ông Kerry không trả lời.
Các quan chức đã cho biết có sự tiến bộ nhưng đồng thời cũng tỏ ra thận trọng suốt nhiều tháng thương thuyết, kể cả trong suốt 17 ngày qua tại Vienna, nơi họ đã vượt quá hạn chót 30 tháng 6 và thêm một hạn chót thứ hai nữa mà họ đặt ra vào thứ Sáu tuần trước.
Quá trình giải quyết những cáo buộc cho rằng Iran đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân - điều mà nước này phủ nhận - bao gồm một số thỏa thuận nhỏ hơn trong quá trình đàm phán, bắt đầu với một thỏa thuận tạm thời vào tháng 11 năm 2013 kiềm chế hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm bớt những chế tài.
Hai bên đã nhất trí thương thảo một thỏa thuận dài hạn với những hạn chế và giám sát đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dở bỏ hoàn toàn những chế tài mà Liên Hiệp Quốc và những nước riêng lẻ khác áp đặt lên Iran. Việc này lẽ ra mất sáu tháng, nhưng đã kéo dài vì những cuộc tranh luận về tốc độ dỡ bỏ chế tài, việc thanh sát viên tiếp cận những cơ sở hạt hạt nhân của Iran, và gần đây nhất là việc Iran thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.