Các nhà đàm phán đến từ Iran và một nhóm các cường quốc thế giới đã đạt được một thỏa thuận lịch sử mưu tìm từ lâu nhằm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp chế tài với nước này.
Người đặc trách chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini, mô tả thoả thuận này là một "dấu hiệu của hy vọng" đối với thế giới, khi bà phát biểu tại Vienna cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Bà Mogherini nói:
"Đây là một quyết định có thể mở đường cho một chương mới về quan hệ quốc tế. Thoả thuận này chứng tỏ rằng các hoạt động ngoại giao, sự phối hợp và hợp tác có thể vượt thắng nhiều thập kỷ căng thẳng và đối đầu,".
Ông Zarif gọi hợp đồng này là một giải pháp "đôi bên cùng thắng" đối với cả Iran và nhóm P5+1 gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và nước Đức. Ngoại Trưởng Iran nói:
"Chúng tôi đạt được một thỏa thuận không hoàn hảo cho bất cứ bên nào, nhưng đó là điều mà chúng tôi có thể thực hiện, và là một thành tựu quan trọng cho tất cả chúng ta."
Hai nhà lãnh đạo lên tiếng trước một cuộc họp chính thức giữa các nhà ngoại giao đã từng làm việc trong nhiều tháng trời để đạt được đồng thuận về một thỏa thuận toàn diện.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trên trang Twitter rằng quá trình đàm phán chứng tỏ "hiệu quả của chính sách mời gọi sự tham gia bằng tinh thần xây dựng".
Chi tiết của thỏa thuận không được phổ biến công khai trong thời gian dẫn tới một cuộc họp báo được dự kiến diễn ra sau cuộc họp ngoại giao chung cuộc.
Tuy nhiên, hai bên đã làm việc dựa trên một khung sườn căn bản, theo đó phải đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình và không được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân. Iran từ lâu khẳng định chương trình của họ chỉ nhắm các mục đích dân sự, và đòi hỏi chủ yếu của Teheran có liên quan tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã gây nhiều thiệt hại mà Liên Hiệp Quốc và từng quốc gia riêng lẻ đã áp dụng đối với Iran trong suốt thập kỷ qua.
Các cuộc đàm phán tại Vienna kéo dài trong khi nhiều hạn chót đặt ra qua đi, giữa lúc hai bên dồn nỗ lực để giải quyết các vấn đề quan trọng chẳng hạn như sự tiếp cận dành cho các thanh sát viên, cho phép họ lui tới các địa diểm hạt nhân Iran để bảo đảm chính quyền Iran tuân thủ các quy định trong thoả thuận, cũng như tiến độ tháo gỡ các biện pháp chế tài.
Thỏa thuận đạt được hôm nay tượng trưng cho một thỏa hiệp lịch sử sau 12 năm bế tắc, trong đó đôi khi có nguy cơ xảy ra một cuôc xung đột mới tại Trung Đông.
Thoả thuận chỉ có hiệu lực sau khi đã vượt được nhiều trở ngại ở Washington cũng như ở Teheran. Các nhân vật bảo thủ ở cả Washington lẫn Teheran đều mạnh mẽ chống đối những sự tương nhượng cần có để đạt thỏa thuận.
Chướng ngại lớn nhất là Quốc hội Mỹ, nơi mà Đảng Cộng hòa chiếm đa số và dự kiến sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận sau một thời gian cứu xét dài tới 60 ngày. Tổng thống Barack Obama theo dự kiến sẽ phủ quyết bất kỳ biểu quyết chống nào.
Trong cùng ngày thứ ba, Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm giải đáp các nghi vấn về kích thước quân sự có thể có của chương trình hạt nhân Iran.
Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc (IAEA) trong nhiều năm qua đã cố gắng tìm các câu trả lời trong cuộc điều tra của họ, kể cả quyền được lui tới địa điểm quân sự Parchin, nhưng Iran vẫn cưỡng chống lại yêu cầu đó.
Giám đốc IAEA Yukiya Amano nói rằng một bản lộ đồ về các cuộc họp của các chuyên gia và các vấn đề có liên quan tới đỉa điểm quân sự Parchin sẽ cho phép ôngvà Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc công bố một phúc trình đưa ra một thẩm định chung cuộc vào trung tuần tháng 12. Ông nói:
"Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc làm rõ các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran."