Các mảnh vỡ từ một phi đạn rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine vào ngày 2 tháng 1 là từ phi đạn đạn đạo loạt Hwasong-11 của Triều Tiên, các giám sát về chế tài của Liên hiệp quốc báo cáo với một ủy ban của Hội đồng Bảo an trong một phúc trình mà Reuters thấy được hôm 29/4.
Trong phúc trình dài 32 trang, các nhà giám sát chế tài của Liên hiệp quốc kết luận rằng “các mảnh vỡ thu được từ một phi đạn rơi xuống Kharkiv, Ukraine, hôm 2 tháng 1 năm 2024 bắt nguồn từ phi đạn dòng Hwasong-11 của Triều Tiên” và vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Triều Tiên.
Triều Tiên chịu lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân kể từ năm 2006, và các biện pháp này đã được tăng cường trong những năm qua.
Ba giám sát viên chế tài đã tới Ukraine hồi đầu tháng này để kiểm tra các mảnh vỡ và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy phi đạn này do Nga sản xuất. Họ “không thể xác định độc lập phi đạn được phóng từ đâu, cũng như bởi ai.”
“Thông tin về đạn đạo do chính quyền Ukraine cung cấp cho thấy phi đạn được phóng trong lãnh thổ Liên bang Nga”, họ viết trong phúc trình ngày 25/4 gửi tới ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an.
Họ nói: “Một địa điểm như vậy, nếu phi đạn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga, có thể cho thấy việc mua sắm bởi các công dân Liên bang Nga”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này sẽ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Triều Tiên vào năm 2006.
Phái đoàn Nga và Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ở New York đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận về phúc trình của các nhà giám sát chế tài.
Hoa Kỳ và các nước khác đã cáo buộc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine, quốc gia mà Nga xâm lược từ tháng 2 năm 2022. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc này, nhưng năm ngoái tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ quân sự.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào tháng 2, Mỹ đã cáo buộc Nga phóng phi đạn đạn đạo do Triều Tiên cung cấp nhắm vào Ukraine ít nhất 9 lần.
Các giám sát viên của Liên hiệp quốc cho biết phi đạn đạn đạo dòng Hwasong-11 lần đầu tiên được Bình Nhưỡng thử nghiệm công khai vào năm 2019.
Tháng trước, Nga đã phủ quyết việc gia hạn hàng năm các giám sát viên chế tài của Liên hiệp quốc - được biết đến như một nhóm chuyên gia - đã giám sát việc thực thi các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên trong 15 năm qua về các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của nước này. Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 30/4.
Chỉ vài ngày sau vụ tấn công hôm 2/1, văn phòng công tố khu vực Kharkiv đã trưng ra các mảnh vỡ của phi đạn với giới truyền thông, nói rằng nó khác với các mẫu của Nga và “đây có thể là phi đạn do Triều Tiên cung cấp”.