Đường dẫn truy cập

Triều Tiên dọa trả đũa truyền đơn của Hàn Quốc bằng ‘cơn mưa đạn’


Tổ chức Chiến binh cho một Bắc Hàn Tự do của những người đào tị Triều Tiên chuẩn bị thả những quả bóng bay khổng lồ gửi tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng tới Triều Tiên, ngày 15/4/2011.
Tổ chức Chiến binh cho một Bắc Hàn Tự do của những người đào tị Triều Tiên chuẩn bị thả những quả bóng bay khổng lồ gửi tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng tới Triều Tiên, ngày 15/4/2011.

Triều Tiên ngày 8/11 chỉ trích đối thủ Hàn Quốc vì hủy bỏ luật cấm các nhà hoạt động gửi tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng tới Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng các hoạt động như vậy là chiến tranh tâm lý và đe dọa đáp trả bằng “cơn mưa đạn.”

Tuyên bố do Thông tấn xã Trung ương chính thức của Triều Tiên đăng tải là lần đầu tiên truyền thông nhà nước bình luận về quyết định hồi tháng 9 của Tòa Hiến pháp Hàn Quốc nhằm vô hiệu hóa luật năm 2020 vốn hình sự hóa việc phát tờ rơi. Quyết định này dựa trên những lo ngại rằng nó hạn chế quá mức quyền tự do ngôn luận.

Phán quyết được đưa ra nhằm đáp lại đơn khiếu nại của các nhà hoạt động Triều Tiên đào tị sang miền Nam. Những người này bao gồm ông Park Sang-hak, người thường xuyên trở thành mục tiêu trút giận của chính phủ Triều Tiên vì chiến dịch phát truyền đơn kéo dài nhiều năm qua biên giới bằng những quả bóng bay khổng lồ.

Ông Park và những người đào tị khác từ miền Bắc trong nhiều năm đã sử dụng những quả bóng bay chứa đầy khí heli khổng lồ để thả truyền đơn chỉ trích sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un, tham vọng vũ khí hạt nhân của ông và hồ sơ nhân quyền ảm đạm của Bình Nhưỡng. Các tờ rơi thường được kèm theo những tờ đô la Mỹ và những chiếc USB chứa thông tin về tin tức thế giới.

Triều Tiên cực kỳ nhạy cảm trước bất kỳ nỗ lực nào từ bên ngoài nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo độc tài của ông Kim khi ông duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với 26 triệu người dân đất nước đồng thời hạn chế nghiêm ngặt việc họ tiếp cận tin tức nước ngoài.

Đạo luật cấm do chính phủ tự do trước đây ở Seoul soạn thảo nhằm theo đuổi sự giao tiếp liên Triều, được thông qua sáu tháng sau khi Triều Tiên bày tỏ phẫn nộ về việc rải truyền đơn bằng cách cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên vào tháng 6 năm 2020.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong những năm qua khi tốc độ các cuộc thử vũ khí của ông Kim cũng như các cuộc tập trận quân sự kết hợp của Hàn Quốc với Mỹ ngày càng gia tăng theo chu kỳ ăn miếng trả miếng.

Trong phát biểu được cho là của một nhà bình luận chính trị, KCNA cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ xem việc rải truyền đơn là “chiến tranh tâm lý cấp cao” và thậm chí là “tấn công phủ đầu được tiến hành trước khi bắt đầu chiến tranh”.

“Trong tình hình hiện nay, một tia lửa có thể dẫn đến cháy nổ, không có gì đảm bảo rằng các cuộc xung đột quân sự như ở châu Âu và Trung Đông sẽ không nổ ra trên bán đảo Triều Tiên”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, dường như đề cập đến cuộc chiến của Nga với Ukraine và bạo lực ở Israel và Gaza.

Cơ quan này dọa rằng các chiến dịch phát tờ rơi trong tương lai có thể gây ra phản ứng chưa từng có từ quân đội Triều Tiên, lực lượng sẵn sàng “đổ một loạt đạn pháo” về phía các địa điểm phát tờ rơi, cũng như “bức tường thành khu vực của những con rối Hàn Quốc.”

Mặc dù Triều Tiên thường đưa ra những lời đe dọa kỳ quái nhưng không được thực hiện, nhưng những luận điệu đó vẫn phản ánh sự thù địch giữa hai miền Triều Tiên trong bối cảnh ngoại giao bị đóng băng kéo dài.

Tuyên bố này được đưa ra vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Seoul để hội đàm với các đồng minh về mối đe dọa ngày càng tăng do chương trình hạt nhân quân sự của Triều Tiên và sự liên kết ngày càng tăng của Bình Nhưỡng với Nga.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã cung cấp đạn pháo và các loại đạn dược khác cho Nga trong những tháng gần đây để thúc đẩy các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine và họ nghi ngờ rằng ông Kim có thể đang tìm kiếm các công nghệ của Nga và sự hỗ trợ khác để đổi lấy việc nâng cấp quân đội của mình. Cả Bình Nhưỡng và Moscow đều phủ nhận cáo buộc rằng Triều Tiên đã cung cấp đạn dược cho Nga.

Trong một bài viết riêng, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) lên án chuyến thăm Hàn Quốc đã được lên kế hoạch của ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người sẽ tới Seoul vào tuần sau, mô tả họ là “những kẻ gây chiến” mang “đám mây chiến tranh mới” đến châu Á.

Ông Blinken đã có mặt tại Tokyo hôm 7/11 để tham gia ngày thứ nhì và cũng là ngày cuối cùng của cuộc hội đàm Ngoại trưởng Nhóm 7 nước, nơi các nhà ngoại giao cấp cao “lên án mạnh mẽ” các vụ thử phi đạn đạn đạo của Triều Tiên cũng như cáo buộc nước này chuyển giao vũ khí cho Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hành động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống lại Triều Tiên.

Vào năm 2022, Triều Tiên đổ lỗi cho sự bùng phát dịch COVID tại Triều Tiên là do khinh khí cầu bay từ Hàn Quốc - một tuyên bố rất đáng nghi ngờ dường như là một nỗ lực nhằm buộc đối thủ của họ phải chịu trách nhiệm trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Triều Tiên cũng từng bắn các khinh khí cầu tuyên truyền bay về phía lãnh thổ của họ vào năm 2014. Hàn Quốc sau đó bắn trả nhưng không có thương vong.

Trong lần phóng mới nhất vào ngày 20/9, ông Park cho biết ông đã thả 20 quả bóng bay mang theo 200.000 tờ rơi và 1.000 chiếc USB từ đảo biên giới Ganghwa của Hàn Quốc.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG