Đường dẫn truy cập

Đối với Trung Quốc, Triều Tiên là ‘con bài’ trong ván cờ cạnh tranh với Mỹ


Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Lưu Hiểu Minh.
Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Lưu Hiểu Minh.

Bắc Kinh khó có thể giúp Washington phá vỡ hợp tác quân sự giữa Triều Tiên với Nga vì Trung Quốc coi hành động đó là tự hủy hoại chính mình mà củng cố cho các mục tiêu của Mỹ ở châu Âu và châu Á, theo giới phân tích.

Ông Daniel DePetris, một thành viên tại tổ chức Các Ưu tiên Quốc phòng, nhận xét: “Với chính sách của Mỹ ở châu Á và nỗ lực không ngừng của Washington nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực, Bắc Kinh không có lý do gì để hỗ trợ Mỹ, thậm chí là gián tiếp, về một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ – thất bại của Nga ở Ukraine”.

Ông DePetris nói với VOA hôm 27/2: “Đối với Trung Quốc, Triều Tiên không phải là một vấn đề phải giải quyết mà là một quân bài trong cuộc cạnh tranh với Washington”.

Hoa Kỳ quay sang Trung Quốc để kiềm chế các hoạt động phi đạn của Triều Tiên hiện đã mở rộng ra ngoài Đông Á đến châu Âu, nơi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã kéo sang năm thứ ba.

Cơ quan An ninh Ukraine ngày 22/2 cho biết phi đạn của Triều Tiên đã giết chết và làm bị thương dân thường ở các thành phố Zaporizhzhia, Kyiv, Donetsk và Kharkiv của Ukraine kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng quan chức cấp cao của họ về Triều Tiên, Jung Pak, đã hội đàm với đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Lưu Hiểu Minh.

Tuyên bố của Mỹ cho biết, hai bên đã thảo luận về “hành vi leo thang và gây bất ổn ngày càng tăng của Triều Tiên cũng như sự hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng với Nga” vào ngày 21/2 thông qua hội nghị trực tuyến.

Mỹ nói Triều Tiên đã gửi hơn 10.000 container vũ khí tới Nga kể từ tháng 9 năm ngoái khi Washington công bố gói chế tài nhắm vào Moscow vào ngày 23/2.

Cuộc hội đàm Pak-Hiểu Minh diễn ra sau cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về Triều Tiên với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 16/2.

Đáp lại cuộc đàm phán tuần trước, ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA hôm 28/2 qua email rằng “Trung Quốc không có ý định can thiệp vào sự hợp tác giữa hai quốc gia có chủ quyền” là Triều Tiên và Nga. Ông gọi hai nước là “láng giềng thân thiện của Trung Quốc”.

Ông Lưu Bằng Vũ nói tiếp: “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Triều Tiên dường như đã tăng tốc chuyển giao vũ khí để bổ sung vũ khí mà Nga cần để chống lại Ukraine kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm Nga và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9/2023. Đổi lại, ông Kim đang tìm kiếm công nghệ của Nga để cải tiến vũ khí của mình.

Bà Susan Thornton, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai của Đại học Yale, người từng giữ chức phụ tá bộ trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Trump, cho biết Bắc Kinh có thể sẵn sàng thuyết phục Moscow cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng một khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc.

Nhưng ngay cả khi đó, “Trung Quốc sẽ không sẵn lòng giúp đỡ” nếu “mối quan hệ của nước này với Mỹ vẫn đang xấu đi”, bà nói qua email hôm 27/2.

Trung Quốc coi Triều Tiên, quốc gia nằm sát biên giới của mình, là vùng đệm chống lại Mỹ và chống lại các căn cứ quân sự của Mỹ với 28.500 quân ở Hàn Quốc. Bắc Kinh mong muốn Bình Nhưỡng vẫn ổn định để tiếp tục thực hiện vai trò đó.

Trung Quốc đã cung cấp viện trợ kinh tế để duy trì Triều Tiên bị trừng phạt nặng nề và bị cô lập kể từ những năm 1990.

Ông Robert Manning, một thành viên cấp cao thuộc Dự án Đại chiến lược Tái lập Hình ảnh của Hoa Kỳ tại Trung tâm Stimson, cho biết, mặc dù Bắc Kinh “rất khó chịu” khi mất đòn bẩy trước Bình Nhưỡng vì Moscow hiện cung cấp các nguồn thực phẩm và nhiên liệu thay thế, nhưng sự mất mát rõ ràng đó được bù đắp bằng những lợi ích mà Bắc Kinh thu được từ sự phụ thuộc của Moscow vào nền kinh tế Trung Quốc.

Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nặng nề kể từ khi xâm chiếm Ukraine vào tháng 2/2022.

Ông Manning nói: “Trung Quốc là phao cứu sinh kinh tế cho Nga, tăng cường quan hệ năng lượng, lấp đầy thị trường Nga bằng ô tô và hàng tiêu dùng”. Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường của mình về mối quan hệ Bình Nhưỡng-Moscow vì nước này nhìn chung tiếp tục “phối hợp phần lớn chính sách đối ngoại của họ với Nga, nơi Bắc Kinh phản đối chính sách của Mỹ,” ông nói qua email hôm 28/2.

Tuy nhiên, ông Michael Swaine, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy, nói: “Hợp tác tích cực với Moscow và Bình Nhưỡng để chống lại Mỹ sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho Bắc Kinh”.

Ông Swaine cho biết qua email hôm 28/2 rằng “Ngay bây giờ, họ muốn duy trì mối quan hệ khả thi với Washington chứ không phải làm xấu đi mối quan hệ đó. Bắc Kinh phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong nước và đòi hỏi một môi trường bên ngoài tương đối ổn định.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG