Ân xá Quốc tế: Nạn tra tấn 'có hệ thống' tồn tại ở nhiều nước

Các chính phủ trên khắp thế giới đã không thực hiện những lời hứa mà họ đưa ra trong Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc năm 1984. Đó là nhận định của Hội Ân xá Quốc tế trong lúc họ phát động chiến dịch “Chấm dứt tra tấn”. Tổ chức nhân quyền này nói rằng 30 năm sau khi công ước được ký kết, nhiều nước trên thế giới vẫn còn sử dụng nhục hình một cách có hệ thống trên qui mô lớn. Từ London, thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Thành phố Port Harcourt của Nigeria nằm trong vùng đồng bằng có nhiều dầu lửa nhưng cư dân ở đây chưa hưởng được những lợi ích của các hoạt động khai thác dầu.

Tỉ lệ nghèo túng và tội phạm nằm ở mức cao.

Các nhân vật tranh đấu tố cáo giới hữu trách Nigeria vi phạm nhân quyền, trong đó có việc tra tấn tù nhân.

Thành phố này là quê của ông Justine Ijeomah và là nơi mà dân chúng gọi anh là “Ông Nhân quyền.” Ông là người đứng đầu Quỹ Nhân quyền, Phát triển Xã hội và Môi trường, gọi tắt là HURSDEF.

Ông mô tả như sau về sự tra tấn mà cảnh sát Nigeria đã áp dụng đối với một người bị bắt về tội bắt cóc.

"Anh ấy bị còng tay. Hai chân anh ấy cũng bị còng. Họ cột hai tay và hai chân anh ấy lại với nhau và dùng một thanh sắt luồn vào giữa, và anh ấy bị gấp lại như thế này. Sau đó họ treo anh ấy lên và dùng mã tấu chém vào lưng."

Ông Ijeomah cho biết chính ông cũng đã bị tra tấn nhiều lần. Giới hữu trách Nigeria bác bỏ những tố cáo đó.

Cách đây 30 năm, hơn 150 quốc gia đã ký Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc. Nhưng Hội Ân xá Quốc tế cho biết nhiều nước ký công ước, như Nigeria, không tuân thủ những cam kết mà họ đã đưa ra.

Ông Michael Bochenek, Giám đốc Luật pháp và Chính sách của Hội Ân xá Quốc tế, cho biết như sau.

"Trong nhiều trường hợp, những gì mà chúng tôi nói tới là sự sử dụng nhục hình có hệ thống tại những quốc gia này. Quả thật là có sự khác biệt giữa cam kết trên giấy tờ và những hành động trên thực tế."

Ông Bochenek cho biết có những biện pháp cơ bản mà các chính phủ cần thực hiện để giải quyết vấn đề tra tấn.

"Thực hiện những cuộc điều tra y khoa có hiệu quả, bảo đảm là các luật sư có thể tới thăm thân chủ của họ trong nhà giam và việc này cần được thực hiện ngay, và phải bảo đảm là thân nhân của người bị giam có thể tới gặp họ."

Tại Brazil, 80% những người được thăm dò trong cuộc khảo sát do Hội Ân xá Quốc tế ủy thác cho biết họ lo sợ sẽ bị tra tấn nếu bị cảnh sát bắt giam.


Tại Brazil, 80% những người được thăm dò trong cuộc khảo sát do Hội Ân xá Quốc tế ủy thác cho biết họ lo sợ là họ sẽ bị tra tấn nếu bị cảnh sát bắt giam. Đây là tỉ lệ cao nhất trong số 21 quốc gia được khảo sát.

Tại Nigeria, 50% dân chúng lo sợ bị tra tấn nếu bị bắt.

Ông Ijeomah cho biết thêm như sau về nạn tra tấn ở quốc gia Phi châu này.

"Những nhân viên cảnh sát có hành vi tra tấn không hề bị truy tố. Tình trạng phạm tội mà không sợ bị trừng phạt ở Nigeria và một số khu vực khác ở Phi châu thật sự đã vượt khỏi tầm kiểm soát."

Trong cuộc khảo sát của Hội Ân xá Quốc tế, 3/4 dân chúng ở Trung Quốc và Ấn Độ nói rằng tra tấn đôi khi là một việc cần thiết để bảo vệ công chúng. Tỉ lệ tán thành tra tấn ở Hy Lạp là thấp nhất – chỉ có 1/10 dân chúng ở nước này nghĩ rằng tra tấn đôi khi là cần thiết.