Việt Nam đang tăng cường công tác nạo vét và lấp đất ở Biển Đông, tạo ra lượng đất mới gần bằng tổng số đất trong hai năm trước đó cộng lại, tạo tiền đề cho một năm kỷ lục về xây dựng đảo, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết hôm 7/6.
Kể từ tháng 11 năm 2023, khi tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington đưa ra phúc trình lần chót, Việt Nam đã tạo ra 692 mẫu Anh đất mới, so với 404 mẫu được tạo trong 11 tháng đầu của năm 2023 và 347 mẫu vào năm 2022, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết trong một phúc trình mới.
Theo AMTI, điều này nâng tổng diện tích nạo vét và lấp đất tổng thể của Việt Nam (bao gồm cả lấp đất và nạo vét bến cảng/kênh đào) ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông lên khoảng 2.360 mẫu Anh – gần bằng một nửa trong số 4.650 mẫu Anh của Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi lớn so với chỉ ba năm trước, khi tổng khối lượng nạo vét và lấp đất của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh—chưa bằng 1/10 tổng diện tích của Trung Quốc.
Quy mô hoạt động của Việt Nam cũng có thể được nhìn thấy khi nhìn vào các tiền đồn lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa tính theo diện tích đất liền. Trong khi “ba tiền đồn lớn” của Trung Quốc (đá Vành Khăn, Subi và Chữ Thập) vẫn là lớn nhất, thì bốn tiền đồn lớn tiếp theo đều là các rạn san hô mới được mở rộng của Việt Nam, vẫn theo AMTI.
AMTI nói Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) vẫn là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam, tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua, từ 238 lên 412 mẫu Anh.
Báo cáo của AMTI cho biết thực thể này hiện có chiều dài 4.318 mét, khiến nó trở thành tiền đồn duy nhất của Việt Nam cho đến nay có tiềm năng xây một đường băng dài 3.000 mét giống như đường băng mà Trung Quốc có tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Hiện nay, đường băng duy nhất của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa là đường băng dài 1.300m trên đảo Trường Sa cùng tên. Mặc dù đường băng đó đủ rộng cho hầu hết các máy bay quân sự của Việt Nam, nhưng cần có một đường băng dài 3.000 mét để các máy bay vận tải, giám sát hoặc ném bom quân sự lớn hơn cất cánh và hạ cánh.
Các thực thể khác cũng đã trải qua quá trình lấp đất đáng kể, kể từ tháng 11, gồm 102 mẫu đất mới đã được tạo ra tại Rạn san hô Đá Lớn, 52 mẫu tại Rạn san hô Đá Nam, 41 mẫu tại Đảo Nam Yết và 37 mẫu tại Đảo Phan Vinh, báo cáo của AMTI nêu rõ.
Các hoạt động nạo vét tại Đảo Phan Vinh đã mở rộng ra ngoài tiền đồn chính ở phía đông bắc đến các khu vực mới ở đầu phía nam của rạn san hô, tạo ra vùng đất mới xung quanh các lô-cốt hiện có và các kênh rộng hơn cho tàu bè đi qua, vẫn theo AMTI.
Báo cáo này nói rằng cùng với việc tăng tốc lấy đất lấn biển, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng sơ bộ một số cơ sở mới trên khắp các tiền đồn của mình. Những phát triển đáng chú ý bao gồm việc hoàn thành đoạn cầu tàu trên đảo Nam Yết và xây dựng bến cảng mới tại Đảo Trường Sa Đông.
Báo cáo của AMTI cho biết các chiến hào và công trình phòng thủ ven biển điển hình của các tiền đồn ở Trường Sa của Việt Nam có thể được nhìn thấy đang được tiến hành ở một số thực thể. Và đã xuất hiện các sân bay trực thăng tạm thời trên nhiều thực thể đang mở rộng, bao gồm Rạn San hô Đá lớn, Đá Lát, Đá Tiên Nữ và Đá Nam.
Trung Quốc, nước đã xây dựng các đảo ở Biển Đông từ năm 2013, tuyên bố chủ quyền đối với những vùng đất rộng lớn trên biển, bao gồm cả các khu vực mà Việt Nam đang xây dựng đảo.
Biển Đông là một trong những tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, nơi có hơn 3 nghìn tỷ đô la giá trị thương mại đi qua mỗi năm. Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đã đưa ra các yêu sách cạnh tranh đối với một phần hoặc toàn bộ Quần đảo Trường Sa.
(Nguồn: Reuters + amti.csis.org)