Đường dẫn truy cập

Manila tố tuần duyên Trung Quốc tịch thu tiếp tế của lực lượng Philippines ở Biển Đông


Tướng Romeo Brawner, người đứng đầu quân đội Philippines ngày 4/6/2024 tố cáo Trung Quốc tich thu hàng tiếp tế do máy bay thả xuống Bãi Cỏ Mây.
Tướng Romeo Brawner, người đứng đầu quân đội Philippines ngày 4/6/2024 tố cáo Trung Quốc tich thu hàng tiếp tế do máy bay thả xuống Bãi Cỏ Mây.

Người đứng đầu quân đội Philippines ngày 4/6 tố lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tịch thu một trong bốn gói thực phẩm được máy bay thả xuống cho hải quân Philippines tại một tiền đồn lãnh thổ bị tàu Trung Quốc bao vây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Tướng Romeo Brawner cho biết quân nhân Trung Quốc có lẽ đã nghi ngờ các gói hàng này chứa vật liệu xây dựng để gia cố cho một tàu hải quân rỉ sét của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) để làm tiền đồn của Philippines. Ông Brawner nói, sau khi phát hiện gói hàng chứa thực phẩm, họ đã đổ các mặt hàng này, trong đó có gạo và bánh quy, xuống biển.

Các quan chức Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố của ông Brawner nhưng họ đã nhiều lần nói rằng bãi cạn này (nơi quân đội Philippines cố tình neo giữ tàu hải quân từ năm 1999) là thuộc về Trung Quốc và đã yêu cầu Manila kéo tàu đi. Các hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines trên tàu mắc cạn đã dẫn đến các cuộc giao tranh và va chạm với các tàu tuần duyên Trung Quốc, làm hư hại các tàu tiếp tế của Philippines và làm bị thương một số nhân viên hải quân Philippines.

Các đợt thả dù ngày 19 tháng 5 tại Bãi Cỏ Mây của quân đội Philippines đã gây ra một cuộc chạy đua giữa lực lượng tuần duyên Trung Quốc và nhân viên hải quân Philippines trên các thuyền máy nhỏ để lấy bốn gói hàng. Phía Philippines đã vớt được ba trong số các gói hàng trôi nổi và phía Trung Quốc đã lấy được một gói, ông Brawner nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

Ông cho biết sau khi nhân viên Trung Quốc vứt số thực phẩm này xuống biển, các thủy thủ Philippines đã vớt được một số trên biển nhưng gạo đã ướt sũng và không thể ăn được nữa.

Ông Brawner nói: “Hành động tịch thu nguồn cung cấp của chúng tôi là bất hợp pháp.” “Họ không có quyền lấy đồ tiếp tế của chúng tôi, thực chất là thực phẩm và một số loại thuốc men.”

Video và hình ảnh do quân đội Philippines công bố cho thấy ít nhất 4 thuyền máy di chuyển sát nhau một cách nguy hiểm khi những người trên thuyền cố gắng vớt những vật dụng trôi nổi trên biển, bao gồm cả những thứ có vẻ là một chiếc đĩa trắng và hộp đựng thức ăn. Trong video có thể nghe thấy những người đàn ông la hét với nhau.

Philippines nói bãi cạn này, vốn cách bờ biển của Philippines chưa đến 200 hải lý (370 km), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được quốc tế công nhận và Manila thường viện dẫn phán quyết của trọng tài quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các tranh chấp lãnh thổ đã làm căng thẳng các mối quan hệ và làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột có thể khiến Trung Quốc và Mỹ, một đồng minh hiệp ước lâu năm của Philippines, rơi vào một cuộc đối đầu quân sự. Washington không đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với tuyến đường biển thương mại toàn cầu quan trọng này, nhưng cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu lực lượng, tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.

Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ kéo dài, được coi là điểm nóng ở châu Á và là ranh giới mong manh trong sự cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG